Đây chính là nội dung trọng tâm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát muốn hướng những người xây dựng chính sách và nghiên cứu khoa học cần tập trung tư duy, đưa ra giải pháp thiết thực để đưa lĩnh vực có “nguy cơ cao nhất” của ngành nông nghiệp tránh khỏi thất bại trước hội nhập năm 2018.
Trao đổi với của TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) về ý kiến này, ông cho rằng ngành chăn nuôi đang có 4 “nút thắt” cần giải quyết.
Theo ông, tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi cần phải giải quyết được những vấn đề gì để tạo đà phát triển trước hội nhập 2018?
TS. Nguyễn Thanh Sơn: Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp phải 4 thách thức hay còn gọi là “nút thắt” rất lớn để phát triển.
Thứ nhất, năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp. Mặc dù trong 10 năm qua có nhiều tiến bộ nhưng năng suất của Việt Nam so với thế giới đang còn cách rất xa. Cụ thể, so với năng suất nuôi lợn của Đan Mạch, chúng ta chỉ bằng 2/3; Việt Nam cũng chỉ đạt 70% năng suất chăn nuôi gà của Thái Lan và chỉ bằng 50% so với Australia... Do năng suất thấp nên giá thành sản phẩm quá cao. Đây là nút thắt đầu tiên và lớn nhất.
Nguyên nhân thứ hai là việc liên kết sản xuất quá lỏng lẻo. Giờ chúng ta mới chỉ liên kết ngang (giữa các đơn vị, nhà máy với nhau - PV), chưa có liên kết dọc (hệ thống chăn nuôi từ trung ương đến địa phương - PV)....
Điều thứ ba chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chừng nào thịt còn tồn dư kháng sinh, tồn dư các chất tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta chưa thể xuất khẩu được. Thậm chí trong hội nhập, chúng ta còn có thể mất ngay cả thị trường nội địa hiện nay.
Cuối cùng, lực cản vô hình đang kéo ngành chăn nuôi chậm lại chính là các thủ tục hành chính còn phiền hà cho sản xuất.
Vậy trong “nút thắt” đầu tiên về chất lượng thì cần giải quyết khâu nào trong sản xuất chăn nuôi hiện nay?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Đầu tiên là phải đột phá về giống. Để thực sự đột phá được thì kể cả tổ chức quản lý, vấn đề về quản lý nhà nước và thị trường... phải cùng vào cuộc.
Cụ thể hơn về vật nuôi, một số giống lợn của chúng ta đã có tỉ lệ sinh sản cao đến trên dưới 30 con/lứa. Hiện nay, tại Viện Chăn nuôi của chúng tôi đã sản xuất được giống như vậy và thậm chí nhiều lúc không có để bán.
Giống chất lượng chưa cao nên tỉ lệ hao hụt từ sơ sinh cho tới lúc cai sữa còn quá lớn. Tỉ lệ này ước tính từ 15-20%, tức là cứ sinh ra 10 con mất 2 con, nhiều nơi mất từ 2,5 con đến 3 con. Như vậy, làm sao số lượng cai sữa trên 1 lợn nái cao được. Vì vậy, không thể cạnh tranh và không thể có lợi nhuận được. Chỉ riêng 2 cơ sở của Viện Chăn nuôi, chỉ cần tăng lên 1 con cai sữa/lái là kiếm thêm được 20 tỉ/năm. Nếu tính trên 4 triệu con nái trên cả nước thì sẽ ra một lượng tiền rất lớn....
Ngoài vấn đề giống, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng cần áp dụng công nghệ cao để cải thiện năng suất. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Điều đó cũng đúng, nhưng lâu nay ngành chăn nuôi đã tiếp cận được công nghệ hiện đại nhưng việc sử dụng các quy trình đó còn nhiều vấn đề. Người nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi, kể cả tại các trang trại lớn vẫn làm theo kinh nghiệm là chính.
Để có hàm lượng công nghệ cao hơn trong lĩnh vực này thì cần phải lôi kéo được các doanh nghiệp lớn cùng vào cuộc. Để đạt được điều này cần phải “tái cơ cấu”, thay đổi tư duy về chăn nuôi.
Chúng ta đã có hơn 30 năm đổi mới, nhưng chăn nuôi vẫn dựa trên nền tảng tư duy là chăn nuôi truyền thống, tự cung tự cấp, để xóa đói giảm nghèo là chính. Do vậy, lâu nay chăn nuôi phát triển theo kinh nghiệm, quy mô nhỏ lẻ, theo hộ gia đình là chính. Trong tổng số nửa triệu doanh nghiệp trên cả nước thì chỉ có gần 400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Mà chủ yếu là các doanh nghiệp về thức ăn chăn nuôi, còn doanh nghiệp về chăn nuôi thực thụ chỉ đếm đầu ngón tay thôi.
Muốn doanh nghiệp vào cuộc thì phải phát triển chăn nuôi theo thị trường, cái nào có thị trường thì phát triển. Đề án về tái cơ cấu chăn nuôi trước kia từng được xây dựng theo kiểu kế hoạch hóa, nhưng ngay sau đó đã thấy không đúng. Do đó, chúng ta phải tiến thẳng, đối diện trực diện với thị trường mà chỉ có doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường nhanh nhất.
Vậy còn về vấn đề an toàn thực phẩm, lâu nay chúng ta cũng đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nhưng thực tế chất lượng thực phẩm có nguồn gốc động, thực vật tươi sống vẫn chưa cao?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Để tháo gỡ nút thắt này cần kiểm soát được đầu vào. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong những tháng gần đây thì các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp được đánh giá loại B tăng dần, loại C giảm đi. Nhưng, hiện tình trạng sử dụng chất cấm vẫn còn, nông dân vẫn lén lút sử dụng. Nếu không dứt hẳn việc dùng chất cấm, kháng sinh vượt dư lượng thì thậm chí chúng ta sẽ mất cả thị trường nội địa sau khi hội nhập chứ chưa nói đến việc xuất khẩu.
Cùng với đó, cần có cơ chế siết mạnh mẽ hơn việc kiểm soát lưu thông các loại thịt trên thị trường. Bởi nếu kiểm soát được từ vật tư chăn nuôi cho đến giết mổ nhưng việc vận chuyển, bày bán ở vỉa hè, đường phố bị buông lỏng kiểm soát thì sản phẩm đến tay người tiêu dùng chắc chắn không thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được.
Vậy còn nút thắt cuối cùng về cải cách hành chính. Từng là lãnh đạo Cục Chăn nuôi, theo ông cần cải cách hành chính như thế nào để ngành chăn nuôi có thể đón được các luồng vốn đầu tư mới?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Tôi đã công tác trong ngành chăn nuôi hơn chục năm ở Bộ NN&PTNT. Trong mười năm ấy, Bộ trưởng hầu như không “khen” ngành chăn nuôi bao giờ. Lần đầu tiên, trong dịp sơ kết 6 tháng đầu năm vừa rồi, Bộ trưởng mới khen ngành chăn nuôi.
Thực tế, Bộ NN&PTNT trong thời gian qua đã kiên quyết làm được 4 việc trong cải cách thủ tục hành chính, tạo nền tảng để thay đổi toàn bộ hệ thống chăn nuôi trong thời gian tới.
Thứ nhất, Bộ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về xuất nhập khẩu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Từ chỗ mất 9, 10 ngày... để làm thủ tục, giờ chỉ còn khoảng 24 tiếng. Thứ hai, Bộ đã mạnh dạn tháo gỡ 31 loại phí với chăn nuôi và thú y.
Đặc biệt, Bộ đã thay đổi căn bản hệ thống tổ chức chăn nuôi, thú y tại các địa phương bằng cách nhất thể hóa hai đơn vị này tại các Sở NN&PTNT. Câu chuyện này không dễ do có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng rõ ràng đã giúp tinh giản bộ máy, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với ngành chăn nuôi.
Và cuối cùng, Bộ đã có những thay đổi để nhiệm vụ nghiên cứu gắn với tái cơ cấu, gắn với thị trường hơn.
Với những chuyển biến này, ngành chăn nuôi đang và sẽ hưởng lợi rất nhiều từ những chính sách quyết liệt để đưa người dân và doanh nghiệp thực sự chung lòng phát triển ngành.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hương (thực hiện)
theo chinhphu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã