Để chuẩn bị cho vụ thu mua trà vải chính vụ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6/2018, ông Khương Hội Thông, đại diện của Cty TNHH Nông sản Nông Mỹ Hồng (có trụ sở tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã có mặt tại vựa vải Lục Ngạn từ sớm.
DN Trung Quốc “kết” nhất vải thiều được trồng theo quy trình GAP |
Ông Khương là một trong số khoảng 100 thương nhân Trung Quốc hiện đã có mặt tại Lục Ngạn để làm công tác tiền trạm, đón mua trà vải chính vụ, chất lượng tốt nhất. Cty Nông Mỹ Hồng là DN Trung Quốc có thâm niên hơn 10 năm hợp tác với các DN tại Lục Ngạn để thu mua, NK vải thiều. Những năm trước, bình quân Cty NK khoảng 17 chuyến xe tải vải/ngày (mỗi xe 15 tấn), dự kiến năm nay lượng NK của Cty này sẽ cao hơn. Ngoài vải thiều, Cty còn NK rất nhiều thanh long tại các tỉnh phía Nam.
Theo ông Khương Hội Thông, các “ông lớn” NK trái cây của Trung Quốc đa số nằm sâu trong nội địa. Trước đây, họ thường phải NK quả vải thông qua các thương lái trung gian thu mua vải ở các cửa khẩu với Việt Nam tại Lạng Sơn và Lào Cai. Tuy nhiên những năm gần đây, các DN lớn của Trung Quốc đã cử trực tiếp nhân viên sang Lục Ngạn để hợp tác với DN địa phương thu mua, đóng gói nhằm đảm bảo thu mua được vải có chất lượng tốt nhất, đồng thời tránh phụ thuộc vào trung gian.
Đánh giá về quả vải Lục Ngạn, ông Khương cho biết: Hiện nay, Trung Quốc cũng trồng vải tại tỉnh Quảng Tây và đảo Hải Nam, tuy nhiên sản lượng không lớn và đặc biệt chất lượng kém hơn quả vải ở Bắc Giang rất nhiều. Đặc biệt đối với trà chính vụ, vải Lục Ngạn có quả to, vỏ dày dễ bảo quản, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt thơm, màu sắc lại đỏ hồng rất phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc.
Ông Khương Hội Thông |
Trong khi đó vải trồng ở Trung Quốc quả nhỏ, hạt to, màu sắc không đẹp và kém ngọt thơm. Vụ thu hoạch vải của Trung Quốc thường diễn ra rất ngắn, chỉ khoảng 20 ngày và kết thúc sớm vào tháng 5 hàng năm, sớm hơn vụ chính của Việt Nam hơn 1 tháng. Vì vậy, đây là lợi thế rất lớn cho quả vải Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, và thực tế tốc độ tiêu thụ vải Việt Nam ở thị trường Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, trong đó chủ yếu được đưa vào hệ thống siêu thị với giá bán rất cao.
Ông Khương không ngần ngại tiết lộ: Vải thiều Việt Nam không chỉ phủ khắp ở thị trường các tỉnh phía nam Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông, mà đã thâm nhập rất sâu vào các tỉnh và thành phố nội địa khác như Hồ Bắc, Hồ Nam..., thậm chí tận các hệ thống siêu thị xa xôi ở Tân Cương cách biên giới Việt Nam hơn 7.000 km.
Vụ vải năm nay, chỉ riêng Cty TNHH Nông sản Nông Mỹ Hồng, hiện đã đăng ký cung cấp quả vải Lục Ngạn tới 57 hệ thống siêu thị lớn trên khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc. Cty NK vải về và cung cấp cho các siêu thị ở mức giá khoảng trên dưới 20 nhân dân tệ/kg (trên 60 nghìn đồng/kg), còn siêu thị bán tới tay người tiêu dùng thì còn cao hơn. Dĩ nhiên là chi phí tổ chức thu mua, đóng gói, bảo quản và nhất là vận chuyển về nước cũng khá cao, chuyển sâu vào nội địa còn cao hơn nữa.
Vụ thu hoạch vựa vải thiều Lục Ngạn đã bắt đầu khởi động. Các giống vải chín sớm như vải u hồng, vải thiều có hạt to, cùi mỏng đã bắt đầu thu hoạch rộ. Do vải đầu mùa chất lượng thấp, nông dân phải thồ vải xuống các điểm thu mua từ sớm, chạy lòng vòng hết điểm thu mua này tới điểm thu mua khác để chào bán khiến tình trạng tắc đường kéo dài tại QL31 đoạn qua khu vực xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn.
