Học tập đạo đức HCM

Gỡ vướng để tàu 67 vươn khơi

Chủ nhật - 13/03/2016 23:43
Sau hơn một năm triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là tàu 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, hàng trăm con tàu từ nguồn tín dụng hàng nghìn tỷ đồng lãi suất thấp đã được đóng mới và nâng cấp, có mặt trong những đội tàu vượt sóng vươn khơi, bám biển.

4.000 tỷ đồng và 399 tàu 67

Ngư dân Nguyễn Đức Thảo (Quảng Ngãi) đã có nhiều năm đi biển. Trước khi có Nghị định 67, ông bám biển bằng tàu công suất nhỏ 360 CV, do đó tàu của ông cũng không thể đi đánh bắt xa bờ, hiệu quả không cao. Sau này, ông được vay 4,3 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) theo Nghị định 67 để đóng tàu gỗ 765CV. Tàu hạ thủy từ tháng 3-2015 và đã ra khơi được sáu chuyến. Những ngày đầu tháng 3-2016, ông tiếp tục được Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi ký hợp đồng đóng mới tàu vỏ gỗ nghề lưới rê công suất 748 CV tại HTX đóng tàu Nghĩa Phú (Quảng Ngãi). Tổng vốn đầu tư khoảng bảy tỷ đồng, trong đó ông được vay 95% tổng vốn đầu tư với mức vay dự kiến là 4,9 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm của mình, ông Thảo tính toán, con tàu đóng mới này dự kiến sẽ đi biển khoảng 10 chuyến/năm. Với doanh thu mỗi chuyến từ 450 đến 600 triệu đồng, tổng doanh thu cả năm sẽ là khoảng sáu tỷ đồng, trừ chi phí cũng mang lại lợi nhuận trung bình khoảng một tỷ đồng/năm. "Tàu công suất lớn ra khơi sẽ bảo đảm an toàn hơn, hiệu quả hơn. Từ đó giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của gia đình. Hơn thế, nó cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Thảo tin tưởng.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau hơn một năm triển khai thực hiện, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 399 tàu với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp. Giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỷ đồng. Từ tháng 6-2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể (số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp năm lần so với thời điểm 30-6-2015). Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Cũng theo NHNN, tính đến ngày 15-2, đã có 27 trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới 1.161 tàu theo Nghị định 67 (đạt 51% tổng số 2.284 tàu cá đóng mới theo quyết định của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và nâng cấp 200 tàu. Trong tổng số 1.361 chủ tàu nêu trên, các NHTM đã tiếp cận 1.304 chủ tàu để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Tháo gỡ "nút thắt"

Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Tiến Đông cho biết: Nghị định 67 là một hệ thống chính sách đồng bộ lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ người dân đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn (nhất là tàu vỏ thép) để khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ cho nên trong quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc về kỹ thuật như vấn đề mẫu tàu, xác định giá trị con tàu, sử dụng máy tàu,... Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Do người dân trước đây chỉ quen đóng, sử dụng tàu gỗ truyền thống, khi đóng tàu vỏ thép theo chương trình đã phát sinh một số vấn đề như: giá trị đầu tư con tàu vỏ thép quá lớn so với tàu vỏ gỗ, cơ sở đóng tàu vỏ thép ít, ở xa; cơ sở hạ tầng nghề cá ở các địa phương chưa phù hợp với tàu vỏ thép công suất lớn,... "Để giải quyết các khó khăn này, cần những giải pháp căn cơ và lâu dài với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các bộ, ngành, nhất là các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động đánh bắt, giao thông đường thủy; triển khai các mô hình liên kết trong hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản; triển khai chính sách đào tạo nghề,..." đồng chí Đông nêu kiến nghị.

Cũng có không ít vướng mắc khác khiến dòng vốn chưa được khơi thông. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ, việc không thống nhất điều kiện vay vốn của các NHTM gây không ít bức xúc cho chủ tàu. Thời gian thẩm định hợp đồng vay kéo dài khiến chủ tàu ngại tiếp cận. Hiện nay tại Quảng Ngãi có 14 tàu đã hoàn thành nhưng chưa có chủ tàu nào được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). "Nếu không được hoàn thuế GTGT theo Nghị định 67 thì chủ tàu sẽ thiệt thòi rất lớn vì sẽ không thực hiện được phương án sản xuất, kinh doanh để vay vốn đã ký với các NHTM, dẫn đến nguy cơ không trả nợ kịp thời theo phương án", đồng chí Thọ cho biết. Một số chủ tàu dịch vụ hậu cần đã hoạt động nhưng không biết vùng biển nào được quy định là “xa bờ” để được hỗ trợ theo quy định. Đồng chí Phạm Trường Thọ kiến nghị, song song với hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu công suất lớn, Chính phủ cần tăng cường bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng nghề cá như thông luồng các cửa biển bị bồi lấp, đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá... Bộ Tài chính tổng hợp các văn bản đã hướng dẫn về hoàn thuế GTGT cho tàu cá theo Nghị định 67 để hướng dẫn thống nhất trong một văn bản và xử lý kịp thời việc hoàn thuế GTGT cho các chủ tàu theo đúng tinh thần chủ trương của Chính phủ là ưu đãi cho ngư dân vay vốn đầu tư đóng tàu cá đánh bắt xa bờ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn vị trí “xa bờ” của tàu dịch vụ hậu cần ở tọa độ, vùng biển cụ thể.

Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, thủ tục vay vốn đã có nhiều cải tiến và thông thoáng hơn, nhưng do trình độ của ngư dân còn hạn chế nên vẫn gặp khó khăn. Vì vậy, Hiệp hội nghề cá đề nghị các NHTM cần chỉ đạo cán bộ tín dụng giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân làm hồ sơ thủ tục thuận lợi và nhanh chóng.

Trước tình hình phức tạp trên Biển Đông hiện nay, ngư dân tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển xa phải đoàn kết, liên kết để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 và các bộ, ngành cũng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của người dân, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát, lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN
http://nhandan.com.vn/


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập264
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại791,317
  • Tổng lượt truy cập93,168,981
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây