Chậm chuyển đổi
Tại buổi triển khai kế hoạch sản xuất và xuất khẩu gạo năm 2014 ở TPHCM mới đây, bà Phạm Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, 4 - 5 năm về trước, chúng ta tự hào khi là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Nhưng giờ đây, điều này không có ý nghĩa gì nếu như điều đó không đem đến cho doanh nghiệp (DN) lợi nhuận, không mang về cho người trồng lúa thu nhập cao hơn.
Nhận định trước những khó khăn về cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại thị trường gạo thế giới, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách và chiến lược mới trong sản xuất và kinh doanh, trong khi đó ngành sản xuất lúa và xuất khẩu gạo chúng ta chậm thay đổi căn bản về chất, về thị trường và xúc tiến thương mại, kể cả xây dựng thương hiệu khi mà thị trường lớn nhất của hạt gạo Việt Nam trước mắt luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo bà Phạm Phương Thảo, thật lo lắng khi thông tin không tốt về chất lượng gạo Việt Nam tại những thị trường lớn như Trung Quốc hay ở những thị trường tiềm năng trong tương lai xuất hiện không ít khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như Mỹ, Mexico… được ký kết và có hiệu lực. Khi đoàn xúc tiến thương mại Bộ Công thương làm việc với một số tổ chức và hiệp hội ở Trung Quốc nhận được phản ánh về chất lượng gạo Việt Nam không đồng đều. Thậm chí có nơi cho biết, gạo Việt Nam chủ yếu để chế biến thực phẩm và một số lô hàng, hạt gạo Campuchia vượt qua gạo Việt Nam về chất lượng. Tương tự, đã xảy ra tình trạng hạt nếp Việt Nam khi nấu chín, để nguội thì một số hạt sống trở lại. Tình trạng này, theo VFA, nhiều khả năng nếp đã bị trộn với gạo và sấy cho hơi đục.
Dù đây là vấn đề của thập niên trước khi chúng ta chủ yếu hướng vào thị trường gạo cấp thấp mà chưa có sự điều chỉnh kịp thời phân khúc cấp cao nên khách hàng vẫn quen nhìn gạo Việt Nam là chất lượng thấp, nhưng bà Phạm Phương Thảo vẫn cho rằng, bản thân từng địa phương và DN cũng chưa có những cố gắng trong chuyển đổi. Quyết định 109 của Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo, việc xây dựng thương hiệu gạo không phải chỉ là gạo đặc sản như Khaw Dak Mali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ mà là có thương hiệu gạo riêng từng DN để khách hàng yên tâm khi mua, đảm bảo uy tín về chất lượng không bị phối trộn do thương lái. Nếu không thay đổi, DN xuất khẩu gạo sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn và không loại trừ sẽ có DN thất bại, không thể tồn tại.
Cần quản lý dư lượng hóa chất
Để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, tạo chuỗi liên kết giữa DN và nông dân, việc sản xuất giống lúa có chất lượng để bán với giá cao cho những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc và những thị trường khi TPP có hiệu lực giúp mở ra như Mỹ, Mexico, kể cả các nước thuộc khu vực Nam Mỹ cũng là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Angimex (An Giang), cho biết Angimex có công ty liên doanh với DN Nhật Bản là Kitocku từ nhiều năm qua để trồng giống lúa Japonica của Nhật và được mua với giá rất cao nếu đảm bảo các yêu cầu. Mỗi năm Nhật Bản nhập hàng triệu tấn gạo chất lượng cao cho nhu cầu trong nước, nhưng rất tiếc diện tích trồng giống lúa này rất khó mở rộng. Thậm chí, năm 2013, số lượng lại giảm xuống với con số xuất khẩu 98 tấn gạo sang Nhật Bản. Trong khi đó, trước đây, chúng ta đã từng xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo sang thị trường này.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, bên cạnh việc Nhật Bản đưa ra quy định rất nghiêm ngặt về hóa chất sử dụng trong gạo, lên đến hơn 600 chỉ tiêu nên chúng ta rất khó có thể đảm bảo bởi thị trường thuốc bảo vệ thực vật gần như bị thả nổi hiện nay và người dân còn dễ dãi với việc chăm sóc lúa, chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình. Vì vậy, dù đối tác từ Nhật Bản cho rằng, rất muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng vẫn e ngại vì vấn đề chất lượng khi chưa thể kiểm soát được dư lượng hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật được bán và sử dụng một cách tùy tiện thay vì phải nghiêm ngặt.
Để có thể thâm nhập thị trường Nhật Bản, kế đó là Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Tiến kiến nghị Bộ NN-PTTN cùng Bộ Công thương và cao hơn là Chính phủ cần có chủ trương và chính sách rõ ràng; cùng với đó là chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất trên hạt lúa để nâng cao giá trị hạt gạo. Việc thả nổi sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật càng làm cho hạt gạo Việt kém tính cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh cung vẫn đang vượt cầu như trên thị trường gạo thế giới hiện nay.
Theo Báo Đồng Tháp Online.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;