Phương pháp bảo quản vải bằng thùng xốp với tỉ lệ 50% đá lạnh có thể kéo dài chất lượng mẫu mã 15 ngày, đảm bảo tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc |
Những vùng vải chín sớm chất lượng thấp, bị sâu đục cuống quả, đa số tập trung nhỏ lẻ, thâm canh thấp tại các vùng ven giáp ranh giữa 2 huyện Lục Nam và Lục Ngạn với sản lượng khiêm tốn, đa số được các thương lái thu mua với giá từ 10.000 – 15.000 đ/kg để tiêu thụ tại các thị trường nội địa. Còn trà vải chính vụ, thuộc giống vải Thanh Hà có chất lượng cao nhất tại Lục Ngạn phải hơn 10 ngày nữa mới có thể bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Giáp Văn Triệu, Giám đốc Cty TNHH Văn Triệu ở phố Lim (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn), một thương nhân lớn có hàng chục năm hợp tác XK vải với DN Trung Quốc đúc rút rằng: Những quả vải Lục Ngạn trà chính vụ thuộc giống vải Thanh Hà có chất lượng tốt nhất thực ra rất ít có cơ hội đến được tay người tiêu dùng trong nước, mà hầu hết đã được các DN Trung Quốc đặt mua với giá cao nhất. Đặc biệt, các vùng vải chính vụ được SX thâm canh theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tập trung tại các xã thuộc phía đông bắc của huyện Lục Ngạn luôn đứng đầu về giá bán. Đây cũng là khu vực mà các DN lớn của Trung Quốc tập trung thu mua nhiều nhất. Vụ vải năm 2017, do mất mùa, sản lượng ít nên giá vải chính vụ đã có thời điểm được DN Trung Quốc thu mua tới 70.000 đ/kg. “Năm nay chất lượng vải rất tốt, nhiều khả năng vải chất lượng cao, SX theo GAP sẽ vẫn giữ được mức trung bình trên 25.000 đ/kg. Riêng Cty chúng tôi dự kiến lượng thu mua khoảng 8.000 tấn” – anh Triệu dự báo.
Ông Vũ Văn Quynh (thôn Lim, xã Giáp Sơn), một hộ dân có tiếng về thâm canh vải theo quy trình GlobalGAP cho biết, vải SX theo các tiêu chuẩn GAP không chỉ đáp ứng được các yêu cầu của DN xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU..., mà các DN Trung Quốc cũng luôn săn đón. Nông dân vì thế cũng bán vải dễ dàng hơn rất nhiều, không phải thồ vải chạy lòng vòng bán dạo. Năm nay, với hơn 300 gốc vải, gia đình ông được mùa chưa từng thấy, ước đạt hơn 10 tấn quả và đã được nhiều DN tại phố Lim đặt mua với giá cao.
Thị trường mênh mông Thị trường tiêu thụ quả vải ở Trung Quốc vô cùng mênh mông. Hiện nay, cơ quan chức năng hai nước cũng đã tạo điều kiện rất thông thoáng và thuận lợi để chúng tôi NK quả vải, bên cạnh đó việc hợp tác thu mua giữa các DN Trung Quốc và DN địa phương ở Bắc Giang cũng đã có truyền thống rất lâu năm và bền chặt. Vấn đề quan trọng nhất là nông dân phải làm sao duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã quả vải, đặc biệt là SX theo quy trình GAP để đảm bảo không tồn dư các hóa chất. Bởi hiện nay các cơ quan thẩm quyền ở Trung Quốc cũng kiểm tra giám sát rất chặt chẽ và xử lí nghiêm, nếu phát hiện vi phạm về thực phẩm thì các DN bị xử phạt rất nặng nề, thậm chí đóng cửa. (Ông Khương Hội Thông) |
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN Trung Quốc tiêu thụ vải Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Dự kiến thời điểm thu mua chính vụ, sẽ có khoảng 400 thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có chỉ đạo huyện và các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về nơi ăn chốn ở, thủ tục tạm trú để các DN Trung Quốc tổ chức phối hợp với các DN tại địa phương thu mua vải cho bà con. Theo ông Bình, trước đây, cơ cấu tiêu thụ vải của Lục Ngạn thường chỉ chiếm 45% lượng vải được XK, tuy nhiên hiện nay lượng vải XK đã tăng lên trên 50%, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn chiếm đại đa số với trên 80% lượng vải XK. Vì vậy, đây vẫn là thị trường vô cùng quan trọng. “Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang từ ngày 6-8/6 tới, Bắc Giang đã mời rất nhiều chủ DN nhập khẩu vải lớn của Trung Quốc sang tham dự” – ông Bình cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;