Được biết, về việc triển khai Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, thủy sản cho Hà Nội, Sở NNPTNT Nam Định đã thành lập các đoàn công tác đến làm việc với Sở NNPTNT Hà Nội để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý chất lượng nông sản, đồng thời giới thiệu các mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh. Hiện nay, các doanh nghiệp của Hà Nội đã bắt đầu ký kết một số hợp đồng tiêu thụ rau, thịt, thủy sản an toàn với các nhà cung cấp từ Nam Định.
Gạo chất lượng cao là sản phẩm của Nam Định và người dân Hà Nội quan tâm. Ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Giao Thủy. Ảnh: I.T
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, thành phố có nhu cầu lương thực thực phẩm rất lớn. Mặc dù diện tích sản xuất lúa đạt 100.000ha, tổng đàn gia súc gia cầm lớn nhưng sản xuất tại chỗ của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong 2 năm qua, Sở NNPTNT Hà Nội thường xuyên đi trao đổi, kết nối đưa nông sản an toàn về Thủ đô. Đối với tỉnh Nam Định, ông Mỹ cho biết đặc biệt quan tâm đến 2 sản phẩm là gạo chất lượng cao và thủy sản. “Sở đã giao cho các đơn vị chuyên ngành thường xuyên trao đổi thông tin và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song chúng tôi đề nghị Sở NNPTNT Nam Định chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm” - ông Mỹ chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám - Trưởng đoàn công tác cho biết, hoạt động của Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội là cơ hội để Nam Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tăng cường liên kết với Hà Nội và các địa phương khác. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp của Hà Nội tìm được bạn hàng cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô.
“Thực tế việc kết nối các chuỗi sản phẩm an toàn của Nam Định với thị trường Hà Nội chưa nhiều. Để khắc phục vấn đề này, hai địa phương cần công bố đầu mối liên kết, đồng thời Hà Nội sẽ đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản thực phẩm về Thủ đô với tư cách là một thị trường nhập khẩu, sau đó cung cấp thông tin, công khai cho doanh nghiệp biết để triển khai. Đặc biệt phải lưu ý sản phẩm đưa về Hà Nội cần rõ nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm” - ông Tám nhấn mạnh.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã