Hạt tiêu là một trong những mặt hàng duy trì sự tăng trưởng xuất khẩu khá tốt.
Nông sản xuất khẩu đang được giá
Trong số 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm chè, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, và sản phẩm khác thì có đến 6 mặt hàng có giá bán tăng cao hơn cùng kỳ.
Đặc biệt mặt hàng gạo đã có nhiều bứt phá sau một thời gian trầm lắng, rau củ quả vẫn giữ được mức tăng nhanh.
Các mặt hàng nằm trong câu lạc bộ tỷ đô tiếp tục được giữ hạng. Tất cả cho thấy sự khởi sắc của nông sản Việt Nam so với thời gian ảm đạm những năm trước đó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18%; thuỷ sản 4,31 tỷ USD, tăng 17,5%; các mặt hàng lâm sản chính 4,41 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Về mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 ước đạt 465.000 tấn, đạt 201 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng ước đạt 3,3 triệu tấn, giá trị 1,5 tỷ USD.
Không chỉ tăng 15,7% về khối lượng mà mặt hàng này còn tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đây là nốt nhạc vui của ngành gạo. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều loại nông sản như cà phê, điều, rau quả vẫn duy trì sự tăng trưởng xuất khẩu khá tốt nhờ giá tăng cao. Xuất khẩu cà phê tháng 7 ước đạt 106.000 tấn với giá trị đạt 242 triệu USD.
Như vậy, trong 7 tháng, cà phê ước xuất khẩu 937.000 tấn với 2,12 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng nhưng tăng 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Tương tự mặt hàng điều cũng tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 7 tháng ước đạt 186.000 tấn với 1,83 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng mặt hàng rau quả, đang có rất nhiều tiềm năng. Số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 7 đạt 360 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 7 tháng ước đạt 2,03 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su sau nhiều năm trầm lắng thời gian gần đây ồn ào trở lại. Trong tháng 7, cao su xuất khẩu ước đạt 154.000 tấn với giá trị đạt 230 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng ước đạt 639.000 tấn với 1,13 tỷ USD (tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái).
Như vậy, vượt qua khó khăn hồi đầu năm, xuất khẩu nông sản đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Diễn biến của tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong những tháng đầu năm 2017 tiếp tục đặt ra nhiều kỳ vọng cho tăng trưởng.
Hơn nửa chặng đường, 2/3 kết quả
Trong năm 2017, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp phải đạt tối thiểu tốc độ tăng trưởng 3,05% và kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD.
Và đến nay, hơn nửa chặng đường đã đi qua và 2/3 mục tiêu cũng đã được ghi dấu. Tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ lại không dễ dàng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, khó khăn trước mắt trong ngắn hạn chính là giải quyết quan hệ cung cầu thị trường.
Việt Nam đã có lượng nông sản hàng hóa dồi dào, sức sản xuất của nhân dân rất lớn nhưng khâu hợp tác sản xuất và thương mại để đảm bảo chuỗi sản xuất còn rất nhiều khó khăn.
Còn rất nhiều việc ngành nông nghiệp phải làm, và cố gắng tăng trưởng đặt trong điều kiện bền vững. Tức là thực hiện các giải pháp đồng bộ của tái cơ cấu, phải chú trọng giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi và tiếp tục lấy năm 2017 là năm trọng tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 33 tỷ USD năm nay, bên cạnh sự cố gắng của các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường tháo gỡ rào cản thị trường, bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ.
Giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng là rau quả…
Ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: “Về cơ bản, đích ngắm của nông nghiệp là phải cải thiện được đời sống của nông dân, những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất. Có như vậy mới tạo được động lực cho họ cũng như sự đồng bộ trong việc gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sự cân bằng giữa số lượng xuất khẩu và đời sống nông dân. |
H.Hương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;