Học tập đạo đức HCM

Bài 2: Đồng vốn chưa đáp ứng mong đợi

Thứ ba - 18/02/2014 20:28
Mặc dù được đầu tư một nguồn lực lớn nhưng đầu tư như thế nào cho trúng và đúng, tránh thất thoát ngân sách; việc tiếp quản và vận hành các công trình sau đầu tư phải làm sao cho hiệu quả, tránh hỏng hóc, lãng phí; việc bố trí ngân sách sao cho kịp thời để thực hiện chương trình đối với cả thôn, xóm, xã, huyện và cả thành phố nhằm đưa chủ trương lớn trở thành hiện thực… vẫn là bài toán khó rất cần lời giải.
Nhiều công trình "đắp chiếu"

"Tại thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, công trình nước sạch được đầu tư hàng trăm triệu đồng đã "đắp chiếu" nhiều năm không sử dụng, trong khi đó bà con vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, không hợp vệ sinh bởi nước bơm lên vừa tanh, vừa vàng là sự lãng phí rất lớn" - đó là khẳng định của Trưởng thôn Bạch Văn Hà. Theo ông Hà, công trình này được đầu tư từ năm 2007 nhưng không thể sử dụng được vì không phù hợp với thực tế ở địa phương; ngoài ra, do không ai quản lý, bảo vệ nên đã bị hỏng hóc. Không riêng thôn Đồng Chiêm, cả 7 thôn của xã An Phú có được đầu tư công trình nước sạch theo Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) trong các năm 2007-2008, đến nay đều không hiệu quả. Cụ thể, mỗi thôn được đầu tư 1 giếng khoan và 3-4 bể chứa, đường ống dẫn nước về các bể với kinh phí 250-300 triệu đồng/giếng. "Theo quy định, các hộ dân sử dụng nước phải đóng một số tiền nhất định để thôn trả tiền điện và bảo dưỡng máy bơm nhưng thu tiền của người dân rất khó. Thôn không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, công trình để lâu ngày nên xuống cấp, hư hỏng" - Chủ tịch xã An Phú Nguyễn Thế Nghĩa lý giải. Nhiều hộ dân cũng phản ánh công trình đê vùng tại thôn Nam Hưng chỉ được đắp cao hơn đường giao thông có 1m, do vậy cứ đến tháng 4 hằng năm, khi lũ tiểu mãn đổ về, thường khiến khoảng 80ha lúa bị thiệt hại…

 
Xây dựng giao thông nông thôn ở xã An Phú, Mỹ Đức. Ảnh: Đỗ Chí
Xây dựng giao thông nông thôn ở xã An Phú, Mỹ Đức. Ảnh: Đỗ Chí


Tương tự, tại xã Ba Vì, công trình nước sạch thôn Hợp Nhất (được xây dựng từ năm 2004) và thôn Yên Sơn (năm 2007) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Công trình nước sạch tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cũng trong tình trạng "đắp chiếu" trong khi người dân phải tự tìm nguồn nước sạch để sử dụng. Tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai), hơn 4 năm qua, công trình nước sạch ở thôn Đồng Vỡ với giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng theo Chương trình 134 của Chính phủ nhưng… không hoạt động. Người dân địa phương cho hay, công trình được đầu tư xây dựng năm 2009 nhưng chỉ sử dụng được thời gian ngắn thì đường ống nước bị hư hỏng, vỡ nhiều đoạn. Để chủ động nguồn nước, người dân phải mua đường ống dẫn nước suối hoặc gánh nước về sử dụng.

Theo Kế hoạch 166 của UBND thành phố về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2013-2015, tại 13 xã và 1 thôn miền núi dự kiến sẽ đầu tư 186 dự án xây dựng cơ bản với số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng, với lộ trình thực hiện trong 3 năm 2013, 2014 và 2015. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí theo kế hoạch đang rất chậm. Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh, đến hết năm 2013 mới bố trí được 163 tỷ đồng. Trong năm 2014, dự kiến sẽ được bố trí khoảng 164 tỷ đồng, số vốn rất nhỏ so với kế hoạch đã đặt ra. 

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế khó khăn

Tuy đã có đổi thay nhưng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các xã miền núi vẫn vô cùng khó khăn bởi hệ thống giao thông còn rất kém. Tại xã Ba Vì, theo Chủ tịch UBND xã Dương Trung Liên, trên địa bàn xã chủ yếu vẫn là đường đất. Ngoài 2km đường liên xã được cứng hóa, xã Ba Vì có khoảng 16-17km đường liên thôn, đường ngõ xóm là đường mòn hình thành từ xa xưa. Cũng do là vùng sâu, vùng xa, nhận thức còn nhiều hạn chế nên đời sống của đồng bào dân tộc Dao ở địa phương vẫn rất khó khăn. Toàn xã không còn hộ đói nhưng còn 180 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 40%; 108 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 24%. Tại xã Khánh Thượng (cùng trong huyện Ba Vì) hiện có gần 200 hộ nghèo và hơn 400 hộ cận nghèo trên tổng số 1.800 hộ. 

Đáng nói là trong thời gian qua, mặc dù các địa phương đã tập trung hướng dẫn nông dân vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tùy theo tiềm năng, lợi thế để giúp người dân nâng cao thu nhập, song kết quả vẫn hạn chế, chưa đồng đều. Các xã miền núi huyện Ba Vì đã triển khai xây dựng vùng chè sạch, chăn nuôi xa khu dân cư, phát triển vùng du lịch, tuy nhiên việc chuyển đổi chưa được như mong muốn bởi người dân chủ yếu tự sản xuất, tự tiêu thụ nên chưa phát huy hiệu quả. Xã An Phú (huyện Mỹ Đức), những năm qua đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn song vẫn chưa đồng bộ. Trưởng thôn Đồng Chiêm Bạch Văn Hà bức xúc cho biết: Hiện thôn có một khu đồng diện tích khoảng 80ha ở bên kia sông, hằng ngày người dân vẫn phải đi làm qua cây cầu "chân chó" (cầu Đá Dải) nối từ thôn Đồng Chiêm qua sông Bến Trải, khiến việc chuyên chở nông sản không thể thực hiện được. Ngoài làm ruộng, nhiều hộ dân trong thôn còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là trâu bò và dê trong các đồi cỏ của rừng đặc dụng Hương Sơn. Những ngày giá rét vừa qua, người dân không thể lùa được vật nuôi về do không có đường qua sông, nhiều trâu, bò đã bị chết rét. "Nếu có một cây cầu kiên cố bắc qua, chắc chắn người dân sẽ phát triển mạnh đàn vật nuôi mang lại hiệu quả cao và đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp địa phương xóa dần cái đói và giảm dần hộ nghèo" - ông Hà cho biết.

Đối với xã Ba Vì (huyện Ba Vì), khó khăn nhất hiện nay đối với người dân là thiếu tư liệu để sản xuất. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, đất trồng lúa chỉ vỏn vẹn 21ha nên thu nhập của hơn 400 hộ dân trong xã chủ yếu trông vào cây dong riềng và bương. Trước đây, bản Dao ở Ba Vì còn trồng đót và bương trên độ cao 100m nhưng những năm gần đây, từ cao độ này thuộc Vườn quốc gia Ba Vì quản lý. Cũng do thiếu tư liệu sản xuất nên đã có cả trăm người rời quê hương đi xa tìm kiếm việc làm. Đó cũng là nguyên nhân khiến xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất Thủ đô hiện nay.
 Tags: đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập369
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại854,903
  • Tổng lượt truy cập92,028,632
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây