Theo Giám đốc TTHCC thành phố Hà Tĩnh Trần Quốc Toản, phương thức giao dịch truyền thống, người dân đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực tiếp trung tâm, nếu hồ sơ đã đầy đủ thì nộp lại và đúng hẹn thì đến nhận kết quả. Còn đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, công dân, tổ chức và doanh nghiệp chỉ cần điền thông tin vào các mẫu đơn, nộp trực tuyến qua phầm mềm dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉhttp://www.dichvucong.hatinhcity.gov.vn
Được biết, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tuyến. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí và nhận kết quả.
Trong khi đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dựa trên cơ sở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nhưng cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Đây là bước tiến về cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa công sức, thời gian của người dân và chính quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Đến nay, Tp Hà Tĩnh có 165 thủ tục hành chính được giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên các lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, quản lý đô thị; tài nguyên môi trường; tư pháp, cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện...
Đặc biệt, để người dân dễ dàng tiếp cận khi đến TTHCC thành phố Hà Tĩnh để làm thủ tục, cán bộ ở đây đã giới thiệu, tư vấn và khuyến khích bà con sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và xem đây là một “kênh” tuyên truyền thiết thực, hiệu quả.
Đến nay, sau 3 tuần triển khai, TTHCC thành phố Hà Tĩnh đã tiếp nhận hơn 40 bộ hồ sơ đăng ký qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Trần Phú) cho biết: “Lúc đầu cứ nghĩ liên quan đến công nghệ thông tin thì khó và rắc rối nhưng khi được hướng dẫn, tôi nghĩ nhiều người có thể thực hiện được việc đăng ký làm hồ sơ, thủ tục qua mạng. Đơn giản như khi quá bận không thể đến phường để làm thủ tục, tôi chỉ cần máy tính có kết nối mạng là đã có thể thực hiện”
Mặc dù việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng đến “chính quyền phục vụ”, không còn “hành là chính” nhưng vẫn chưa được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm sử dụng. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen cố hữu lâu nay cũng như công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng để “lay chuyển”, thay đổi được phương thức giao dịch truyền thống. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị vẫn chưa đồng bộ nên quá trình triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.
“TP Hà Tĩnh hiện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, ngành và các phường, xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn để thực hiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến cũng như rà soát, công khai các thủ tục hành chính đầy đủ và kịp thời. Đặc biệt, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn” - Giám đốc TTHCC thành phố Hà Tĩnh Trần Quốc Toản trao đổi thêm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;