Ngoại giao tháo gỡ đầu ra
Nhật Bản, Hàn Quốc quy định nghiêm ngặt về dư lượng Ethoxyquyn, Trifluralin (tỷ lệ 0,001 ppm), hàm lượng này rất thấp so với quy định chung của các nước. Bộ NN&PTNT đã cung cấp các nghiên cứu khoa học liên quan đến dư lượng có trong tôm và các biện pháp khắc phục cho Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến nay, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ việc kiểm soát dư lượng Trifluralin. Nhưng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn còn bị duy trì chế độ kiểm tra 100% với Ethoxyquyn và cả Enrofloxacin. Tình trạng tôm Việt Nam bị phát hiện nhiễm dư lượng một trong hai chất này đã giảm mạnh so với năm ngoái, nhưng cũng còn lô hàng vi phạm trong thời gian gần đây.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm khách hàng mới để mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh: An Đăng
Mexico hạn chế nhập khẩu tôm do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bộ NN&PTNT đã gửi tài liệu cho Mexico nhằm chứng minh Việt Nam đã cơ bản khống chế được bệnh hoại tử gan tuỵ và sản phẩm tôm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Công thương đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico có công hàm và tiếp xúc các cơ quan của Mexico để đề nghị tiếp tục nhập khẩu tôm Việt Nam.
Còn cá tra, Ukraine đã quyết định tạm đình chỉ nhập vì phát hiện một số lô hàng nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn theo quy định của nước này. Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan ngoại giao tháo gỡ khó khăn để tiếp tục xuất khẩu cá tra sang Ukraine.
Năm 2013, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã phê duyệt 3 đề án tham gia hội chợ chuyên ngành của VASEP, tại Bỉ, Mỹ, Trung Quốc, kinh phí gần 6,3 tỷ đồng, nhằm quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam. Trong tình hình khó khăn hiện nay, đây là kênh tiếp cận nhanh để tuyên truyền, củng cố mối quan hệ với khách hàng truyền thống, tìm kiếm khách hàng mới và tìm hiểu nhu cầu thị trường.
Bát nháo đầu vào
Tỉnh Bạc Liêu năm 2013 vẫn duy trì diện tích nuôi tôm 120.000 - 125.000 ha, cần 15 - 17 tỷ con tôm giống. Hơn 300 cơ sở sản xuất, thuần dưỡng con giống trong tỉnh chỉ đáp ứng chừng 5 tỷ, còn lại phải mua từ bên ngoài. Số giống từ ngoài tỉnh nhập vào Bạc Liêu thường tìm cách né kiểm dịch, vuột ra ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình tôm giống 6 tháng đầu năm 2013: "Hiện tượng tôm giống không đảm bảo chất lượng (tôm dễ nhiễm bệnh và chậm lớn) lưu thông trên thị trường tuy đã giảm so với các năm trước, nhưng vẫn xảy ra, gây thiệt hại tới người nuôi". Diện tích tôm bị bệnh chỉ còn bằng 26% năm 2012, tuy nhiên vẫn tới 9.123 ha. Còn giống cá tra, chất lượng cũng rất kém từ cá tra bố mẹ nên tỷ lệ hao hụt khá lớn trong quá trình nuôi, có nơi hao hụt tới 55%.
Thực trạng thủy sản kém chất lượng, dịch bệnh nhiều còn có nguyên nhân từ thị trường vật tư thủy sản bát nháo, vượt ngoài tầm quản lý. Ở tỉnh Bạc Liêu có 340 cơ sở kinh doanh, kiểm tra tháng 12/2012, phát hiện 50% không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở 208 cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, có 75 cơ sở chỉ đạt loại B.
Còn ở tỉnh Quảng Ngãi, trong hơn 2.037 cơ sở sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, có đến 1.499 cơ sở (gần 74%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các cơ sở nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý này vẫn hàng ngày bán ra đủ loại vật tư thủy sản mà không ai nắm được chất lượng.
Quản lý lúng túng
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi nói, số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp quá lớn, trong khi nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở các huyện, xã; trang thiết bị phục vụ kiểm tra lấy mẫu cũng chưa được đầu tư thích ứng. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho rằng, mức phạt nặng nhất với mỗi lần vi phạm về chất lượng là 35 triệu đồng "quá thấp so với lợi nhuận thu được nên các cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục vi phạm".
Ảnh: Duy Khương
Bộ NN&PTNT trong các giải pháp trước mắt cũng như dài hạn vẫn nêu ra việc kiểm soát chất lượng giống và vật tư thủy sản đầu vào. Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế những nội dung khá chung chung ấy - "kiểm tra, giám sát chặt chẽ để doanh nghiệp nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm". Trong đó, Bộ Công thương có một đề nghị cụ thể với Bộ NN&PTNT: "Sớm hoàn thiện dự thảo nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ cá tra thời gian tới theo hướng hiệu quả".
Về nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Huỳnh Thế Năng, cũng kiến nghị sớm ban hành, chứ dự thảo mấy năm rồi "và mất tiêu đến nay, chưa có nên chưa có khung quản lý nâng cao chất lượng".
>> Thực trạng thủy sản kém chất lượng, dịch bệnh nhiều còn có nguyên nhân từ thị trường vật tư thủy sản bát nháo, vượt ngoài tầm quản lý. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;