Nhờ nuôi hươu lấy nhung, nhiều nông dân đã thoát nghèo, giàu lên nhanh chóng và có của ăn, của để. Ảnh: I.T
Riêng bán nhung đã thu về... 120 tỷ đồng
Theo thống kê, hiện đàn hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có 33.450 con, tăng thêm khoảng 3.300 con so với đầu năm 2018. Đàn hươu tăng nhanh lại được chăm sóc cẩn thận nên sản lượng nhung vụ vừa đây toàn huyện đạt 12,21 tấn (tăng 11% so với năm ngoái); do giá bán nhung khá cao nên người dân nơi đây đã thu về hơn 120 tỷ đồng.
Hiện nay, hầu như người dân các xã, thị trấn ở Hương Sơn đều nuôi hươu nhưng tập trung nhiều nhất ở các xã có truyền thống nuôi hươu từ hàng chục năm nay, như Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Ninh...
Do tính chất dễ nuôi nên ở mỗi xã này, bình quân đàn hươu từ 2.000-2.700 con. Trong đó, trên địa bàn huyện có hàng trăm mô hình nuôi quy mô trên 20 con, không ít hộ nuôi từ 50-100 con. Số hộ nuôi từ 4-5 con trở lên, có tới hàng chục nghìn hộ. Nhà nhà nuôi hươu khiến loài vật này thực sự gắn bó và trở thành đặc sản không lẫn lộn của Hương Sơn.
Cũng như nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Hương Sơn, gia đình chị Trần Thị Lợi đã lựa chọn con hươu làm vật nuôi chủ đạo để phát triển kinh tế gia đình... Ảnh: baohatinh
Được biết, giá hươu giống dưới 1 tuổi ở thời điểm hiện tại là 6-8 triệu đồng/con hươu cái, 8-12 triệu đồng/con hươu đực; đối với những con giống là hươu đực trên 1 tuổi có giá trên 20 triệu đồng.
Chủ tịch UBND “xã hươu” Sơn Lâm, ông Nguyễn Trọng Thuần, cho biết: “Hiện xã có 650/801 hộ nuôi, chiếm tỷ lệ trên 80%. Với tổng đàn lên đến 2.786 con, hươu đang chiếm khoảng 40% tổng thu nhập của địa phương. Mặc dù xã phát triển nhiều đối tượng kinh tế nhưng hươu vẫn là mũi nhọn, được người dân quan tâm nhất. Hàng trăm gia đình ở Sơn Lâm xây dựng được nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái ăn học trưởng thành cũng chủ yếu nhờ hươu. Toàn xã có khoảng 50 mô hình nuôi hươu cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng”.
Khách trả 35 triệu đồng/con hươu, chủ quyết không bán
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn đầu tư lớn, nuôi trên 50 con hươu, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Chị Trần Thị Hợi (thôn 10, xã Sơn Lĩnh) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hươu từ hàng chục năm nay. Thấy hươu cho thu nhập khá nên năm 2012 chúng tôi tăng lên 50 con và duy trì ổn định số lượng cho đến nay. Trung bình, mỗi năm thu nhập từ bán nhung hươu và hươu giống đạt khoảng 300-400 triệu đồng. Ở vùng rừng núi Sơn Lĩnh này, đây là khoản thu nhập lớn mà nếu không nuôi hươu thì không thể làm gì có được”.
Gần đây, con hươu của ông Bùi Văn Lợi (tổ dân phố 10, thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã khiến không ít người tò mò vì có cặp nhung độc đáo "có một không hai".
Cặp nhung có nhánh chính mọc ngang và chia làm nhiều nhánh tựa như chùm hoa. Ảnh: baohatinh
Ông Lợi cho biết, con hươu này được 2 năm tuổi, và ra lứa nhung đầu tiên (thường gọi là chóc). Trong khi hầu hết lứa nhung đầu tiên chỉ có một nhánh nhỏ, mọc thẳng, có trọng lượng thông thường chỉ 1-2 lạng, thì con hươu này lại cho một cặp nhung hoa độc, lạ, có trọng lượng ước tính 5 lạng.
Theo người dân địa phương, đây là cặp nhung chưa từng thấy ở Hương Sơn.
Đây là lứa nhung đầu tiên của con hươu 2 tuổi. Ảnh: baohatinh
Được biết, đây là con hươu giống tốt, được ông Lợi mua với giá cao hơn rất nhiều lần so với giá hươu trung bình trên thị trường.
Trong khi một con hươu đực bắt đầu cho nhung lứa đầu giá chỉ dao động từ 5-7 triệu đồng, thì con hươu này đang được khách trả giá 35 triệu đồng, nhưng ông Lợi không hề có ý định bán. Thông thường, những con hươu đực cho nhung tốt như thế này, sẽ được nhân giống và bán với giá cao hơn rất nhiều lần so với giá trên thị trường.
Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng nhờ cách chăm sóc nên hươu có thể thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,6 – 0,8kg, những chú hươu khỏe có thể cho “lộc” nặng đến 1,7kg, mỗi kg có giá 10 triệu đồng. Thời điểm trái mùa (tức khoảng tháng 7, tháng 8), mỗi kg nhung có thể lên tới 15 – 20 triệu đồng.
"Thần dược phòng the", tăng cường sinh lý Theo y học cổ truyền Việt Nam, nhung hươu, nai có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ... Từ lâu đời, các thầy thuốc Đông y Trung Quốc và Nhật đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp. Còn theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày - ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid... Liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết. Đặc biệt, do nhung mọc trong thời kì dương khí vượng nên nhung hươu hội tụ dương khí rất cao, phù hợp cho những người mắc vẫn đề về sinh lý, cần tăng cường sinh lực. Nhung hươu không chỉ để ngâm rượu mà còn có thể chế biến được nhiều món ăn bổ dưỡng như nhung hươu nấu với nấm hương, bắp cải; nhung hươu hầm gà… Đặc biệt, món nhung hầm gà không chỉ giúp người ăn bổ thận tráng dương mà còn có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu cho người ăn. |
Tác giả bài viết: Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;