Đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, chăm lo đời sống người nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng
Mức sống liên tục được cải thiện
Đề cập đến chủ đề xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ rõ 4 vai trò, 5 nguy cơ và 8 nhóm giải pháp để nông dân Việt Nam không bị tụt hậu trong giai đoạn mới. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường, giai cấp nông dân Việt Nam chính là lực lượng trọng yếu về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) - đô thị hóa đất nước. Tuy nhiên, hiện nay có thể nhận thấy địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH - HĐH và đô thị hóa.
“Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp. Việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% những năm 2005-2010 và chỉ còn 6,06% những năm 2012 - 2014. Cùng với khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản làm cho kinh tế nông nghiệp chững lại, kéo theo là việc nông dân không được quyền “định giá nông sản”..., điều này dẫn tới thu nhập của nông dân cũng giảm, tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, khoa học kỹ thuật nông nghiệp được áp dụng còn hạn chế; khả năng hội nhập của nông dân, nông nghiệp Việt Nam chậm, tụt hậu xa hơn đối với các quốc gia trong khu vực...” - đồng chí Nguyễn Quốc Cường nói.
Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XII về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng thừa nhận, dù những năm qua thu nhập và mức sống của nông dân Việt Nam liên tục được cải thiện song sự cải thiện đó không đồng đều và đặc biệt là khoảng cách với các đô thị, vùng kinh tế phát triển ngày càng cách giãn ra hơn, mức độ cải thiện chậm hơn. Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Cao Đức Phát cho biết, 2 giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới đây vẫn là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, trong đó cần tiếp tục đổi mới cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp hiệu quả hơn.
“Cởi trói” để các địa phương năng động hơn
Đại diện cho Đảng bộ một địa phương có nền kinh tế, công nghiệp dịch vụ phát triển nhanh ở tốp đầu cả nước, đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương góp ý, ngoài việc nêu cao quyết tâm thì quan trọng hơn cả là phải nâng cao hơn tính chủ động của từng ngành, từng cấp, thậm chí từng doanh nghiệp thì chúng ta mới có thể vững tin bước vào “sân chơi hội nhập”. Theo đồng chí Trần Văn Nam, nên chăng có sự “cởi trói” để các địa phương năng động hơn, tự chủ hơn trong phát triển kinh tế, nhưng việc “cởi trói” này phải có cơ chế chặt chẽ, minh bạch. Trước mắt phải ưu tiên một số vùng kinh tế trọng điểm, động lực, chứ ở đâu cũng cần cơ chế riêng, cơ chế đặc thù thì lại không thể được.
“Chúng ta cần chấp nhận có những vấn đề sẽ phải “xé rào” nhưng sự chấp nhận này phải được đánh giá một cách khách quan, công minh thì các địa phương mới có thể mạnh dạn được. Thành quả đổi mới từ Đại hội VI năm 1986 của Đảng cũng bắt nguồn từ việc “xé rào” của một số địa phương và đến Đại hội này, nhiều người cũng đang đặt vấn đề về đổi mới lần thứ hai. Các thế hệ lãnh đạo Bình Dương trước đây cũng rất quyết liệt và có những tư duy “xé rào”, không có “xé rào” thì không có Bình Dương như ngày hôm nay, quan trọng là khi thẩm định và kiểm tra lại thì những “xé rào” đó là hợp lý, không mang yếu tố cá nhân, riêng tư gì trong đó. Như thế để thấy rằng, khi mình chưa có cơ chế chính sách bật đèn xanh thì nói thật, “xé rào” là việc rất mạo hiểm” - đồng chí Trần Văn Nam chia sẻ.
Một vấn đề quan trọng khác được tham luận tại Đại hội XII của Đảng, đó là phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, đây là một đại chiến lược của đất nước, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển và tiến đến một cường quốc biển, đồng chí Lê Viết Chữ đề nghị cần có chủ trương đầu tư xây dựng hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển; có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo.
Xây dựng đảo Lý Sơn thành đô thị biển hiện đại
Trong bài tham luận của mình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đề nghị Trung ương hỗ trợ Quảng Ngãi xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Theo: anninhthudo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã