Học tập đạo đức HCM

Hiểm họa khôn lường từ phong lan đột biến

Thứ sáu - 16/04/2021 23:47
Thời gian qua, câu chuyện về những giò phong lan phi điệp đột biến được giao dịch hàng tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Không chỉ giới chơi cây cảnh, mê lan mà cả những người chưa bao giờ trồng, chơi phong lan cũng sẵn sàng vay mượn, đầu tư số tiền lớn với hy vọng nhanh chóng đổi đời. Thế nhưng thực tế, không ít người đã nhận “trái đắng” từ loài cây này.

Với nhiều tên gọi mĩ miều như hồng mĩ nhân, bạch tuyết cánh trắng, người đẹp Bình Dương, á hậu, tiên vũ, quế lan hương...phong lan được nhiều người ráo riết săn lùng, trong đó, lan đột biến (lan var) thời gian qua khiến thị trường "lên cơn sốt".

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ là tin đồn, các thương vụ mua bán lan đột biến diễn ra công khai, liên tục, với giá trị lên đến vài tỷ, vài chục hay vài trăm tỷ đồng. Điển hình như thương vụ mua bán cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; vụ mua bán lan bạch tuyết á hậu 20 tỷ đồng tại một nhà vườn ở Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội…Trên các trang mạng xã hội, dân buôn cũng rầm rộ livestreams về các vụ giao dịch lan đột biến, tiền mệnh giá cao xếp cả dãy dài khiến nhiều người “nổi hứng” tìm cách vay mượn tiền hùn vốn đầu tư nhưng với tâm trạng vừa mừng, vừa lo.

Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh – một trong những hộ có nhiều giò lan nhất ở xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch cho biết, sau ngót chục năm trồng, gia đình chị đã có trên 4.000 giò lan với nhiều loại lan khác nhau. Trung bình mỗi năm, gia đình nhân giống thành công và bán ra thị trường hàng trăm giò phong lan, mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Theo chị Hạnh, lan đột biến có giá trị kinh tế cao, nhất là khi gặp những “đại gia” đam mê hoa lan thì họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có được giò lan mà họ yêu thích. Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo để nhận thấy những điểm bất thường ở các giao dịch tiền tỷ liên quan đến lan đột biến, bởi các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng loài hoa này chủ yếu diễn ra tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng nên mọi người khó có thể biết thực hư phía sau những giao dịch đó là gì. Hơn nữa, việc bỏ ra số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng chỉ để sở hữu một giò lan đột biến dù là đẹp, là hiếm thì cũng là điều gì đó “không bình thường” nên cần được xem xét kỹ lưỡng.

Có hơn 15 năm kinh nghiệm trồng lan, anh Hồ Văn Giáp, tổ dân phố Đồng Thỏng, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo cho biết, anh đến với nghề trồng lan bằng niềm đam mê và khát vọng xây dựng thành công khu trồng lan rừng quy mô lớn để khi du khách đến Tây Thiên có thể ghé qua tham quan, mua những giò lan rừng về trồng hoặc làm quà cho người thân. Sau hơn 15 năm theo đuổi đam mê này, anh có trên 2.000 giò lan, trong đó có nhiều loại quý hiếm.

Trong vườn nhà anh Giáp có không ít giò lan đột biến lên đến tiền tỷ

Theo anh Giáp, thực tế, giới sinh vật cảnh và những người hiểu biết về lan đã lặng lẽ chơi phong lan đột biến từ lâu nhưng chỉ khoảng vài năm trở lại đây giống cây này mới có thị trường và trở nên “nóng sốt”. Lan phi điệp đột biến có giá tiền tỷ là bởi đặc điểm hiếm có, độc lạ và khó chăm sóc của nó. Quá trình đột biến gien tự nhiên sẽ để lại dấu ấn khác biệt cho giò phong lan qua hình dáng lá, màu sắc và đặc điểm của hoa. Phong lan đột biến vốn không có giá trị cụ thể, giá cả là do người bán và người mua quyết định. “Để người yêu hoa lan vừa thỏa mãn đam mê của mình vừa tiếp cận được giá trị thực của những giò hoa lan đột biến, khi mua những lan giống, người mua nên tìm hiểu kỹ về mô hình, đến tận nhà vườn hoặc các cơ sở có uy tín. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho những mô hình phát triển kinh tế về hoa lan”- anh Giáp nói.

Cơn sốt lan đột biến diễn ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước khiến nhiều người có kiến thức, sự hiểu biết về hoa không nhiều nhưng do muốn làm giàu nhanh đã vay ngân hàng, cầm cố sổ đỏ để có tiền đầu tư vào loại lan này. Tuy nhiên, đầu tư vào phong lan đột biến ẩn chứa nhiều rủi ro, gợi nhớ tới sự sụp đổ thị trường từng xảy ra với chó cảnh, cây sanh, gỗ sưa…một thời khiến không ít người ngậm trái đắng. Đặc biệt, mới đây, khi thông tin về vụ chủ vườn lan đột biến ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội ôm theo 200 tỷ đồng “bán lúa non” bỏ trốn hay vào ngày 14/1/2021, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Thị Suối Vân, ở Đội 2, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 4,6 tỷ đồng thông qua việc mua bán hoa lan giả trên các trang mạng khiến nhiều người đứng ngồi không yên.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 363 hộ có nhà vườn nuôi cấy, mua bán lan đột biến. Trong đó, nhiều nhất là huyện Sông Lô với 119 nhà vườn; huyện Vĩnh Tường 69 nhà vườn, thành phố Phúc Yên 33 nhà vườn, huyện Tam Dương 30 nhà vườn, huyện Yên Lạc 52 nhà vườn, huyện Tam Đảo 27 nhà vườn, huyện Bình Xuyên 19 nhà vườn, huyện Lập Thạch 9 nhà vườn và thành phố Vĩnh Yên 5 nhà vườn.

Trước hàng loạt thông tin, vụ việc về các giao dịch liên quan đến lan đột biến, Công an tỉnh đã ban hành 3 văn bản, gồm Văn bản số 772 ngày 19/8/2020, Văn bản số 781 ngày 11/9/2020 và Văn bản số 347 ngày 18/3/2021 yêu cầu các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố triển khai nắm bắt tình hình, thực hiện việc rà soát, lập danh sách đánh giá hoạt động của các nhà vườn nuôi cấp, kinh doanh lan đột biến, hoạt động của các hội, nhóm chơi lan đột biến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động các biện pháp phòng ngừa, xử lý tình huống phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động kinh doanh, mua bán lan đột biến.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh, qua nắm bắt tình hình, các nhà vườn nuôi cấy hoa lan trên địa bàn tỉnh đều có giao dịch mua bán lan đột biến nhưng giá trị không lớn và chưa phát hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kinh doanh mua bán lan đột biến để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cũng theo các văn bản của Công an tỉnh, việc xuất hiện một số người làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn đã đánh vào tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân tham gia đầu tư, góp vốn vào các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến. Giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để thổi giá, gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia vào thị trường lan. Đặc biệt, nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư. Điều này dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động “tín dụng đen”. Và như thế, đột biến về lan chưa thấy đâu nhưng đã nhiều người sập bẫy công nghệ thành "đột nhiên" mất tiền mà không chỉ ở số ít.

Thanh Nga

Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập132
  • Hôm nay25,185
  • Tháng hiện tại474,014
  • Tổng lượt truy cập92,851,678
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây