Trứng thương phẩm của Dabaco.
Công nghệ thay đổi năng suất, chất lượng
Ngành nông nghiệp vài năm gần đây được đón nhận làn sóng đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn và điều khác biệt của các mô hình do những đơn vị này xây dựng là hàm lượng KHCN rất cao, tạo ra đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Tập đoàn DABACO Việt Nam đã đầu tư trên 500 tỷ đồng để thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất trứng gà thương phẩm, trứng gà Omega 3, DHA, vỏ xanh, Selen và xử lý trứng tự động với quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.
Được biết, đây là dự án chăn nuôi gà đẻ trứng có quy mô lớn và hiện đại, với hệ thống chuồng nuôi khép kín, lồng chuồng chữ H 4 tầng và các trang thiết bị bao gồm hệ thống ăn uống, cào phân, thu trứng, điều hòa, lưu thông không khí… hoàn toàn tự động, được nhập khẩu từ Hãng Big dutchaman (Đức). Hiện, mỗi năm DABACO sản xuất ra trên 200 triệu quả trứng gà cung cấp cho thị trường. Kế hoạch đến hết năm 2016, tổng đàn gà đẻ trứng của công ty sẽ đạt 1.100.000 con và sản xuất 1.000.000 quả trứng gà mỗi ngày.
Để kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất từ lựa chọn con giống, nuôi gà hậu bị, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gà đẻ trứng đến việc thu gom, xử lý trứng, DABACO Việt Nam đã đầu tư một dây chuyền xử lý trứng tự động công suất 45.000 quả/giờ, nhập khẩu đồng bộ của hãng Moba - Hà Lan (đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chế tạo máy với sản phẩm được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới). Đây là dây chuyền xử lý trứng có công nghệ mới, đồng bộ và tự động nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Hệ thống trồng rau trong nhà kính theo công nghệ hiện đại Israel của Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) cũng cho phép tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, có thể ăn sống ngay tại khu trồng. Theo đó, toàn bộ các giai đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát tự động và khép kín nhằm đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao như vitamin A, B, C, E, canxi, các loại khoáng chất (Fe++, Zn++), axit amin, đạm dễ tiêu… Trong đó, công nghệ rau mầm microgreen được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản phẩm rất sạch, được xem như nguồn rau thực phẩm chức năng cho sức khoẻ. Còn công nghệ màng mỏng dinh dưỡng (NFT) giúp cây trồng được cung cấp dinh dưỡng trực tiếp đến tận rễ, nhằm tối ưu hóa quá trình sinh trưởng. Ngoài ra, hệ thống màng lưới, màng ngăn mưa và nhà kính có tác dụng chặn côn trùng đảm bảo rau được hạn chế tối đa khỏi thuốc trừ sâu, an toàn cho người tiêu dùng.
Lâm Đồng là một trong những địa phương có phong trào trồng rau, hoa CNC phát triển khá mạnh. Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Lâm Đồng hiện có 43.084ha sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác, trong đó, diện tích rau, hoa và cây đặc sản đạt 15.184,2ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp CNC đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng - vật nuôi khi áp dụng CNC tăng 25-30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu; tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác năm 2014 là 130 triệu đồng/ha; diện tích sản xuất nông nghiệp CNC doanh thu gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh, sản xuất rau cao cấp đạt 450-500 triệu đồng/ha, sản xuất hoa cao cấp 800- 1.200 triệu đồng/ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 5 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC.
Còn đó những trở ngại
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2001-2011, các hoạt động KHCN nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp khoảng 35% GDP của ngành. Năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã tăng đáng kể và đạt mức tiên tiến của thế giới như lúa, cà phê, cao su,... Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,... được dùng giống mới. Khoảng gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Các quy trình canh tác tiên tiến được áp dụng như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình GAP.
Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Tình trạng đầu tư KHCN trong nông nghiệp, nông thôn còn dàn trải nên chưa phát huy hiệu quả cao. Việc sử dụng nguồn lực cho KHCN còn phân tán, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm. Cơ chế chính sách cũng chỉ mới tập trung tổ chức nghiên cứu cấp Nhà nước mà mờ nhạt sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân.
Trong một cuộc hội thảo về ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân từng nêu một thực tế: Trước đây, các đề tài nghiên cứu đều dựa trên đề xuất của người hoặc nơi nghiên cứu, có nghĩa là ai có khả năng nghiên cứu thì đăng ký làm đề tài chứ không biết đề tài đó ứng dụng vào đâu. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đưa ra chưa gắn với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Chẳng hạn như với vấn đề vẫn luôn gây bức xúc là thức ăn chăn nuôi, trong khi nông dân phải chi tới 70% chi phí cho thức ăn chăn nuôi thì nền KHCN trong nước lại chưa có bất cứ nghiên cứu nào về áp dụng KHCN trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế thức ăn nhập khẩu.
Có một thực tế là, mặc dù thời gian qua, cả Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đều bắt tay đầu tư cho nghiên cứu phát triển KHCN nhưng điểm mấu chốt là những ứng dụng thực tế trong nông nghiệp còn hạn chế. Điển hình như việc nghiên cứu về các giống lúa đã đưa ra một bộ giống với hàng trăm loại khác nhau, nhưng nhiều người dân vẫn dùng các giống lúa quen thuộc từ trước tới nay hoặc giống nhập khẩu. Hiện, giống lúa được nông dân sử dụng phổ biến vẫn là IR50404 (giống lúa cho năng suất cao, dễ trồng nhưng chất lượng gạo không cao, giá xuất khẩu thấp). Điều đó dẫn tới tình trạng trong khi ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ canh tác giống lúa IR 50404 tối đa không quá 20% diện tích thì tại nhiều nơi, bà con vẫn tự phát trồng lên tới 70% diện tích.
Để khắc phục những hạn chế cơ bản nêu trên, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN đầu tư vào những giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh của các vùng, trong đó ưu tiên đầu tư KHCN cho vùng núi, vùng sâu nhằm nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng được Bộ tính đến là đẩy mạnh thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung, vào ứng dụng KHCN trong nông nghiệp nói riêng, nhằm tạo ra chuyển biến thực sự, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu.
Theo các chuyên gia, việc phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải mang tính bền vững, hiệu quả, trong đó cần quan tâm đến vai trò của người nông dân. TS. Chu Tiến Quang, Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao KHCN cho người nông dân. Đây là khoảng trống lớn từ trước tới nay vẫn chưa được lấp đầy. Để làm tốt việc đó, phải gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KHCN Nhà nước với tư nhân, hợp tác xã, người nông dân. Hiện nay, có nhiều sáng tạo khoa học của người nông dân nhưng chưa được công nhận và tiếp sức kịp thời.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: “Cần có chiến lược ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp bài bản hơn và mạnh hơn. Theo đó, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, áp dụng KHCN để sản xuất sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu và có uy tín trên thương trường; còn nông dân cũng phải thay đổi thành “nông dân kiểu mới”. Nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý mình, theo kinh nghiệm, mà phải triệt để tuân thủ quy trình GAP”.
Theo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nước ta bước đầu hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại một số địa phương có lợi thế, trước mắt là các vùng sản xuất lúa thâm canh, lúa chất lượng (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng); vùng sản xuất rau an toàn, hoa (Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ); vùng trồng cây ăn quả: cam quýt, nhãn, vải, bưởi, thanh long (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Trung du - miền núi phía Bắc); vùng trồng cây công nghiệp: chè, cà phê, tiêu, điều (Trung du - miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ); vùng nuôi trồng thủy, hải sản (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long)… |
Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;