Phá sản vì hạn mặn
Nằm cạnh con đê sông Vàm Cỏ thuộc xã Long Hựu Tây (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), mảnh đất 1ha của bà Sầm Thị Nhung đang bị nhiễm phèn, mặn nặng. Bà Nhung cho biết, sau nhiều năm trồng lúa không hiệu quả, bà thử nghiệm trồng một số loại cây khác nhưng không cây trồng nào thích nghi được với vùng đất này.
Lão nông Mười Một đang đau đáu trước những cây mãng cầu khẳng khiu do bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Ảnh: Trần Đáng
Hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: Bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt. Mức hỗ trợ cụ thể: Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng. L.S |
Cuối cùng, bà quyết định trồng cây khóm (dứa) - một loại cây được cho là “nồi đồng, cối đá” có khả năng chịu phèn, hạn và mặn rất tốt, khó có cây nào thích ứng tốt hơn. Mất 2 năm cải tạo đất, bà mới giúp cây khóm đứng nổi trên mảnh đất khắc nghiệt này. Cuối cùng, những vụ thu hoạch khóm cũng đã đến với gia đình bà, dù trọng lượng trái rất khiêm tốn. Những trái khóm trồng trên đất nhiễm hạn, mặn teo tóp, chỉ to hơn nắm tay một chút. “Mỗi năm tôi thu hoạch 4 vụ khóm. Mỗi vụ bán được 5 - 6 triệu đồng” - bà chia sẻ.
Tuy nhiên, mùa hạn mặn khốc liệt năm nay đang tác động mạnh đến vườn khóm của hai hộ đang trồng khóm tại đây, trong đó có bà Nhung. Vườn khóm 1ha của anh Nghĩa ở cạnh đất bà Nhung đã gần như chết hoàn toàn.
Còn vườn khóm của bà Nhung cũng đang trong tình trạng héo hon vì thiếu nước ngọt tưới dài ngày. Nhiều cây lá đã chuyển sang màu đỏ quạch hoặc chết khô, có cây cho trái thì chỉ bé bằng nắm tay.
“Hạn hán gì mà khủng khiếp. Cây khóm thường không phải tưới nước, trần mình suốt mùa nắng vẫn sống tốt, vậy mà gặp cơn hạn này cũng phải đổ gục” - bà Nhung bộc bạch.
Cách đó không xa, tại xã Tân Ân, lão nông Mười Một (Ngô Văn Tráng) cũng đang “nát lòng” với vườn mãng cầu gai bị rũ rượi lá, cành. Do mảnh đất gò nằm cặp sông Vàm Cỏ, chịu tác động trực tiếp khi triều cường hoặc nhiễm mặn, nên lão nông Mười Một nghĩ ra cách ghép mãng cầu trên gốc cây bình bát - một loại cây chịu ngập nước, chịu khô hạn, mặn nổi tiếng.
Thế nhưng, bao khó nhọc của lão nông này gần như đổ sông… Vàm Cỏ khi mảnh vườn 1.000m2 mãng cầu cũng “bất lực” trước mùa hạn, mặn kỷ lục. Do cây bị ngập sâu, mặn cao, kéo dài, thiếu nước ngọt…, vườn mãng cầu 2 năm tuổi của ông Mười Một cành nào cũng khẳng khiu trơ trụi lá. Những chiếc lá còn lại trên cành cũng teo tóp, khô khốc.
“Đáng ra lúc này vườn mang cầu đã cho trái chín. Nhưng do chịu áp lực quá lớn của hạn mặn, xem như vườn mãng cầu mất vụ trái này rồi. Vườn mãng cầu đã mất sức rất nặng, sau này muốn khôi phục rất khó” - lão nông Mười Một nói.
Ưu tiên cây rau
Theo UBND xã Long Hựu Tây, hiện trên địa bàn xã có khoảng 300ha đất hoang hóa do phèn, mặn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trương Quang Vinh cho biết, vài năm trước chính quyền xã đã xây dựng dự án trồng khóm cho nông dân trong xã sản xuất, cũng như khai phá diện tích đất hoang hóa trên địa bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng hỗ trợ cho vay vốn đối với nông dân tham gia mô hình, với số tiền 50 triệu đồng/ha. Theo đó, 24 hộ nông dân trong xã đã ký cam kết tham gia dự án và nhận vốn vay.
Tuy nhiên, mô hình này đã phá sản ngay sau đó do nông dân không chịu được mức độ nhọc nhằn khi trồng cây khóm; đất đai nhiễm phèn, mặn nặng… “Tôi không biết bây giờ còn có thể triển khai lại dự án trồng khóm được nữa không” - ông Vinh phân vân.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có một số mô hình cây trồng thích ứng với hạn, mặn do nông dân tự phát làm.
“Về việc triển khai cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, đối với vùng hạ Long An, như Cần Giuộc, Cần Đước, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung đầu tư cho cây rau màu nhằm tận dụng cây ngắn ngày và tưới tiết kiệm nước” - ông Thiện thông tin.
Đề xuất giải pháp chiến lược phòng chống hạn mặn Trước những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt ở ĐBSCL, Bộ NNPTNT đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược, như đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản... để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước. Các dự án đề nghị ưu tiên: Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2, Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo - Tân Trụ... Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Thiên Hương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã