Thưa ông, chương trình tín dụng mới này sẽ hỗ trợ hộ mới thoát nghèo thế nào để họ có thể thoát nghèo bền vững?
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cứ 3 hộ thoát nghèo thì bình quân có 1 hộ tái nghèo. Chính vì vậy, theo tôi chương trình tín dụng này có ý nghĩa lớn để thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiếp tục theo đuổi.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28, VBSP đã bắt tay ngay vào công việc như: ban hành cơ chế hướng dẫn nghiệp vụ trong toàn hệ thống để thực hiện ngay cho vay hộ mới thoát nghèo; tổ chức hội nghị chuyên đề để quán triệt nội dung tới chi nhánh, phòng giao dịch để triển khai thực hiện.
VBSP cũng phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên để nắm bắt chủ trương, chính sách triển khai ngay tới đối tượng thụ hưởng.
Có thể ước lượng bao nhiêu hộ thuộc diện này, và VBSP chuẩn bị nguồn vốn cho chương trình như thế nào?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo, thì bên cạnh việc chỉ đạo trong toàn hệ thống hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế nghiệp vụ, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị cơ sở bám sát chính quyền địa phương, rà soát số hộ mới thoát nghèo của từng địa phương để giúp cho việc cân đối nguồn vốn của VBSP được thuận lợi. Và đến nay công việc này vẫn đang diễn ra nên cũng chưa chốt được số liệu cụ thể.
Tuy nhiên, trên cơ sở cân đối nguồn vốn, chúng tôi dự kiến bổ sung khoảng 1.500 tỷ đồng để cho vay hộ mới thoát nghèo. Hiện một số chương trình tín dụng VBSP đang thực hiện nhu cầu vốn không còn lớn sẽ được chuyển sang để ưu tiên cho vay theo chương trình mới này.
Ví dụ, như chương trình tín dụng học sinh – sinh viên triển khai từ năm 2007, nay đã đến chu kỳ trả nợ và công tác thu nợ rất tốt nên có thể bổ sung vốn sang cho vay hộ mới thoát nghèo.
Đầu năm 2015, Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ của VBSP là 6,5%, đến tháng 6 được duyệt bổ sung thêm 3,5%. Do đó tăng trưởng dư nợ cả năm nay của ngân hàng là 10%. Với mức 3,5% tăng thêm, tương đương 4.000 tỷ đồng, chúng tôi phân bổ chỉ tiêu cho vay hộ mới thoát nghèo là 1.500 tỷ đồng.
Vì vậy, VBSP có thể giải ngân ngay tới đối tượng này. Nếu trước đây hộ gia đình nào đang vay vốn ở chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo hoặc cận nghèo, và nay đủ điều kiện vay theo diện hộ mới thoát nghèo thì phải trả các khoản nợ đã được VBSP cho vay trước đó.
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo góp phần gì để VBSP hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ trong năm nay?
Với mong muốn hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thoát nghèo bền vững chứ không phải vì mục tiêu tăng trưởng dư nợ của VBSP, nên Chính phủ mới ban hành chương trình cho vay này.
Hiện nay chúng tôi đang thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng khác nhau, trong đó một số chương trình có mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhưng mức bình quân dư nợ chỉ 20 triệu đồng/hộ.
Như vậy, tăng trưởng dư nợ cho hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn. Tất nhiên khi thêm chương trình mới, với đối tượng mới cũng góp phần tăng dư nợ của VBSP. Nhưng quan trọng hơn cả là qua chương trình cho vay này hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo một cách bền vững.
Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, có thể cho vay tới 100 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Vậy mức cho vay tối đa với hộ nghèo, cận nghèo là 50 triệu đồng/hộ có phù hợp?
Đối tượng vay vốn của VBSP khá đặc thù là hộ nghèo và đối tượng chính sách. Mặc dù mức cho vay tối đa tới 50 triệu đồng/hộ, nhưng số hộ vay tới mức này không phải nhiều. Người vay vốn chủ yếu sử dụng cho sản xuất kinh doanh nhỏ theo hộ gia đình, nên chúng tôi chưa tính đến chuyện kiến nghị Chính phủ nâng mức cho vay tối đa lên.
Trước đây, hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay tối đa là 30 triệu đồng, sau đó từ ngày 1/5/2014, Chính phủ đồng ý nâng lên 50 triệu đồng. Theo tôi, việc nâng mức cho vay cần dựa trên nguồn lực ngân sách Nhà nước và sự hấp thụ vốn có hiệu quả không. Vì hiện nay, tính bình quân dư nợ hộ gia đình thuộc các đối tượng này chưa đến mức đó.
Xin cảm ơn ông!
Tuấn Ngọc
theo thoibaonganhang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;