Cụ thể, 10 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 1,05 triệu tấn với tổng trị giá 2,13 tỷ USD, giảm 29,6% về khối lượng và giảm 31,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm đạt 2.042 USD/tấn, giảm 1,7% so với năm 2014.
Đối với mặt hàng cao su, tính tới hết tháng 10, xuất khẩu chỉ đạt 870 nghìn tấn, trị giá đạt 1,22 tỷ USD, tăng 3,5% về khối lượng nhưng giảm 15,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, chiếm 71,88% thị phần.
Mặt hàng gạo cũng không mấy khả quan khi khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm ước đạt 5,32 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với hơn 373% thị phần.
Do xuất khẩu ảm đạm, thị trường các mặt hàng cà phê, cao su ở trong nước cũng không mấy khả quan. Cụ thể, so với cuối tháng 9, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ngày 23-10 giảm 400 đ/kg xuống mức 34.600 – 35.100 đ/kg.
Dù lượng cà phê tồn kho của nông dân và thương nhân Việt Nam đang ở mức cao và vụ thu hoạch mới đang bắt đầu, nhưng giá tham chiếu thấp trên sàn London khiến thị trường Việt Nam tiếp tục kháng giá và hoạt động mua bán chậm.
Đối với cao su, giá nguyên liệu trong nước biến động giảm ngay từ những ngày đầu tháng 10, từ 6.720 đ/kg xuống còn 6.400 đ/kg. Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cũng diễn biến giảm.
Tại cửa khẩu, gần một tháng qua, mặt hàng cao su thiên nhiên không có giao dịch nào đáng kể. Hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng này vẫn đang trong trạng thái “đóng băng”. Tại cửa khẩu Lào Cai sản lượng cao su hỗn hợp được thông quan (hệ tiểu ngạch) đạt gần 1.000 tấn. Giá cao su hỗn hợp loại I đạt 8.400 NDT/tấn, loại II đạt 8.300 NDT/tấn.
So với hai mặt hàng trên, thị trường lúa gạo trong nước thực sự khởi sắc trong tháng 10 khi hoạt động thu mua được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Philippines và Indonesia.
Hiện thị trường lúa gạo ĐBSCL đang lên cơn sốt khi gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm theo đơn hàng của Philippines hút hàng. Lúa chủng loại IR50404 là loại lúa được tiêu thụ mạnh nhất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo thị trường lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục sôi động do Philippines đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo vào đầu năm 2016, mở ra cơ hội xuất khẩu tăng trở lại từ nay đến vụ Đông Xuân 2016, trong khi nguồn cung lúa Thu Đông đang giảm dần do hiện đã là cuối vụ thu hoạch, giá lúa tiếp tục có lợi cho nông dân.
Thanh Nguyễn
baohaiquan.vn