Học tập đạo đức HCM

Bước phát triển mới ở Ðan Phượng

Thứ bảy - 21/07/2012 20:31
Ðan Phượng là huyện ngoại thành nằm ở phía tây Thủ đô Hà Nội. Huyện có 15 xã, một thị trấn; có diện tích tự nhiên 77,35 km2, dân số 150.800 người. Nơi đây, thời kỳ tiền khởi nghĩa là cơ sở của tờ báo Cứu Quốc hoạt động, đã in số báo kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong cả nước.
Phát huy truyền thống cách mạng đó, Ðan Phượng đang cùng nhịp đập trái tim của cả nước phát triển toàn diện vững chắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Có một Ðan Phượng như hôm nay chính là đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HÐND, UBND huyện với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả; đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phân công thực hiện nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời gian, đã tạo được sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Tìm sự đồng thuận cao trong dân

Chúng tôi về thôn La Thạch, xã Phương Ðình, vào những ngày đầu tháng 7, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên che lấp dần những mái ngói đỏ, đánh dấu sự phát triển không ngừng của một làng quê ngoại thành Hà Nội. Nhưng thật ngỡ ngàng, từ đường làng ngõ xóm gần như không nhìn thấy cọng rác, hay những đống phế thải như một số nơi vẫn thường gặp. Bởi môi trường nông thôn ở đây được bà con ý thức giữ gìn quét dọn. Những con ngõ được trải bê-tông phẳng lỳ. Tuy không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới nhưng người dân ở đây đều ý thức được rằng cần phải làm cho làng quê mình ngày một văn minh, sạch đẹp.

Trưởng thôn, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Viên chia sẻ, có được bộ mặt của thôn sạch đẹp như ngày hôm nay tất cả là nhờ sự đoàn kết đồng lòng của người dân. Lúc đầu, lãnh đạo thôn chỉ vận động thí điểm làm đường giao thông tại một xóm giữa làng, nếu nhân dân ủng hộ sẽ làm tiếp. Nhưng ngay sau khi phát động đã trở thành một phong trào, tất cả nhân dân đều hưởng ứng, xóm nào cũng tổ chức họp dân quyên góp để làm. Mỗi xóm đều tự bầu ra một trưởng xóm để có trách nhiệm đôn đốc, quán xuyến và có trách nhiệm làm việc kết nối với trưởng thôn khi có vấn đề khúc mắc. Mọi công việc đều được bàn bạc dân chủ, công khai trong từng xóm; đóng góp của các gia đình đều trên tinh thần tự nguyện. Họ đều có một mục đích chung là làm đẹp cho chính bản thân mình và cho con cháu sau này. Nhiều trường hợp được miễn giảm việc đóng góp xây dựng đường xóm nhưng họ không chịu. Ðiển hình như cụ Nguyễn Thị Thập năm nay đã 93 tuổi, nếu theo quy định của xóm thì cụ được miễn không phải đóng tiền một suất 700 nghìn đồng, nhưng cụ nhất định không đồng ý mà đòi xóm phải cho đóng góp như người bình thường. Cụ nói, tôi vẫn còn sống cơ mà, nếu thôn, xóm không cho tôi đóng thì tôi nhìn mặt mũi làng xóm thế nào được. Tôi đóng góp có phải để mình đi đâu mà để làm gương cho con cháu.

Cụ Lê Minh Tiện, 80 tuổi có hơn 200 m2 đất từ thời ông cha để lại, nhà cụ ở vị trí đầu ngõ có tường rào vuông góc với đường giao thông xóm, người dân đi lại bị khuất tầm nhìn cho nên thường xảy ra những vụ va chạm xe. Khi thấy làng xóm họp có chủ trương làm đường, cụ sẵn sàng hiến 10 m2 đất để mở góc cua làm đường giao thông xóm cho rộng. Từ khi làm ngõ xong không còn xảy ra các vụ va chạm xe nữa. Cụ hồ hởi nói, "Lúc tôi hiến đất nếu tính giá trị 1 m2 đất khoảng 20 triệu đồng, tổng trị giá cũng lên đến 200 triệu đồng. Nhưng, nghĩ đến việc của xóm, của làng thì tôi cũng chẳng suy nghĩ gì, việc tôi làm là đóng góp cho làng xóm và có ý nghĩa mãi mãi về sau".

Về Ðan Phượng có chuyện khá lạ, không giống những vùng quê đang trên đà đô thị hóa khác, đó là gặp nhân dân hỏi về chuyện đất cát, dự án, giải phóng mặt bằng, họ đều nói chúng tôi ủng hộ cách làm của chính quyền sở tại. Có lẽ vì thế mà Ðan Phượng mấy năm trở lại đây, luôn là huyện đi đầu trong nhiều lĩnh vực so với các huyện ngoại thành khác của TP Hà Nội. Huyện ủy có Nghị quyết chuyên đề về thực hiện chỉnh trang hạ tầng thôn, phố xanh - sạch - đẹp. Vì thế từ công tác vệ sinh môi trường, xây dựng hồ, ao môi trường, thu gom và xây dựng nhà máy xử lý, chế biến rác thải của huyện được chỉ đạo có hiệu quả. Huyện đã chọn bốn đơn vị làm điểm chỉ đạo việc chỉnh trang hạ tầng thôn, phố xanh - sạch - đẹp và sau đó đã sơ kết rút kinh nghiệm triển khai rộng khắp toàn huyện. Ðiển hình là các thôn: Ích Vịnh, La Thạch (Phương Ðình), Phan Long (Tân Hội), Vân Môn (Trung Châu)... Huyện đã quy hoạch được 108 hồ, ao môi trường với diện tích hơn 37 ha, với kinh phí hơn 30 tỷ đồng và 29 bãi trung chuyển rác thải có kinh phí 12 tỷ đồng... Ðến nay có 100% số xã thực hiện tốt đề án thu gom xử lý rác thải. Ðặc biệt huyện đang tập trung xây dựng nhà máy xử lý, chế biến rác thải với diện tích 5,3 ha, có công suất 200 tấn/ngày tại xã Phương Ðình. Từ những kết quả đạt được, năm 2009, Phòng quản lý đô thị được UBND thành phố tặng Cờ thi đua về thành tích giao thông nông thôn.

Trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa. Từ năm 2005 đến 2011, huyện đã đầu tư hơn 8.103 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển 484 ha trồng cây lương thực kém hiệu quả sang vườn ruộng, trang trại. Nhiều dự án, mô hình kinh tế tiên tiến được duy trì và phát triển mạnh, điển hình là 10 dự án trồng bưởi Diễn ở chín xã Ðan Phượng, Ðồng Tháp, Thọ An, Trung Châu, Liên Hồng, Phương Ðình, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ có diện tích 339,9 ha. Ði đôi với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn phát triển mạnh như mô hình trang trại nuôi lợn xuất khẩu, nhím, ba ba, cá sấu, chăn nuôi bò sữa. Giá trị sản xuất một ha đất canh tác năm 2002 đạt 28,6 triệu đồng đến năm 2011 đạt 101 triệu đồng... Nhiều năm qua, Ðan Phượng luôn là huyện điển hình, được các đơn vị trong cả nước đến tham quan học tập mô hình. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, huyện luôn chủ động thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển làng nghề, đầu tư đổi mới công nghệ và tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tập trung khai thác thế mạnh trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc dân dụng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ði trước và chọn công tác quy hoạch là khâu đột phá

Huyện Ðan Phượng xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để tập trung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là trọng tâm của huyện, với cách làm công khai, dân chủ, đúng quy trình, đối thoại trực tiếp với nhân dân để tìm sự đồng thuận cao. Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Ðinh Hữu Hạnh, cho biết, "Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho đến nay không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Từ năm 2005 đến 2010, huyện đã thực hiện GPMB 103 dự án với diện tích 267,8 ha của 4.511 hộ dân, chỉ tính riêng năm 2011 đã GPMB được 48 dự án với diện tích 34,6 ha của 1.059 hộ dân. Xây dựng hoàn thành cụm công nghiệp thị trấn Phùng và bốn điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở các xã Ðồng Tháp, Ðan Phương, Liên Hà, Tân Hội với tổng diện tích 77,8 ha, thu hút 54 doanh nghiệp và 456 hộ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho 3.000 đến 5.000 lao động. Cùng với đó, huyện chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trọng tâm là phát triển đường giao thông, công trình giáo dục, y tế và các công trình bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Nếu như năm 2002 tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên toàn huyện là 20 tỷ đồng thì đến năm 2011 đã tăng lên 1.330 tỷ đồng. Nhiều công trình lớn đã được hoàn thành như đường mặt đê Tiên Tân, Tả Ðáy, đường từ quốc lộ 32 - bệnh viện, đường Ðan Phượng - Tân Hội, tượng đài kỷ niệm phong trào phụ nữ ba đảm đang; đài tưởng niệm liệt sĩ, thư viện, công viên cây xanh, trung tâm thể dục thể thao... Cải tạo, nâng cấp và xây mới 39 trường học, 11 trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi công cộng... Ðến nay đã xây dựng, nâng cấp 50 km đường liên xã mặt cắt đường rộng 20 m; hơn 77 km đường liên thôn rộng từ 7 đến 9 m, đạt 100% bê-tông hóa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn. Các công trình trọng điểm của huyện được thành phố đánh giá là các công trình đem lại hiệu quả và có ý nghĩa chính trị cao trong việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Là huyện triển khai nhanh đạt hiệu quả cao nhất trong số các huyện ngoại thành thực hiện chủ trương của thành phố về chỉnh trang đô thị như xây dựng vườn hoa, công viên, hệ thống chiếu sáng công cộng...". Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, huyện có 16 trong số 16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; bệnh viện đa khoa huyện được công nhận là bệnh viện hạng II. Về giáo dục, huyện đã xây dựng cao tầng cho 100% số trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non khang trang sạch đẹp. Riêng năm 2011, đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây mới 526 phòng học. Hiện đã có 30 trong số 55 trường học được thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia. Là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất thành phố. Nhiều trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và Cờ thi đua của Chính phủ. Nhiều tấm gương cá nhân điển hình về học tập được đảng bộ và chính quyền trong huyện nêu gương. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được phát huy sâu rộng. Công tác xây dựng đảng thường xuyên được nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Không ngừng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh...

37135.jpg

Thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Ðan Phượng (Hà Nội)
được xây dựng khang trang, đạt tiêu chí nông thôn mới.

Thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới

Công tác xây dựng nông thôn mới được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tổ chức phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" và ban hành chính sách hỗ trợ 29% giá trị vật tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông xóm, ngõ kết hợp rãnh tiêu thoát nước trong khu dân cư ở các xã, thị trấn. Phong trào này đã được nhân dân đồng lòng hưởng ứng sâu rộng, đóng góp tiền của, sức lao động. Từ đầu năm 2012 đến nay, thực hiện Chỉ thị 06 của Huyện ủy, các xã, thị trấn đã xây dựng, nâng cấp được 27.648 m đường xóm với tổng mức đầu tư gần 118 tỷ đồng; xây dựng 40.694 m đường xóm với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng và sự đóng góp của hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân. Năm 2011 có 142 hộ gia đình tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Xã Song Phượng được thành phố chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành được 16 trong số 19 tiêu chí, trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới, được Trung ương, thành phố đánh giá cao. Ðến nay, cơ bản các xã đã quy hoạch xong về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Huyện ủy, HÐND, UBND đã có nghị quyết, đề án, và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân có đất thu hồi để thực hiện các dự án. Hằng năm đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động với kinh phí hàng tỷ đồng. Riêng năm 2010 và 2011 đã đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động.

Phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, đi vào thực chất. Ðến nay đã có 87,6% số gia đình đạt danh hiệu văn hóa và 69 trong số 76 làng, khu phố, cụm dân cư có nhà văn hóa. Hằng năm huyện tổ chức phát động phong trào thi đua, tổ chức ký giao ước thi đua theo từng chuyên đề, lồng ghép với phong trào người tốt, việc tốt, coi trọng các mô hình tiên tiến, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác thi đua khen thưởng. Mỗi năm, huyện khen thưởng đột xuất từ 110 đến 130 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng nông thôn mới...

Qua kết quả các mặt hoạt động của huyện đã rút ra một số kinh nghiệm: Ðó là tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong toàn Ðảng, toàn dân. Ðội ngũ cán bộ vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân tận tình được nhân dân tin mến. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp, các ngành vận dụng có hiệu quả và tạo được sức lan tỏa lớn, là động lực thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Huyện ủy đã chủ động, sáng tạo trong công việc, đổi mới phong cách, phương pháp làm việc; hằng năm chọn khâu đột phá phù hợp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị.

Với những thành tựu đạt được, huyện và ba xã: Tân Hội, Tân Lập, Song Phượng được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bốn liệt sĩ: Phan Xích, Lê Thao, Hoàng Thị Lê, Hoàng Hữu Chuyên được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; huyện được tặng Huân chương Ðộc lập hạng ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ và TP Hà Nội. Xã Ðan Phượng được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới".

Phát huy truyền thống anh hùng, Ðan Phượng quyết tâm xây dựng huyện trở thành huyện giàu mạnh, văn minh cùng toàn dân tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.
 

TRẦN HẢO      
 Nguồn:nhandan.com.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập325
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại832,040
  • Tổng lượt truy cập92,005,769
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây