Xuất khẩu giảm sâu
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm Việt Nam (VN) sang Anh 5 tháng đầu năm nay đạt trên 44 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 6.2016 chỉ đạt 6,8 triệu USD, giảm 27,7% so với tháng 5.2015. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu tôm sang Anh giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định, trong khi EU liên tục giảm nhập khẩu tôm từ VN từ năm 2015, thì ngược lại, Anh luôn là thị trường năng động. Từ vị trí là thị trường lớn thứ 3 về nhập khẩu tôm VN trong khối EU năm 2014, Anh vươn lên vị trí thứ 2 từ đầu năm 2015. Bắt đầu từ tháng 8.2015, Anh vượt qua Đức trở thành thị trường dẫn đầu khối về nhập khẩu mặt hàng tôm từ VN.
Tuy nhiên, tính tới tháng 5 năm nay, lượng nhập khẩu tôm vào nước này đã giảm mạnh, Anh cũng đã phải nhường lại vị trí thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của VN trong khối EU cho Đức. Theo đó, xuất khẩu tôm VN sang Đức 5 tháng đầu năm nay đạt trên 46 triệu USD.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tổng nhập khẩu tôm vào Anh 4 tháng đầu năm nay đạt 264,3 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. VN là nhà cung cấp lớn nhất cho Anh chiếm 15,4% tổng nhập khẩu tôm của thị trường này, Ấn Độ đứng thứ 2 với 14,2%. Cũng theo ITC, trong top 8 nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ VN tăng mạnh nhất 56,8%; tiếp đó là Indonesia với 34,8%.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) nhận định, tại thị trường Anh, VN phải cạnh tranh với Ấn Độ, chủ yếu về giá. Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã tăng thị phần tại các thị trường thuộc EU, đặc biệt là Anh.
Vẫn chưa tác động “liền tay”?
Nhận định về những ảnh hưởng của Brexit đối với xuất khẩu thủy sản của VN sang Anh, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Vasep cho rằng, sự kiện này sẽ chưa tác động nhiều tới doanh nghiệp VN trong thời gian trước mắt.
Nguyên nhân là do nước Anh còn phải mất 2 năm nữa để hoàn tất các thủ tục rút lui khỏi khối EU. Trong khoảng thời gian này, Anh vẫn được đảm bảo các nghĩa vụ và quyền lợi trong khối như bình thường. Hơn nữa, dù Anh tách khỏi EU, các hệ thống tiêu chuẩn của họ vẫn tương đồng với khu vực này.
Hơn nữa, theo phân tích của Vasep, Anh là thị trường lớn nhất nhì trong khu vực EU đối với thủy sản VN, nhưng đây không phải là thị trường mang tính cửa ngõ như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ… mà là thị trường tiêu thụ. Do đó, hầu hết các sản phẩm thủy sản của VN xuất khẩu sang Anh đều được bán tới tay người tiêu dùng nước này. Vì thế, dù Anh có rời EU hay không thì việc mua bán thủy sản giữa nhà nhập khẩu nước này với VN vẫn diễn ra bình thường.
Tuy vậy, cũng có một chút lo ngại là khi Anh rời khỏi EU, thủy sản VN xuất khẩu sang nước này sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế như trong Hiệp định thương mại tự do VN – EU khi Hiệp định này chính thức được các thành viên EU thông qua.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước, một doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào EU lo ngại rằng, những biến động tỷ giá sau sự kiện Brexit có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa VN và Anh. Theo ông Lĩnh, đồng tiền VN lâu nay gắn liền với đồng USD. Sự sụt giảm tỷ giá của đồng euro và đồng bảng Anh cùng với tỷ giá USD tăng sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của VN.
Hơn nữa, VN lâu nay đã quen với các luật lệ, tiêu chuẩn của EU khi xuất khẩu vào khối thị trường này. Do đó, nếu sau khi rời EU, Anh có những tiêu chuẩn khác, riêng biệt thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, làm quen lại từ đầu. Hiện tại, doanh nghiệp của ông Lĩnh mỗi năm xuất khẩu khoảng tôm trị giá khoảng 22 triệu USD vào thị trường EU, trong đó, có khoảng 8 – 10 triệu USD tôm các loại xuất khẩu vào Anh.
Xuất khẩu thủy sản khai thác vào EU vướng quy định mới Mới đây, EU đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận thủy sản khai thác mới được xuất khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM lại vừa ra thông báo sẽ ngừng cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác đối với các lô hàng có nguyên liệu thủy sản khai thác không thuộc địa bàn TP.HCM kể từ 1.8. Thông báo này của TP.HCM dựa trên khoản 7 Điều 18, Thông tư 50/2015 của Bộ NNPTNT. Theo đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các cơ quan thẩm quyền đã xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác để nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã