Năm nay, doanh nghiệp tư nhân Hoài Luân đã bán khoảng 50 tấn cam.
Những ngày này, doanh nghiệp tư nhân Hoài Luân (xã Quang Thọ, Vũ Quang) đang tất bật thu hoạch cam và xuất bán ra thị trường. Cam của doanh nghiệp chủ yếu được phân phối đến các cửa hàng, điểm bán lẻ trong tỉnh và các tỉnh: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An…
Ông Đoàn Quốc Hoài - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoài Luân cho biết: “Với diện tích 7 ha, năm nay, chúng tôi ước sản lượng đạt hơn 100 tấn cam. Đến thời điểm này, chúng tôi đã xuất bán khoảng 50 tấn. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, khẳng định được thương hiệu, cam của doanh nghiệp được bán với giá 25 – 30.000 đồng/kg. Hơn 1 tháng trước, cam Hoài Luân cũng đã “có mặt” trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Posrmart.vn. Hiện chúng tôi vẫn đang tìm kiếm và cố gắng kết nối thêm các đầu mối lớn nhằm quảng bá thương hiệu cam Vũ Quang cũng như cam Hà Tĩnh nói chung".
Cùng với doanh nghiệp Hoài Luân, các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các vựa cam của tỉnh như: Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang cũng đang vào mùa thu hoạch, tiêu thụ cam.
Cam Khe Mây (Hương Khê) được đại diện siêu thị Vinmart đánh giá cao về chất lượng.
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc tiêu thụ cam hiện nay chủ yếu là các thương lái đến thu mua trực tiếp tại vườn hoặc phân phối đến các điểm bán nhỏ lẻ. Việc xúc tiến để phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch để tạo đầu ra bền vững vẫn còn khá hạn chế.
Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cho bà con, vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức các hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm cam. Theo đó, Sở đã kết nối với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), siêu thị Vinmart, Vinmart+ và siêu thị Co.opmart khảo sát trực tiếp các vườn cam trên địa bàn để kiểm tra tiêu chuẩn, kết nối vào hệ thống siêu thị trên cả nước.
Nhiều diện tích cam trên địa bàn tỉnh được trùm màn theo từng cây để bảo vệ cam khỏi côn trùng.
“Mục sở thị” các vườn cam, đại diện các siêu thị cho rằng các nhà vườn đã đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, quả cam có mẫu mã đẹp, chín vàng, chất lượng cam được đánh giá cao.
Bà Phạm Huyền Trang – Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (quản lý siêu thị Vinmart, Vinmart+) cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi thấy có nhiều vườn cam lâu năm đạt chất lượng cao, vị thơm ngon. Đặc biệt, chúng tôi ấn tượng với cam Khe Mây của huyện Hương Khê, đây là vùng trồng có tiềm năng lớn. Chúng tôi sẽ xem xét để đưa cam của Hà Tĩnh vào phân phối tại hệ thống chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ trên toàn quốc.
Cam Hà Tĩnh được bày bán trên thị trường có mẫu mã đẹp, vị ngọt thơm.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cam đạt trên 7.700 ha, chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà. Diện tích cho sản phẩm thu hoạch đạt gần 5.600 ha với tổng sản lượng cam năm nay ước đạt 65.000 tấn. Trong đó, diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha.
Những năm trước, lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh được tổ chức thành công với quy mô 80 – 100 gian hàng trưng bày. Lễ hội diễn ra trong 3 - 4 ngày, không chỉ giúp các nhà vườn quảng bá, tiêu thụ cam mà còn tạo không gian cho người dân, du khách tham quan mua sắm.
Năm nay, do điều kiện dịch bệnh COVID-19, hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối các doanh nghiệp, nhà vườn với các bộ, ngành Trung ương, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp phân phối lớn nhằm hỗ trợ quảng bá, mở rộng kênh phân phối cho bà con Nhân dân. Dự kiến lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm nay diễn ra vào ngày 23/11.
Cam Vũ Quang được bán trên sàn thương mại điện tử Voso.vn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa, thời gian qua, Sở Công thương đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ quảng bá thương hiệu và tiêu thụ cam như: kết nối các nhà phân phối lớn khảo sát đưa cam tiêu thụ trên toàn quốc; hỗ trợ bà con trong việc thực hiện số hóa, truy xuất nguồn gốc; tổ chức tập huấn, kết nối xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử... Đặc biệt, hội nghị tới đây sẽ là cơ hội lớn để quảng bá, nâng cao thương hiệu và tiêu thụ cam Hà Tĩnh.
Để đưa được cam vào các hệ thống phân phối uy tín, bà con phải thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; quan tâm chất lượng hàng hóa để đảm bảo theo yêu cầu cam kết. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, các cơ sở cũng cần chủ động tiếp cận với các kênh online, thương mại điện tử.
Theo Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;