Học tập đạo đức HCM

Cam, bưởi đối mặt nguy cơ phải “giải cứu”

Thứ bảy - 07/04/2018 10:47
Đó là thông tin được nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp cảnh báo khi 2 năm gần đây, diện tích trồng cây có múi được mở rộng. Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho biết, thời gian gần đây, cây ăn quả có múi tăng trưởng khá cao.

Điển hình như, năm 2017, diện tích các cây ăn quả có múi tăng lên đến 22.000ha so với năm 2016. Trước sự phát triển rầm rộ của cây ăn quả có múi, đáp lại câu hỏi Bộ NNPTNT có đưa ra quy hoạch với loại cây này không, ông Cường khẳng định: “Theo quy định mới là không có quy hoạch và tới đây cũng sẽ không có, đặc biệt là với những loại cây diện tích trồng không ở phổ rộng như cây có múi”.

Giá cam, bưởi “lao dốc”

Tại một số tỉnh như Nghệ An, Tuyên Quang, Hà Giang, Hưng Yên, Hòa Bình…, sau một thời gian tăng trưởng “nóng”, nguy cơ “cung vượt quá cầu” đã bắt đầu tác động đến người làm vườn khi giá thu mua các loại quả có múi năm sau giảm sâu so với năm trước. Tại thời điểm này, cam sành được các tiểu thương chở sọt bán rong với giá chỉ 10-15 nghìn đồng/kg. Còn cam ngon bán tại các sạp hoặc bán trên mạng xã hội chỉ 20-25 nghìn đồng/kg.

Anh Nguyễn Tuấn Anh - tiểu thương tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Chưa năm nào cam sành lại có giá rẻ như năm nay bởi sản lượng cao. Thời điểm cam rộ, giá cắt tại vườn chỉ từ 10 nghìn đồng/kg loại ngon; 5-6 nghìn đồng/kg loại 2.

Qua tìm hiểu của PV, chủ 1 vườn cam tại xã Tân Thành (Hàm Yên, Tuyên Quang), cho biết: Hiện tại, cam sành đã cuối vụ, số lượng không còn nhiều nên giá đã tăng thêm chút đỉnh. Giá cam loại 1 được thương lái thu mua từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; còn thời điểm nhu cầu tăng mạnh như dịp trước Tết Mậu Tuất, cam sành chỉ có giá từ 8 - 10 nghìn đồng/kg, bằng 2/3 so với cùng thời điểm năm 2017.

Tại Hàm Yên (Tuyên Quang), do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cam sành phát triển khá ổn định, năng suất cao, quả ngon ngọt, đẹp mã nên giá khá ổn định. Bà Tạ thị Thu - Giám đốc Trung tâm giống cây ăn quả Hàm Yên (Tuyên Quang)- cho biết: Vì đã hết mùa nên giá cam Hàm Yên đã tăng lên 20 đồng/kg (cắt tại cành), cam mót quả nhỏ, vẹo cũng có giá 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu mở rộng thêm diện tích, vỡ quy hoạch thì giá cam Hàm Yên cũng không tránh khỏi hệ lụy bị giảm giá. Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), giống cam V2 thu mua tại vườn cũng bị giảm giá 5-7.000 đồng với vụ cam năm 2017.

Nhà nhà đua nhau trồng cam, bưởi, quýt

Theo Cục Trồng trọt, hiện đáng lo ngại nhất là tại nhiều địa phương, bà con ồ ạt mở rộng diện tích thay vì xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Trong khi hầu như tại các tỉnh trồng cam phía Bắc, người dân đều tự ý mở rộng diện tích trồng cây có múi, thì thị trường năm 2018 dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi, diện tích trồng cây có múi được mở rộng ồ ạt, nhưng chủ yếu được tiêu thụ theo hình thức bán quả tươi ở các thị trường lớn như Hà Nội và các tỉnh phía nam, rất ít nhà máy sản xuất, chế biến. Đơn cử như tại Tuyên Quang, chỉ có 1 nhà máy chế biến, còn lại 70% quả tươi phải tiêu thụ tại Hà Nội hoặc một số tỉnh phía Nam.

Bà Tạ Thị Thu - Giám đốc Trung tâm giống cây ăn quả Hàm Yên - nhấn mạnh: Mặc dù địa phương đã cảnh báo, nhưng do lợi nhuận cây cam mang lại khá cao, công chăm sóc cũng không quá khó. Do vậy, người dân bất chấp thị trường, đầu tư mở rộng quy mô trồng trọt.

“Không riêng gì Hàm Yên, mà từ miền Trung trở ra, hầu như địa phương nào cũng phá vỡ quy hoạch trồng cam. Trong đó, các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Giang, Yên Bái… đều đua nhau trồng, bất chấp cảnh báo của cán bộ nông nghiệp. Điều này rất nguy hiểm bởi nếu không đón bắt tín hiệu thị trường, nguy cơ ứ thừa là rất lớn” - bà Thu nhấn mạnh.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, đề án phát triển cam sành tại Tuyên Quang đến năm 2020 chỉ có 5.255ha, nhưng hiện diện tích trồng cam đã lên tới 7.730ha, trong đó 4.300ha đang cho thu hoạch. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện mới chỉ có 216,3ha cam (sản lượng 3.893,4 tấn), 5ha bưởi (sản lượng 330 tấn) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự báo, diện tích cam sành cho thu hoạch tăng lên, giá bán loại quả này sẽ còn giảm mạnh.

Tại Lục Ngạn (Bắc Giang), vì những mùa vụ trước, cam V2 được giá nên nhiều hộ dân đã phá bỏ vải thiều chuyển sang trồng loại cam. Ước tính, trong 3 năm trở lại đây, riêng xã Tân Mộc đã có khoảng 200 - 300ha được chuyển sang trồng cam V2. Còn tại Hòa Bình, theo ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh - mặc dù diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh đang ở mức 5.000 ha, chưa đạt ngưỡng quy hoạch diện tích trồng cam đến năm 2020 là 9.000 ha, nhưng nếu không kiểm soát, để người dân tăng diện tích một cách ồ ạt, cảm tính, không theo quy luật cung cầu thì nguy cơ thừa ứ cam là khó tránh khỏi.

Cục Trồng trọt...”bó tay”!

Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt - cho rằng: Hiện nay, nông nghiệp đã sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bộ NNPTNT không được phép yêu cầu địa phương hay người nông dân không được trồng cây này, cây kia mà chỉ ra văn bản khuyến cáo địa phương, nông dân sản xuất như thế nào cho hợp lý.

Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi Sở NNPTNT các tỉnh về đảm bảo phát triển các loại cây trồng, khuyến cáo địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng “được mùa mất giá” khiến thị trường phải tham gia “giải cứu” nông sản.

Giải cứu nông sản hay “giải cứu tư duy”?

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có quy hoạch, trong đó có tính đến yếu tố cung cầu và thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện quy hoạch không dễ. Nguyên nhân là bởi số lượng hộ nông dân tham gia sản xuất nhỏ lẻ quá lớn khiến việc điều tiết thị trường gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, vai trò định hướng sản xuất của chính quyền các địa phương là rất quan trọng.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) - chỉ ra rằng, cùng với bài toán quy hoạch và liên kết trong sản xuất, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp cần được tính tới.

Theo Lao động

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập342
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại831,328
  • Tổng lượt truy cập92,005,057
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây