Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Euromonitor thống kê năm 2016, thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm tại Việt Nam đạt 3,1 triệu tấn, giá trị 18 tỷ USD, lớn thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một trong những lý do mà hầu hết các ông lớn của ngành chăn nuôi thế giới từ chế biến thức ăn, giống, kháng sinh, chế biến và xuất khẩu đang tìm mọi cách tiếp cận thị trường Việt Nam.
Mặt hàng gia súc, gia cầm Việt Nam là một thị trường trẻ, nhiều tiềm năng vì mức tiêu thụ tại nội địa mặt hàng thịt heo bình quân 33,5 kg/người/năm nhưng đến năm 2020 dự kiến sẽ là 39 kg. Mặc dù ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Chẳng hạn nguồn cung thịt bò trong nước chỉ đáp ứng được 20 - 30%, do đó phải thường xuyên nhập khẩu từ Australia, Campuchia, Thái Lan, Lào. Theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1.349 tấn thịt bò từ Mỹ, trị giá 8,9 triệu USD; nhập khẩu từ Australia 948 tấn thịt bò, tương đương 6,6 triệu USD. Việt Nam cũng phải nhập khẩu thịt trâu, bò trên 15 triệu USD, tương đương khoảng hơn 300 tỷ đồng chỉ trong hai tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu gia cầm. Theo Euromonitor, dự báo đến năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng bình quân 2,2%/năm về sản lượng và 1,9%/năm về doanh số.
Năm 2018, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đặt kế hoạch doanh thu tăng 18% so với năm 2017 và đạt 4.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2017. Việt Nam là một trong những nước tiêu dùng thịt heo lớn nhất thế giới và đứng thứ hai châu Á sau Trung Quốc. Việc các công ty chế biến tiêu thụ thịt tại Việt Nam thu lợi nhuận lớn và liên tục mở rộng kinh doanh là điều khá phổ biến.
Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (gồm liên doanh và 100% vốn ngoại) với 59 nhà máy sản xuất TĂCN cung ứng hơn 60% tổng sản lượng TĂCN. Song, sản xuất TĂCN chỉ là bước đi đầu tiên của các doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam, lộ trình của họ là sản xuất khép kín, từ con giống, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thịt ngay tại Việt Nam, theo cách thức thường gọi là “xuất khẩu tại chỗ”. Dùng con giống ngoại, thức ăn ngoại, quy trình chăn nuôi ngoại, sản xuất cung cấp cho thị trường nước sở tại. Có thông tin cho rằng, mỗi ngày bình quân công ty đa ngành nghề C.P. Việt Nam bán ra 150.000 con heo tại Việt Nam. Con số kinh doanh có thể là một bí mật của doanh nghiệp, song doanh nghiệp cho biết mục tiêu của mình là sản xuất thực phẩm ngay tại Việt Nam, không chỉ có sản phẩm tươi sống mà cả thức ăn nấu chín.
C.P đưa ra tầm nhìn trở thành “Nhà bếp của thế giới”, do đó, việc sản xuất thức ăn hay là con giống của Công ty này thực chất chỉ là bước đầu, nhằm xây dựng chuỗi kinh doanh khép kín, bao gồm các sản phẩm tươi như thịt gà, thịt vịt, trứng gà, thịt heo; và các sản phẩm chín chế biến như xúc xích, lạp xưởng, gà năm sao.
Rất nhiều trang trại, hội chăn nuôi cho rằng trong khi ngành chăn nuôi trong nước điêu đứng, bỏ chuồng trại, thua lỗ… thì các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh lại mở rộng không ngừng quy mô sản xuất tiêu thụ sản phẩm thịt tại Việt Nam. Trong ngành gà, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đang đầu tư dự án chăn nuôi và chế biến gà xuất khẩu hiện đại nhất Đông Nam Á, triển khai tại tỉnh Bình Phước với quy mô chăn nuôi 100 triệu con gà/năm.
Mới đây hàng chục tờ báo đã đưa tin về việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Việt Nam đã tuyên bố giảm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thậm chí họ chỉ “nuôi bò để lấy phân” phục vụ trồng trọt. Đây là thông tin gây sốc cho nhiều người. Thông tin cho thấy đến năm 2016, HAGL có tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con, doanh thu từ bán bò đem về cho HAGL 3.537 tỷ đồng (55% tổng doanh thu), nhưng sang năm 2018, HAGL tuyên bố cắt giảm quy mô đàn bò gần 250.000 con xuống còn 13.000 con. Nguyên nhân là lợi nhuận từ bán bò từ 38% tụt xuống chỉ còn 8%, và xuống tới mức lỗ 1% (2017).
Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi bò mà nhiều đại gia, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi heo cũng lao đao, thua lỗ nghiêm trọng trong năm 2017 vừa qua và đang chật vật đi tìm lợi nhuận trong năm 2018. Lĩnh vực gia cầm, do giá gà, giá trứng không mấy khả quan nên nhiều doanh nghiệp cũng đang kêu khó.
Có thể nói, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang ăn nên làm ra là dấu hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư nước ngoài, song việc các doanh nghiệp nội thua lỗ ngay trên sân nhà khiến cho việc kiểm soát điều tiết thị trường nội địa trở thành bài toán nan giải. Trong khi xu hướng chăn nuôi hiện đại là khép kín, truy xuất nguồn gốc, nhưng rất ít doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam có thể sản xuất khép kín từ thức ăn, con giống, chăn nuôi, sản xuất và phân phối trên thị trường. Đơn cử như Tập đoàn HAGL, tuy đầu tư lớn vào chăn nuôi nhưng cơ bản là nhập khẩu bò từ nước ngoài và cũng không có hệ thống phân phối cung ứng sản phẩm trên thị trường. Mô hình này hoàn toàn khác với “các tập đoàn ngoại” như C.P chẳng hạn, vốn xây dựng được một hệ thống phân phối sản phẩm trên thị trường Việt Nam.
Có thể nói, việc các doanh nghiệp trong nước “dũng cảm” đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi là nỗ lực đáng ghi nhận, song vẫn có một khoảng cách khá xa giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, từ bề dày kinh nghiệm tới nguồn lực. Để doanh nghiệp trong nước không bị “bại trận” trên sân nhà, chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước còn cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, xây dựng uy tín thương hiệu để nhận được sự tín nhiệm của khách hàng trong nước.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi là kiểm soát hệ thống thương lái. Thương lái đang có lợi nhuận lớn nhất trong chuỗi chăn nuôi nhưng chưa có quy định nào của nhà nước kiểm soát hệ thống này. Đây là một trong những rào cản ảnh hưởng tới phát triển tiêu thụ nội địa.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi |
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;