Học tập đạo đức HCM

Chăn nuôi gặp khó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng

Chủ nhật - 18/06/2017 11:51
(HQ Online)- Mặc dù tình hình chăn nuôi trên cả nước, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp kỉ lục, trong lúc vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi theo hướng xuất khẩu bền vững, Cục Chăn nuôi đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương ngừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, tình hình nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu vẫn có chiều hướng tăng.

Tăng do đâu?

 

 

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 5/2017, cuộc khủng hoảng giá heo đã gây thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, trong sự việc này, bên trực tiếp gánh chịu thiệt hại chính là người chăn nuôi, trong đó nặng nhất là các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi do phát triển theo chuỗi hoặc gắn với nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

 
Mặc dù đã có những tin vui về triển vọng mở cửa cho thị trường xuất khẩu thịt heo theo đường chính ngạch trong thời gian tới, nhưng hiện giá heo hơi trong nước vẫn đang ở mức thấp 24.000-25.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng nề. Tuy ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn song sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đang có sự tăng trưởng “nóng”. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại, nước ta có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn, cao hơn nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2020 (25 triệu tấn). Sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp năm 2016 đạt 20,15 triệu tấn, tăng 27,3% so với năm 2015 (15,8 triệu tấn). Hiện năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang vượt quá sức tiêu thụ của thị trường, có nguy cơ cảnh báo trong thời gian tới cần phải xuất khẩu hoặc có biện pháp để giảm tốc độ của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Mặc dù chăn nuôi lợn, gia cầm là hai mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp khó khăn, phải giảm đàn, thị trường thức ăn chăn nuôi có sự tăng trưởng nóng, thừa về cung nhưng lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5/2017 đạt 344 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2017 lên 1,53 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (chiếm 44,7% thị phần), tiếp đến là Mỹ (13%), Ấn Độ (5%) và Trung Quốc (4,2%). Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia (tăng gần 9 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng hơn 2 lần).

Cụ thể, khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 5/2017 đạt 184.000 tấn với giá trị 77 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 5 tháng đầu năm 2017 đạt 643.000 tấn và 280 triệu USD, tăng 8,4% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đối với sản phẩm ngô, khối lượng nhập khẩu ngô 5 tháng đầu năm 2017 đạt 3,05 triệu tấn với giá trị đạt 625 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng và tăng 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Argentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính, chiếm lần lượt là 28,6% và 20,3% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô từ thị trường Thái Lan tăng hơn 48 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ tăng có hơn 4,5 lần.

Vì đâu lại có nghịch lý này, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi, ngô và đậu tương của các tương của các thị trường chính như Mỹ, Argentina, Ấn Độ… đang ở mức khá thấp mà nguyên liệu trong nước khó có thể cạnh tranh nổi.

Không quá bất ngờ

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian qua, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh không có nhiều bất ngờ.

“Thời gian qua giá các loại nguyên liệu như bắp, đậu nành đều giảm do được mùa và Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng trên vào nước này. Do giá thấp, các doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng giá rẻ để trữ trong kho. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rằng, đằng nào người dân vẫn phải chăn nuôi nên các doanh nghiệp mạnh dạn trữ hàng. Với sản lượng nguyên liệu trong nước ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu, việc tăng nhập khẩu là đương nhiên” - ông Lê Bá Lịch cho biết.

Dù Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng do đặc điểm đất đai, khí hậu của Việt Nam, đặc biệt là do hạ tầng vẫn chưa được giải tỏa, đồng bộ cơ giới hóa nên giá thành của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam vẫn còn khá cao. Được biết, hiện giá bắp nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam đang được chào bán với giá 4.700 đồng/kg, luôn thấp hơn giá bắp trồng trong nước. Giá bã đậu nành về cũng chưa tới 10.000 đồng/kg. Với giá như trên, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước khó lòng cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có 5 doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất thức ăn chăn nuôi là Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu chiếm 23% thị phần; 5 doanh nghiệp FDI lớn nhất là CP, Deheus, ANT, Jafa comfeed, Cargill chiếm 37% thị phần. Một số doanh nghiệp FDI để tối đa lợi nhuận, họ đã không ưu tiên nguồn nguyên liệu ở Việt Nam mà nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn từ các nước khác. Vì vậy, theo ước tính, hiện nước ta thường xuyên phải nhập khẩu 50% trên tổng sản lượng ngô phục vụ ngành chăn nuôi, khô dầu gần như 100% và các nguyên liệu phụ gia như premix, vitamin, axit amin, các chất phụ gia màu, mùi sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi chúng ta phải nhập gần như 100%. Thị trường nhập khẩu các mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc, các nước châu Âu và Nhật Bản. 

Theo ông Lê Bá Lịch, nếu tập trung vào sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu nành, ngô để phục vụ ngành chăn nuôi, giảm bớt nhập khẩu từ nước ngoài sẽ là không phù hợp. Bởi Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng ở trình độ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu. Trong khi đó các quốc gia khác đã công nghiệp hóa nông nghiệp nên họ cho ra sản lượng lớn, giá thành thấp, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được. Vì vậy, thay vì nghĩ sản xuất nhiều ngô với đậu nành để phục vụ ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp Việt Nam nên tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu rồi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Xuân Thảo

 Tags: chăn nuôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập669
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,589
  • Tổng lượt truy cập93,149,253
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây