Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo báo cáo tại buổi tọa đàm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2015 đạt 30,45 tỉ USD, tăng 0,2% so với năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỉ USD, giảm 1,9% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê (24,8%), cao su (13,9%), chè (6,6%) và gạo (4,5%).
Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỉ USD, giảm 16% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc với mức giảm lần lượt là 23,4%, 13,4% và 12,2%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính năm 2015 đạt 7,23 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2014.
Năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các hiệp định thương mại tự do. Ngoài các mặt hàng đang gặp khó khăn, vẫn có những mặt hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu như hạt điều, gỗ, hạt tiêu, sắn và rau quả.
Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, thị trường Mỹ được dự báo khả quan nhất trong năm nay do nhu cầu của thị trường nội địa Mỹ sẽ tăng mạnh và dự báo sẽ vẫn tiếp tục có cầu ổn định. Việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết: “Trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản các mặt hàng nông sản khác như hạt điều, hạt tiêu, cà phê… của Việt Nam được tiêu thụ lớn tại Mỹ. Sự hấp dẫn của thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia- những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu”.
Ngoài thị trường Mỹ, ông Lê Văn Bảnh cho rằng, cần tiếp tục duy trì xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu chất lượng, có giá trị gia tăng cao tại thị trường; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định đây là cơ hội tốt để tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương. Đặc biệt, thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài để thúc đẩy liên kết, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Đồng thời cùng nhìn nhận lại những thuận lợi, khó khăn trong việc xuất khẩu nông lâm thủy sản và tìm kiếm cơ chế phối hợp, đối thoại hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn và mở rộng thị trường xuất khẩu trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đánh giá nông nghiệp đóng góp một phần rất quan trọng trong xuất khẩu của cả nước và ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận lớn người nông dân. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng. Thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ trong giải quyết tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa và nước ngoài, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều, thanh long cũng như chung tay giải quyết các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;