Học tập đạo đức HCM

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp

Thứ tư - 12/03/2014 20:55
Việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý(CDĐL) cho một số sản phẩm nông sản Việt Nam bước đầu mang lại kết quả tích cực: Hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập, tác động để quy hoạch lại kinh tế - xã hội nông thôn tại nơi sản xuất. Trong tầm nhìn xa hơn, Chỉ dẫn địa lý còn được coi là hướng đi mới để bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần gia tăng các giá trị văn hóa - xã hội của sản phẩm.

 

Câu chuyện một giống chuối quý được phục hồi phát triển

Thôn Đại Hoàng, nay là xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là nơi có giống chuối ngự nổi tiếng gần xa. Khi đã đủ độ chín, quả chuối ngự Đại Hoàng căng tròn múp míp không có cạnh, vỏ quả rất mỏng, mầu vàng óng, ruột quả vàng mà vẫn cứng, mùi thơm dịu, vị ngọt mát. Dù quả chín nhưng đầu của các nhị hoa, được gọi là "râu rồng", vẫn không bị rụng. Trong đời sống hằng ngày, chuối ngự được dành làm quà biếu trong những dịp quan trọng để tỏ lòng tôn kính với người được biếu. Nét văn hóa gắn liền với chuối ngự quý hiếm từ bao đời vẫn được người dân (không chỉ) ở Đại Hoàng gìn giữ. Năm 1960, đoàn đại biểu xã Hòa Hậu ra thăm Bác Hồ mang theo chuối ngự Đại Hoàng biếu Bác. Khi đoàn về, Bác dặn: Đây là vật quý của Đại Hoàng nên lưu giữ. Giống chuối quý này đã được xác định là một nguồn gien quý hiếm cần được bảo tồn ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, những năm trước, diện tích trồng chuối ở Đại Hoàng chỉ còn chừng 50 ha. Vườn chuối bị đe dọa gay gắt bởi sự phát triển của các khu công nghiệp và làng nghề. Giá chuối ngự cũng không cao như giá trị của nó. Người trồng giống chuối quý lao đao theo những cơn thăng giáng của thị trường.

Nhưng mọi chuyện nay đã khác xưa. Anh Trần Văn Chung, ở xóm 15, xã Hòa Hậu cho chúng tôi biết: "Tôi đang trồng ở vườn nhà mình 200 gốc chuối ngự. Hai con còn đi học cho nên chỉ có hai vợ chồng chăm nom cho vườn chuối nhưng thu nhập từ chuối cũng đủ trang trải cho một gia đình bốn người". Từ khi gia nhập Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng, nải chuối được gắn tem bảo đảm xuất xứ và chất lượng, đầu ra được bảo đảm hơn, anh Chung không còn lo chạy đôn chạy đáo để bán chuối, không còn bị ép giá như trước. So với trước thời điểm bảo hộ, doanh thu trên mỗi đơn vị diện tích của chuối ngự Đại Hoàng bình quân đã tăng gấp rưỡi. Người nông dân ở Đại Hoàng đã tin tưởng cây chuối đặc sản của mình có thể cho thu nhập ổn định. Nghề trồng chuối hồi phục dần, diện tích trồng chuối ngự đến nay đã tăng hơn 100 ha. Chị Trần Thị Ngân ở xóm 1, xã Hòa Hậu cho biết: "Đến nay ở xã Hòa Hậu đã có 77 hội viên Hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng. Có gia đình trồng tới 500 bụi chuối, cho thu nhập tới 60 đến 70 triệu đồng". Chị Ngân là Chủ tịch Hiệp hội và cũng là người giữ những chiếc tem bảo đảm chất lượng để dán lên từng nải chuối trước khi đưa ra thị trường. Chỉ những hội viên đã đăng ký, cam kết xuất chuối đúng những quy định về chất lượng mới được dán tem trên nải chuối của mình. Những người chưa phải là hội viên muốn dán tem đều phải qua kiểm định, giám sát chất lượng kỹ càng.

Chìa khóa phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn

Hiện nay, trên thế giới, CDĐL đã mở rộng sang các sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng thủ công, thậm chí cả dịch vụ. Sự mở rộng đó xuất phát từ những ảnh hưởng tích cực mà CDĐL đem lại cho nhiều đối tượng. CDĐL có những tác động tích cực đến người sản xuất, người tiêu dùng, xã hội, môi trường và trở thành một công cụ, chìa khóa phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn tại nhiều nước.

Ở Việt Nam, nước mắm Phú Quốc và chè shan tuyết Mộc Châu là hai sản phẩm đầu tiên được đăng ký bảo hộ CDĐL từ năm 2001. CDĐL đã cho thấy rõ những tác động tích cực hạn chế rủi ro do biến động giá nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Một số sản phẩm mang CDĐL đã đứng vững trước những biến động khủng hoảng kinh tế, giá bán ổn định và lượng hàng liên tục tăng: Gạo tám xoan Hải Hậu, bưởi Phúc Trạch, chuối ngự Đại Hoàng, hồng không hạt Bắc Cạn... Nhờ có bảo hộ CDĐL, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang Đức, Ca-na-đa và Trung Đông... Chè shan tuyết Mộc Châu từ thị trường truyền thống I-rắc đã phát triển sang các thị trường châu Âu (Anh, Pháp...). So với năm được bảo hộ CDĐL (2001), doanh thu hiện nay của Công ty chè Mộc Châu đã tăng gần năm lần nhờ giá bán, năng suất và sản lượng chè đều tăng. Lương của công nhân tăng 3,1 lần.

Các sản phẩm CDĐL được quản lý và khai thác tốt đã góp phần tích cực trong việc quy hoạch phát triển vùng đặc sản của địa phương. Năm 2005, diện tích trồng hồng không hạt ở tỉnh Bắc Cạn chỉ còn 40 ha, đến nay, diện tích trồng hồng đã tăng lên hơn 300 ha. Giống hồng này được đưa vào chương trình quy hoạch phát triển cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, diện tích lên tới 1.300 ha trong vùng bảo hộ. Sau khi được bảo hộ, chè shan tuyết Mộc Châu cũng đã tăng diện tích từ 570 ha (năm 2001) lên 915 ha (năm 2010). Các địa phương có CDĐL như Bình Thuận (thanh long), Phú Quốc (nước mắm)...đều thu hút được nhiều lao động, giảm di dân và góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

CDĐL gắn kết các sản phẩm truyền thống với khu vực địa lý và hệ thống sản xuất, bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn gien quý và kiến thức bản địa. Đối với người sản xuất, CDĐL là công cụ bảo vệ họ (bằng chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm), chống gian lận thương mại, tham gia cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng đặc thù, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với xã hội, CDĐL là công cụ phát triển nông thôn bền vững, là cơ sở để quy hoạch kinh tế - xã hội nông thôn dựa trên việc tăng giá trị của sản phẩm và cũng đã bước đầu thấy được hiệu ứng tích cực gia tăng các giá trị văn hóa - xã hội của vùng bảo hộ CDĐL.Trong kinh tế đối ngoại, việc đăng ký bảo hộ đối với các CDĐL nổi tiếng của Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp thương mại và cũng là công cụ để quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chưa tương xứng với nguồn tài nguyên

Nếu so với trên 500 sản phẩm đặc sản gắn liền với những điều kiện địa lý và con người đặc thù thì con số hơn 20 sản phẩm có đăng ký CDĐL (thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ) thể hiện rõ sự chưa tương xứng giữa thực tế và tiềm năng đăng ký CDĐL cho các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Đào Thế Anh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam - cho biết thêm: "Các CDĐL của chúng ta rất đơn điệu, một CDĐL cho một sản phẩm. Điều này gây lãng phí nguồn tài nguyên địa danh mà có nhiều đặc sản có thể cùng xây dựng CDĐL.Mặt khác, phần lớn (tới 72%) CDĐL được bảo hộ của Việt Nam là các sản phẩm thô (không qua chế biến) thuộc nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lương thực. CDĐL cho các sản phẩm chế biến hoặc tiểu thủ công rất hạn chế (chỉ chiếm 16% tổng số CDĐL). Trong khi đó, các CDĐL ở nước ngoài chủ yếu dành cho các sản phẩm chế biến có giá trị cao, và bảo hộ đa dạng hóa các sản phẩm chế biến khác nhau dưới cùng một tên địa danh cho phép họ thuận lợi hơn trong việc ma- Két-tinh và quản lý chất lượng sản phẩm".

Việc thiếu vắng, chưa hình thành rộng rãi các tổ chức tập thể quản lý và sử dụng CDĐL (Hiệp hội, Hội...) của người sản xuất làm cho các sản phẩm có CDĐL chưa có các chiến lược phát triển sản xuất và ma-két-tinh để duy trì tính ổn định chất lượng và phát triển thị trường cho các sản phẩm. Điều này dẫn đến hiệu quả bảo hộ CDĐL còn ở mức thấp, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa có khái niệm về CDĐL và những sản phẩm nào được bảo hộ CDĐL.

Để phát huy hiệu quả của CDĐL cần lựa chọn các sản phẩm thật sự có chất lượng và tiềm năng thị trường để xây dựng CDĐL.Cần mở rộng đối tượng bảo hộ từ các sản phẩm thô sang nhóm sản phẩm chế biến để khai thác hết được tiềm năng của CDĐL và cũng cần tránh việc phát triển CDĐL theo phong trào. Để mỗi sản phẩm CDĐL phát triển bền vững, cần tái tạo nguồn tài nguyên và môi trường của khu vực bảo hộ CDĐL: sản xuất cây giống, con giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất. Mặt khác, cần khắc phục sự mất cân đối thường xảy ra hiện nay trong việc phân chia lợi ích giữa các doanh nghiệp chế biến (được hưởng phần lớn giá trị gia tăng của CDĐL) và người trực tiếp tạo ra sản phẩm (lại được hưởng lợi ít) để kích thích sản xuất.

Sản phẩm CDĐL không của riêng một cá nhân mà được cộng đồng lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Đây là tài sản chung của cộng đồng và rộng hơn là của cả quốc gia. Để CDĐL của Việt Nam thật sự trở thành một công cụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cần coi việc xây dựng và phát triển các sản phẩm CDĐL như việc quản trị thương hiệu của một doanh nghiệp. Đi cùng với nó, các vấn đề về thể chế và chính sách công cũng cần được đồng bộ hóa.

BÀI VÀ ẢNH: ĐÀO PHƯƠNG, VƯƠNG ANH
Nguồn nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập285
  • Hôm nay34,048
  • Tháng hiện tại212,615
  • Tổng lượt truy cập90,276,008
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây