Học tập đạo đức HCM

Khó đưa sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng

Chủ nhật - 05/06/2016 10:50
(HQ Online)- Hiện có khá nhiều thương hiệu nông sản của Việt Nam đã đạt được chứng nhận hữu cơ của các tổ chức uy tín trên thế giới. Song nghịch lý là phần lớn số sản phẩm này đều được xuất khẩu ra nước ngoài, trong khi người tiêu dùng trong nước – vốn bị bủa vây bởi thực phẩm bẩn với nhu cầu rất lớn đối với các thực phẩm sạch, lại có rất ít cơ hội tiếp cận các thực phẩm này.

“Vàng thau lẫn lộn”

Nhiều DN trong ngành sản xuất hữu cơ cho biết, những khó khăn trong khâu phân phối chính là lý do khiến cho việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tại thị trường trong nước còn hạn chế. Theo đó, do giá cả cao hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường, nên DN rất khó đưa sản phẩm hữu cơ vào chuỗi phân phối để đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý. Trong khi đó, nếu tự xây dựng kênh phân phối thì DN lại tốn quá nhiều chi phí, cũng như thời gian xây dựng thương hiệu do tiềm lực còn hạn chế. Ông Nguyễn Đại Thắng, đại diện Công ty CP Nông trại Bảo Châu cho biết, thời gian đầu bắt tay vào sản xuất chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ, công ty Bảo Châu đã phải đi bán lẻ từng quả trứng, từng ký thịt. Theo ông Thắng, hiện đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thể phân biệt đâu là sản phẩm hữu cơ thật sự cũng như chưa hiểu được lợi ích của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thường.

Chính điều này đã khiến cho phần lớn các sản phẩm hữu cơ đều được đưa đi xuất khẩu để phục vụ các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu… Trong khi đó, thị trường thực phẩm hữu cơ ở trong nước lại trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khiến người tiêu dùng rất khó để có thể phân biệt. Theo TS Phạm Đồng Quảng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, hiện cũng chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó, nhiều sản phẩm hữu cơ đã được bày bán ở nhiều địa phương. Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng thiếu minh bạch, lợi dụng bán giá cao, gây mất niềm tin của người tiêu dùng. Theo bà Phạm Phương Thảo, chủ chuỗi cửa hàng Organica, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 10 đơn vị được cấp chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín trên thế giới, nên chủng loại sản phẩm rất khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều người nói sản xuất hữu cơ nhưng lại không có gì đảm bảo nên các nhà phân phối không dám bán hàng.

Theo Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam hiện vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm xuất khẩu được cấp chứng nhận hữu cơ đều dựa vào tổ chức nước ngoài như IMO, JAS, Control Uni-on… Trên thực tế, khi nhắm tới thị trường xuất khẩu, việc lấy các chứng nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc này lại quá tốn kém và nằm ngoài khả năng của các DN nhỏ - vốn chỉ nhắm tới thị trường trong nước. Đây chính là rào cản khiến cho việc phát triển sản xuất thực phẩm hữu cơ còn hạn chế. Do đó, việc xây dựng một tiêu chuẩn, chứng nhận hữu cơ của riêng Việt Nam là việc cần thiết để các DN này khẳng định chính mình với người tiêu dùng và cũng là căn cứ để người tiêu dùng chọn lựa các sản phẩm cho mình.

Đẩy mạnh liên kết

Theo đánh giá của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ với nhà phân phối, hiệp hội và các cơ quan ban, ngành của Việt Nam còn khá yếu, do đó đến nay Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Để khắc phục hạn chế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ và các công ty đã cùng bắt tay xây dựng mô hình “Ngôi nhà Organic - thực phẩm hữu cơ”. Mô hình này sẽ thực hiện các nhiệm vụ liên kết, sản xuất và tiêu thụ, ký kết với các thị trường quốc tế, đặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các địa phương xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng. Theo ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Organic Life – một trong những thành viên tiên phong của “Ngôi nhà Organic”, việc xây dựng mô hình nhằm mục đích chuyên nghiệp hóa từng khâu trong chuỗi giá trị và tạo ra một lượng hàng hóa lớn, sản phẩm đa dạng.

Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ cũng cho biết thời gian tới sẽ tăng cường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết thời gian tới đơn vị sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Riêng tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Hiện tại, Saigon Co.op đã có tổng cộng 180 điểm bán hàng nhu yếu phẩm đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh bao gồm hệ thống 82 siêu thị Co.opmart, 2 Co.opXtra và 96 cửa hàng thực phẩm Co.opFood. Ngoài ra, trong tương lai gần, Saigon Co.op sẽ phát triển mô hình bán lẻ phân khúc cao rất phù hợp với các sản phẩm hữu cơ.

Nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tăng sản lượng cung ứng ra thị trường. Cụ thể, theo ông Nguyễn Đại Thắng, Trang trại Bảo Châu hiện đang chăn nuôi 5.000 con lợn hữu cơ. Ông Thắng phấn đấu đến cuối năm sẽ tăng đàn lên gấp đôi. Công ty TNHH Liên doanh Organik Dalat Lâm Đồng cũng đang dự định xây dựng làng sản xuất hữu cơ ở chân núi Tà Pa (Tri Tôn, An Giang). Tương tự, Công ty Viễn Phú Green Farm cũng đang mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ lên 10.000 ha (hiện tại là 317 ha), ngoài trồng trọt và thủy sản, sẽ tiến hành chăn nuôi gia súc, gia cầm hữu cơ. Đồng thời, Viễn Phú cũng đang có kế hoạch xây dựng các cơ sở chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ như nhà máy chế biến bún, miến, phở, nui hữu cơ; nhà máy chế biến đồ uống chức năng hữu cơ; nhà máy chế biến bột dinh dưỡng hữu cơ; nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; chăn nuôi gia súc, gia cầm hữu cơ…

Với những dự định như trên, thị trường thực phẩm hữu cơ hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Theo đó, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các thực phẩm sạch, an toàn, từ đó góp phần đẩy lùi thực phẩm bẩn.
theo Hải Quan

 Tags: thực phẩm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập764
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại770,357
  • Tổng lượt truy cập93,148,021
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây