Bắt tôm trả tiền ngay
Hiện cánh đồng tôm ở cuối nguồn sông Bàn Thạch (H.Đông Hòa), vùng nuôi tôm lớn nhất Phú Yên, bước vào mùa thu hoạch, nhưng các doanh nghiệp thu mua đang chật vật, giành giật với tư thương Trung Quốc để gom hàng cung cấp cho đối tác. Ông Huỳnh Thanh Tú, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm, H.Đông Hòa, cho biết: “Tư thương Trung Quốc đi bằng xe ô tô đến tận đìa xem tôm. Nếu tôm đẹp thì họ gật đầu, ra giá. Họ bắt tôm xong thì trả tiền mặt tại đìa ngay. Họ làm vậy thì người dân lợi, nhưng thật tình tụi tui cũng lo lắng”.
Đông lạnh tôm trong thùng xốp để bán cho tư thương Trung Quốc.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Năm, chủ Doanh nghiệp tư nhân Năm Rùm ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (H.Đông Hòa) cho biết, mỗi ngày vùng nuôi tôm này luôn có mặt từ 5-7 tư thương Trung Quốc đến tận đìa tôm của dân để mua. “Họ cứ nâng giá lên, chúng tôi cũng nâng theo. Chúng tôi theo họ đến đuối cả sức”, bà Năm ngao ngán. Theo bà Năm, “giá tôm thu mua hiện đã được đẩy lên 150.000 đồng/kg loại tôm 100 con/kg. Họ luôn đưa giá cao hơn mình chừng 10.000 đồng/kg. Hễ mình nâng giá lên bằng họ thì họ lại tiếp tục nâng lên. Người dân thấy ai trả giá cao thì bán, chứ họ đâu có biết việc cạnh tranh này chỉ là tức thời. Cứ đà này, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước sẽ chết vì phá vỡ hợp đồng với đối tác nước ngoài do thiếu nguyên liệu chế biến. Hậu quả thì cả chúng tôi lẫn người nuôi tôm lãnh đủ”.
Lên không được, xuống không xong
Bà Năm cũng cho biết, đối tác “truyền thống” của bà là một doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu tôm để chế biến.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải chuyên kinh doanh thủy sản ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên), xác nhận giá tôm trong nước tăng cao là do tư thương Trung Quốc đang thu mua tận đìa của người dân, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Ông Hồng cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp hơn giá tư thương Trung Quốc thu mua hiện nay. Để đảm bảo hợp đồng đã ký với đối tác, chúng tôi buộc lòng phải nâng giá lên. Nâng giá lên thì mình lỗ, nếu buông xuôi thì mình mất khách hàng”.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó chủ tịch UBND H.Đông Hòa, nói vẫn chưa hay biết sự việc này và sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra. Trong khi đó, ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên, cũng chưa biết việc này. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra sự việc”, ông Điềm nói.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Thủy sản sớm có các biện pháp hữu hiệu để kịp thời tăng cường công tác quản lý thị trường tại các địa phương, có biện pháp đánh thuế xuất khẩu cho các mặt hàng tươi (chưa qua chế biến, chưa cấp đông) để áp dụng đối với xuất khẩu tôm tươi nhằm hạn chế tác động tiêu cực của hiện trạng này. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng vừa có văn bản gửi các địa phương, khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch. Người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại VN cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định. |
P.V (theo Thanh niên)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;