Học tập đạo đức HCM

Lời giải "đầu ra" cho bài toán nông sản Quảng Bình

Chủ nhật - 04/12/2016 11:29
Một trong những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta thời gian qua là đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây trồng có năng suất vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao và bền vững thì cần có lời giải "đầu ra" cho bài toán nông sản.

Được mùa rớt giá

Điệp khúc "được mùa rớt giá” không mấy vui này đã quá quen thuộc đối với người nông dân trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Trước hết nói về cây lúa, hơn chục năm nay nông dân trong tỉnh liên tục được mùa, năng suất bình quân xấp xỉ 50 tạ/ha, có nơi đạt đến 70 tạ/ha, không hề thua kém gì so với các địa phương trong nước. Thế nhưng, người trồng lúa không phấn khởi gì cho lắm! Nguyên nhân chính vẫn là do giá lúa quá thấp, chỉ mới bù đắp đủ chi phí cho sản xuất, chứ chưa có lãi.

Cánh đồng mẫu lớn ở An Ninh, Quảng Ninh.
Cánh đồng mẫu lớn ở An Ninh, Quảng Ninh.

Nếu như mười năm trước, mỗi tạ thóc bán ra 400 ngàn đồng, thì nay vẫn thế. Trong lúc đó, các loại vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, cày ruộng...) tăng khoảng vài ba lần. Xem ra tình trạng này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa và chưa biết đến bao giờ hạt lúa một "nắng hai sương" mà người nông dân làm ra có giá trị tăng tương ứng với các loại vật tư, hàng hoá khác?

Bởi thực trạng trên nên khi nghe tin nơi này nơi kia nông dân bỏ ruộng hoang, bà con không lấy gì làm lạ. Việc bỏ ruộng hoang không chỉ xảy ra ở vùng đất khô cằn mà ngay tại vùng được mệnh danh "nhất Đồng Nai, nhì Hai huyện" ở Lệ Thủy và Quảng Ninh người dân cũng không mặn mà làm lúa.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ có chuyện đó là do giá lúa thời gian qua quá rẻ. Tại thời điểm tháng 9-2016, sau khi thu hoạch vụ hè-thu, giá thóc bán ở các chợ trong tỉnh chỉ khoảng 4.000-4.300đồng/kg. Nếu mỗi sào ruộng được mùa cho năng suất 250kg (mỗi ha 5 tấn), sau khi trừ các khoản chi phí, thì lợi nhuận chỉ có 50 nghìn đồng/sào. Kết quả này tương đương với việc bán ruộng cho người nuôi vịt, cũng thu được 50 nghìn đồng/sào (một triệu đồng/ha), trong khi không phải đầu tư  gì cả.

Không riêng gì cây lúa mà cây sắn, cây lạc và gần đây có cây dưa hấu, cây ớt... cũng bấp bênh theo thị trường. Vụ trồng dưa hấu năm nay, nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung hào hứng mở rộng diện tích lên 110ha, trong đó tập trung chủ yếu ở đội Sao Vàng 40ha và Truyền Thống 30ha, còn lại là diện tích nhỏ lẻ ở các hộ dân. Ngay từ đầu vụ, một số hộ trồng dưa nơi đây rất vui mừng vì đã được một thương lái Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thế nhưng, khi đến thời hạn thu hoạch thương lái cò kè bớt giá, thậm chí có nơi dưa hấu đã được bốc xếp lên xe nhưng vẫn bị chối không mua nữa. Sở dĩ có chuyện buồn này là do thị trường Trung Quốc đã "bảo hoà" dưa hấu.  Mặc dù năm nay là năm được mùa dưa, nhưng giá thấp, đầu vụ giá 5.000 đồng/kg, giữa vụ tụt xuống 4.000 đồng/kg, người trồng dưa không có lãi. Qua đây cho thấy việc đầu tư trồng dưa hấu cũng cam chịu tình cảnh bấp bênh chung như cây lúa.

Hoặc như cây ớt, cách đây vài năm phong trào trồng ớt công nghiệp xuất hiện ở vài địa phương, nhiều nhất là huyện Bố Trạch với diện tích khoảng 150ha, thương lái tranh nhau mua. Mừng chưa kịp no, năm vừa rồi ớt rớt giá thê thảm, người trồng ớt cay đắng khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Mới đây, chúng tôi có dịp về xã Hưng Trạch là địa phương dẫn đầu trồng ớt của huyện Bố Trạch, với diện tích hơn 30 ha. Đầu vụ, giá thu mua ớt dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa vụ, ớt sụt giá kỷ lục, chỉ còn 10.000-11.000 đồng/kg. Với mức giá này, dù không bị thua lỗ, nhưng nhiều hộ dân đã hoang mang không dám đầu tư nữa!

Vất vả nghề nông.
Vất vả nghề nông.

