Học tập đạo đức HCM

Giá gà thấp, người chăn nuôi lao đao

Thứ hai - 03/03/2014 04:38
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, không ít trang trại chăn nuôi gà, vịt phải tạm dừng sản xuất. Với những trang trại đang nuôi cầm cự, nông dân vô cùng khó khăn khi giá thịt, trứng gia cầm giảm mạnh, không ít hộ thua lỗ hàng trăm triệu đồng...

Thua lỗ nặng

Cuối năm 2012 đầu năm 2013, giá gà đồi Yên Thế trên thị trường ở mức khá cao, khoảng 70 - 80.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg; thương lái đến tận nhà thu mua. Giá cao khiến nhiều gia đình bán cả gà khi còn chưa đủ tháng. Thế nhưng hiện tại, người chăn nuôi huyện Yên Thế (Bắc Giang) đang đau đầu khi giá gà giảm mạnh dẫn đến thua lỗ.

Gà đồi Yên Thế mua tại chuồng bây giờ chỉ dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, gà đẹp thì cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Xuân Hiếu (thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm) cho biết: “Gia đình hiện nuôi 5.000 con gà, trong đó có 2.000 con chuẩn bị xuất bán. Từ giữa năm 2013 đến nay, tiền bán một con gà thương phẩm còn thấp hơn tiền mua thức ăn, chưa tính đến tiền giống, thuốc thú y... 1.000 gà thương phẩm lỗ bình quân từ 27 - 35 triệu đồng, trung bình một con gà 1kg lỗ 10.000 đồng, 2kg lỗ 20.000 đồng. Tháng 12/2013 gia đình không có gà để bán nhưng trước đó vẫn lỗ tới 100 triệu đồng”. 

Anh Hiếu giải thích: “Nếu tiền bán ra thị trường mà cao hơn tiền mua cám, cộng với nuôi tốt, gà to thì người nuôi lỗ ít hoặc hòa. Nhưng bây giờ tiền bán một con gà còn thấp hơn tiền mua cám cho gà ăn do đó càng nuôi gà to càng lỗ. Đặc biệt, thời gian này dịch cúm bùng phát ở nhiều địa phương, gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng nên không biết khi nào thị trường mới khởi sắc”.

Còn ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), bộc bạch: “Tình hình tiêu thụ gia cầm sa sút hẳn từ khi có thông tin dịch bệnh. Giá gà lông Tam hoàng bình thường trên 40.000 đồng/kg, nay giảm còn 27.000-28.000 đồng/kg nhưng vẫn ít người mua”. 

Nhiều chủ trang trại nuôi gà Tam hoàng tại Đồng Nai cũng than thở vì gà hiện đang dồn ứ quá nhiều, không bán được. Thương lái trả 27.000 đồng/kg vẫn phải bán. Với giá này, người chăn nuôi lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Những ngày gần đây, mặc dù các cơ quan chuyên môn cũng như phương tiện truyền thông liên tục trấn an về tình hình dịch cúm gia cầm, nhưng người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn khá e dè khi tiếp cận các sản phẩm liên quan đến gia cầm. Các doanh nghiệp kinh doanh gia cầm cho biết: Lượng gà nhập về để giết mổ tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (quận Gò Vấp) giảm 30 - 40% so với trước kia. Các chợ cũng tương tự, lượng người tiêu dùng ghé vào các sạp mua sản phẩm gia cầm giảm khá mạnh. Theo bà Nguyễn Bích Liên, chủ cửa hàng thịt gà ở chợ Bùi Văn Ba (quận 7), mấy ngày nay chỉ có gia đình nào cần mua gà về cúng mới ghé vào hỏi mua, còn thịt gà làm sẵn thì rất ế. 

Theo Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung gà chuyển vào thành phố chủ yếu từ Đồng Nai (39,78%), Bình Dương (hơn 28%), Bình Phước (hơn 11%)... Còn lượng gia cầm đã giết mổ ở các tỉnh cung cấp cho thành phố bình quân khoảng 43.000 con gà/ngày, hơn 12.000 con vịt/ngày... Sau khi thông tin cúm gia cầm lan rộng, tình hình buôn bán gia cầm cũng theo đó mà “giảm nhiệt”.

Dùng dịch cúm để ép giá?

Nhiều người chăn nuôi ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho biết, họ được các thương lái, nhất là một số doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm tại TP. Hồ Chí Minh giải thích rằng dịch cúm gia cầm tác động rất lớn đến thị trường, người dân e sợ không dám ăn trứng nên giá giảm sâu. Điều đáng nói là những thông tin này đã được “bóng gió” tung ra từ khá lâu trước đó. “Họ giải thích thì chúng tôi biết vậy thôi vì nếu không bán cho họ thì biết đổ trứng đi đâu”, bà Hải - chủ trại gà đẻ ở TP.Tân An (Long An) cho biết. Với giá bán chưa đến 1.000 đồng/trứng, mỗi ngày gia đình bà Hải lỗ tới 12 triệu đồng để duy trì đàn gà đẻ hơn 60.000 con. “Đó là tui chưa tính tiền công cán, thuốc men, khấu hao gà giống bởi trước đây phải bỏ ra 150.000 đồng/con nhưng nay bán gà xác chỉ được 60.000 đồng!”, bà Hải nói thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà đẻ ở Hố Nai (Đồng Nai), cho biết: “Gia đình vừa bán hơn 70.000 quả trứng gà cho các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận với mức giá chỉ còn 600 - 900 đồng/quả. So với hồi đầu tháng 2, mỗi quả trứng giảm 400 đồng, tôi lỗ từ 450 - 500 đồng/quả”. 

Anh Tình, một tiểu thương chuyên thu mua gà ở Bắc Giang tâm sự: “Nhà nước ta đang có chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, có chính sách hỗ trợ để tái đàn…Trong khi đó cũng chính mình lại đi nhập khẩu gà từ Hàn Quốc, tính cả công vận chuyển về đến Việt Nam, giá bán gà nhập còn thấp hơn giá gà trong nước thì làm gì mà gà trong nước chẳng “chết”. Rồi nào là gà thải loại từ Trung Quốc tràn về. Gà nhập khẩu đã thấp, gà nhập lậu còn thấp hơn, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh thì làm gì gà trong nước chẳng mất giá”.

Duy trì chờ dịch hết

Chị Vũ Thị Sáu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phồn Xương (Yên Thế), cho biết: Năm 2013, gia đình nuôi 4 lứa, tính trung bình thì vẫn lỗ mấy chục triệu đồng. Nhưng không vì lỗ mà chúng tôi không nuôi nữa, trong chăn nuôi lúc được giá, lúc mất giá là chuyện bình thường. Bây giờ giá gà đang thấp nếu không nuôi, lúc nào đó giá tăng lên thì lấy đâu ra vốn mà nuôi, lấy đâu ra gà mà bán. Hiện gia đình tôi đang nuôi hơn 1.000 con.

“Bây giờ giá gà thấp, nuôi 1.000 gà lỗ khoảng 25 triệu đồng, một năm nuôi 3 lứa lỗ khoảng 75 triệu đồng. Nhưng nếu gà được giá như trước kia chúng tôi chỉ nuôi một lứa 1.000 con là gỡ hòa. Do vậy, chỉ có nuôi gà mới gỡ được gà thôi”, chị Sáu giải thích. 

Ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, tâm sự: Hiện tại giá gà bán ra thấp nhưng chúng tôi xác định không phải vì một thời điểm giá thấp mà ta bỏ cuộc, có thể thời điểm này khó khăn nhưng một thời gian sau giá tăng, người chăn nuôi lại có lãi. Lúc này huyện xác định phòng chống dịch bệnh không thuần túy là để bảo vệ tổng đàn gà mà cần bảo vệ chất lượng gà, bảo vệ thương hiệu gà mà huyện đã xây dựng.

“Bây giờ phải làm thế nào để khống chế dịch bệnh và đẩy giá lên cao. Mà đẩy được giá lên thì huyện khó mà làm được. Tuy nhiên, huyện sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường giết mổ tập trung, khơi thông dòng chảy vào các siêu thị, các nhà hàng ở Hà Nội và các thành phố lân cận”, ông Vượng nói.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các nguyên nhân làm cho giá gà giảm mạnh thì yếu tố cung cầu là vấn đề quan trọng. Việc nguồn cung lớn do gà nhập ngoại đổ về và lượng gà đưa vào chăn nuôi trong nước lớn đã tạo cơ hội để thương lái ép giá người chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi thế nào để từng bước nâng cao giá trị của thương hiệu gà đồi Yên Thế là vấn đề lâu dài để giữ vững mức giá tiêu thụ hợp lý, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, hầu hết các trang trại nuôi gà trong tỉnh áp dụng rất nghiêm ngặt công tác phòng và chống dịch. Gà thịt, trứng trước khi đưa ra thị trường đều được thú y kiểm dịch kỹ càng. Vì vậy, các sản phẩm thịt gà, trứng rõ nguồn gốc và được thú y kiểm dịch thì người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Ông Quang cũng nhận định, chỉ vì thông tin dịch cúm mà tẩy chay cả thịt gia cầm, trứng sạch là không đúng.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh Phan Xuân Thảo nhận định: “Mặc dù thành phố và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng đến nay việc cung cấp thông tin kiểm dịch chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn còn tình trạng giết mổ vịt không theo dây chuyền công nghiệp, giết mổ gà và vịt trong cùng một cơ sở giết mổ, là nguy cơ lây nhiễm vi-rút cúm từ vịt sang gà tại cơ sở giết mổ rất cao”. Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh nên kịp thời cung cấp thông tin dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt khi xảy ra ổ dịch ở vùng giáp ranh, cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh để phối hợp kiểm tra giám sát khi thành phố tiếp nhận nguồn gia cầm đưa vào giết mổ.

Trước tình trạng dịch cúm gia cầm bùng phát, người tiêu dùng quay lưng với gia cầm, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Bộ sẽ cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng gia cầm sạch. Đồng thời các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xác nhận và công bố các điểm mua bán gia cầm sạch để người dân biết, tiêu thụ gia cầm. Đối với những vùng xảy ra dịch cúm, sau 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới thì cần công bố để người dân biết và để việc mua bán, tiêu thụ gia cầm trở lại bình thường...
 

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên tránh các loại sản phẩm thịt gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không được tiêm phòng và không qua kiểm dịch của thú y. Còn những sản phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch đầy đủ vẫn có thể sử dụng bình thường.

 


Hoàng Văn – CTV
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập267
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại180,388
  • Tổng lượt truy cập90,243,781
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây