Ngồi trong căn nhà nóng bức với vẻ mặt rầu rĩ vì 240 con rắn hổ hèo cả năm nay không bán được, ông Trần Văn Hoàng ở ấp Tây Bình, huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết hơn 3 năm nay chưa từng thấy giá rắn giảm mạnh như bây giờ. Giá rớt mạnh nhưng nông dân muốn bán cũng không dễ, vì không tìm ra thương lái thu mua.
Cách đây khoảng 2 năm, rắn giống (rắn con) được ông Hoàng bán với mức giá 250.000 đồng/con, rắn thương phẩm trên 1 triệu đồng/kg (loại 1,2 kg/con). Thời điểm đó cũng được xem là thời kỳ “vàng son”, nên không chỉ ông Hoàng mà rất nhiều hộ nuôi phấn khởi vô cùng, vì giá bán cao mà loại rắn này lại dễ nuôi. Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi rắn hổ hèo dần khép lại, khi sau một năm rắn giống rớt xuống chỉ còn 100.000 đồng/con, rắn thịt còn 720.000 đồng/kg, và hiện tại chỉ có 50.000 đồng/con rắn con, 250.000 đồng/kg rắn thịt.
Là một trong những gia đình thuộc diện nghèo ở địa phương, năm 2012, anh Dương Hoài Nhã ở ấp Tây Bình được chính quyền hỗ trợ 4 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình, anh đã đóng chuồng và mua rắn giống về nuôi. Sau một năm, anh bán được 50 con rắn giống với giá 200.000 đồng/con, 50 trứng với giá 100.000 đồng/trứng. Thấy hiệu quả tốt nên anh dùng tiền bán rắn để tiếp tục tăng đàn. Tuy nhiên, gần một năm nay, khi đàn rắn của anh đã đạt trọng lượng bán thịt và rắn giống thì không có thương lái đến hỏi mua nữa. Anh Nhã rầu rĩ cho biết, giá rớt thảm nhưng bây giờ muốn bán rẻ cũng không dễ.
"Đàn rắn 150 con của tôi hiện không bán được con nào, kể cả trứng. Mặc dù nhiều lần tìm thương lái để bán, nhưng không ai mua, người chịu mua thì chỉ đồng ý mức giá 250.000 đồng/kg", anh Nhã cho biết.
Theo các hộ nuôi rắn, để đạt trọng lượng trên 3 kg/con, hộ nuôi phải bỏ thời gian chăm sóc từ 2,5-3 năm. Chi phí để nuôi 1 kg rắn hổ hèo không dưới 500.000 đồng, nhưng rắn càng lớn lượng thức ăn càng nhiều, nên nếu đến thời điểm bán mà phải neo lại thì chi phí càng tăng mạnh. Đối với loại rắn 3-5 kg/con, phải bán với mức giá 700.000 đồng/kg người nuôi mới có lãi.
Trưởng ấp Tây Bình, xã Thoại Sơn cho biết, mới năm trước, riêng ấp này đã gần chục hộ nuôi rắn, nhưng hiện tại chỉ còn lại vài người, do loài này đang bí đầu ra và rớt giá mạnh.
Cũng theo ông Trung, gần 2 năm nay, lượng rắn nuôi trong dân quá nhiều, không những trong xã này mà cả tỉnh An Giang và nhiều tỉnh miền Tây, nơi đâu cũng nuôi rắn, dẫn đến cung vượt cầu.
Được biết, xã Thoại Giang thuộc huyện Thoại Sơn là khu vực nuôi rắn hổ hèo nhiều nhất tỉnh An Giang. Trước đây, thị trường tiêu thụ mạnh nên giá thu mua luôn ở mức cao, nhiều hộ “hốt bạc”, còn hiện tại không ít người lâm cảnh lao đao khi bán rắn không đủ trả chi phí. Điều đáng nói hơn chi phí đầu tư ngày một tăng cao mà thương lái lại “mất tăm”.
Theo Zing
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;