Trong cùng thời điểm, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu từ vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, cũng đặt những ưu tư lên diễn đàn. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng: “Công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Thương hiệu nông sản xây dựng quá chậm. Các nước nhập khẩu luôn áp đặt các hàng rào kỹ thuật để gây khó cho sản phẩm của nước ta”. Ông Xuân đề nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT nhanh chóng có giải pháp đúng, mạnh, đột phá về dự báo thị trường, liên kết trong chuỗi sản xuất và nhanh chóng xây dựng thương hiệu, để thực trạng này không còn lặp lại trong thời gian sắp tới. Theo đó, ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói rằng, các cuộc giải cứu nông sản gần như năm nào cũng tái diễn, khiến hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí phá sản…
Vì vậy, với hội thảo này, Chính phủ đặt hy vọng vào các chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện các thị trường lớn như Australia, Thái Lan, Hongkong... cùng góp kiến thức, giải tỏa các trăn trở của nhà vườn, doanh nghiệp về một giải pháp tiêu thụ, làm giàu từ nông nghiệp nông sản Việt một cách căn cơ, thay vì các bài toán giải cứu kéo dài nhiều năm qua như căn bệnh trầm kha. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt vấn đề: Nông nghiệp Việt Nam chưa có chuỗi liên kết sâu; chưa xử lý được các bất cập về vật tư đầu vào, chất lượng nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu... Đó là nội dung mà hội thảo cần tham vấn cho chính phủ phương pháp giải quyết.
Đến thời điểm này, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 180 nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada. Song điều đáng nói, thị trường dễ tính, giá trị không cao như: Trung Quốc lại giữ vị trí dẫn đầu khi chiếm tới 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy không lạ khi thị trường này ngừng mua, là nhà nông lại kêu gọi “giải cứu”. Đây là điều rất đáng để các chuyên gia phải suy nghĩ và tìm giải pháp cho bài toán đầu ra, song song với nâng cao giá trị xuất khẩu của nông sản.