Không riêng gì hạt lúa, quả dưa, quả ớt mà số phận con cá, con tôm cũng không khả quan gì cho lắm. Có thể nói, tỉnh ta là một trong những địa phương có lợi thế về lĩnh vực đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản, có đội tàu khá lớn trong khu vực duyên hải miền Trung (chỉ xếp sau Bình Định và Quảng Ngãi).

Từ nhiều năm qua, bà con ngư dân đã nỗ lực phát triển mạnh việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nhờ vậy sản lượng hải sản hàng năm tăng với tốc độ từ 6-8% (ngoại trừ năm nay do sự cố môi trường biển, sản lượng hải sản chỉ đạt 90% so với bình quân các năm trước).

Điều đáng buồn là, hầu hết hải sản đánh bắt được đều bán dưới dạng nguyên liệu thô cho các nhà máy ở ngoài tỉnh, giá thấp, nên hiệu quả sản xuất thủy sản đạt không cao. Với thực trạng trên, vậy làm cách nào để sản xuất nông nghiệp có lãi?

Tăng cường liên kết

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong lĩnh vực nông nghiệp có 2 thành phần quan trọng để thúc đẩy ngành phát triển là nhà nông và doanh nghiệp, các thành phần khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nền tảng của ngành nông nghiệp là phải xây dựng nền kinh tế tập thể thông qua dồn điền đổi thửa, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác...

Thực tiễn đã khẳng định, phương châm liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) mới mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để liên kết được 4 nhà không phải là chuyện dễ, khi mà đa phần nông dân đang sản xuất manh mún "cò con".

Mới đây, sau trận lũ tháng 10, chúng tôi theo đoàn cứu trợ về xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) và nhận thấy, mô hình liên kết trồng khoai lang của người nông dân gắn với HTX chế biến khoai deo quy mô tập trung rất tốt. Mỗi năm HTX này liên kết với các hộ gia đình trồng 100ha, thu mua chế biến 800-1.000 tấn củ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Nếu nhân rộng mô hình này ra cho tất cả các cây trồng khác, thì sẽ tạo bước chuyển mới đối với ngành nông nghiệp.

Sản xuất gắn với thị trường

Nhìn từ hạt gạo mà suy ngẫm rộng ra sản phẩm nông nghiệp của ta vì sao chỉ tiêu thụ quanh quẩn trong tỉnh, không thoát ra ngoài được? Nguyên nhân chính là do chất lượng gạo nói riêng và các nông sản khác không đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi lần ra chợ chúng tôi có cảm nhận buồn vì hạt gạo trên đồng đất tỉnh ta đang bị "lép vế" so với gạo các nơi khác.

Thí dụ như gạo Thái Lan, gạo Lào giá 25.000 đồng/kg, gạo thơm Sài Gòn bán 17.000 đồng/kg, trong lúc đó gạo của ta dù cố gắng lắm cũng chỉ có 11.000 đồng/kg. Suy cho cùng là do khâu chỉ đạo sản xuất chưa tốt, chưa gắn với thị trường. Lâu nay chúng ta đang nặng về năng suất, mà chưa chú trọng nhiều đến chất lượng hạt gạo.

Như vậy, vấn đề đặt ra trong chỉ đạo chuyển đổi là cần chú trọng giống gạo thơm, ngon để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Nhân đây, chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện lúa "chét" (lúa tái sinh) ở Lệ Thuỷ. Ai cũng thấy một thực tế là sản xuất lúa chét năng suất rất thấp, bình quân chỉ đạt 20-25 tạ/ha, trong lúc đó lúa gieo cấy sẽ đạt 50-60 tạ/ha.

Thế nhưng, nông dân vẫn "đeo bám" cây lúa chét, là có nguyên nhân của nó. Bởi vì, sản xuất lúa chét rất ít chi phí, gạo ngon, giá cao hơn 20% so với giá lúa tẻ thường, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Riêng lĩnh vực thuỷ sản, khâu yếu nhất cần quan tâm chỉ đạo là chế biến. Qua số liệu tổng hợp từ các địa phương trong tỉnh, sản lượng thuỷ sản đánh bắt được khá cao, nhưng đưa vào chế biến qua hàng năm chỉ xấp xỉ 5.000 tấn, tương đương 10-12% tổng sản lượng. Điều đáng buồn là hầu hết sản lượng chế biến đều ở dạng sơ chế, chưa có cơ sở chế biến chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trước đây Công ty Sông Gianh, Công ty kinh doanh tổng hợp cũng đầu tư nhà máy chế biến hải sản, trị giá vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên do năng lực quản lý hạn chế và nhất là công nghệ chế biến lạc hậu nên các nhà máy chỉ sản xuất được một số sản phẩm cấp thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, buộc phải đóng cửa.

Tóm lại, sản xuất nông nghiệp nhất định phải tính đến khâu liên kết và ổn định thị trường, có như vậy mới mang lại hiệu quả.

Tác giả bài viết: Trọng Thái

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

 Tags: sản xuất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay45,722
  • Tháng hiện tại972,800
  • Tổng lượt truy cập92,146,529
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây