Học tập đạo đức HCM

Quản lý trì trệ, lúa gạo khó “ngon”

Thứ sáu - 06/04/2018 11:48
Điểm yếu thể chế lớn nhất trong ngành gạo Việt Nam chính là sự trì trệ, kém hiệu quả đến mức cản trở sự phát triển ngành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Ngành sản xuất và kinh doanh lúa gạo Việt Nam đang cần có một tổ chức hội nghề nghiệp đúng nghĩa để khắc phục các vấn đề này.

Theo đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đề xuất hiệp hội mới phải bảo vệ quyền lợi của hội viên chủ yếu trên thị trường quốc tế; dẫn dắt/định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo đúng mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cấp thiết cải tổ VFA

Báo cáo “Đánh giá vai trò của VFA đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ hiệp hội” của VEPR và Liên minh Nông nghiệp Việt Nam công bố mới đây nêu rõ: Mặc dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhưng không bao phủ tới nông dân, thương nhân, trung gian mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo.

Theo phân tích từ nhóm nghiên cứu, việc ra đời VFA ngay từ đầu đã không phản ánh đúng nguyên tắc căn bản là dựa trên sự tự nguyện vì mục đích hoạt động của các thành viên, mà dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của Chính phủ để quản lý ngành gạo.

Ông Trần Dương, công ty CP Đầu tư – Nghiên cứu và XK gạo thơm ITA – RICE, nêu vấn đề: vai trò của VFA ở đâu khi bao năm qua, Việt Nam tự hào XK gạo nhiều nhất thế giới nhưng lại vắng bóng các thương hiệu gạo ở thị trường nước ngoài. Nhiều đơn hàng XK gạo bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

“VFA liệu có tìm hiểu hay giám sát xem số gạo này đi đâu, sử dụng làm gì hay quay lại bán ở thị trường trong nước để người tiêu dùng trong nước phải tiêu thụ gạo kém chất lượng”, ông Dương nói. 

Theo bà Dương Thanh Thảo, sáng lập Diễn đàn Lúa gạo Việt Nam, thông tin về thị trường XK gạo mà VFA gửi xuống DN bao giờ cũng chậm. Chính vì vậy, nông dân cũng như DN không theo kịp thị trường, dẫn đến trong thời gian qua xảy ra tình trạng lúa rớt giá, thương lái bỏ chạy. 

Theo phản ánh của một DN tư nhân kinh doanh XK gạo tại Cần Thơ, trước đây, 70-80% thành viên Ban chấp hành VFA là các DN nhà nước, các DN này luôn tìm cách kìm hãm sự phát triển của khu vực thương mại. Hiện nay, trong bối cảnh các DN dần chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, tỷ trọng DN ngoài nhà nước trong cơ cấu hội viên gia tăng mạnh mẽ đòi hỏi VFA phải có những thay đổi đáng kể trong tư duy quản lý, điều hành và hoạt động để có thể đáp ứng yêu cầu của hội viên. 

Tuy nhiên, sắp tới, VFA sẽ phải cải tổ theo hướng nào Thực tế, trả lời báo chí về cải tổ VFA, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), còn loay hoay cho rằng mặt hàng lương thực ảnh hưởng đến vấn đề an ninh nên việc đánh giá vai trò của VFA cần phải có nghiên cứu cụ thể và báo cáo riêng.

Chuyên gia khuyến nghị chấm dứt “luật bất thành văn” về chỉ định Vinafood I và Vinafood II làm đầu mối thực hiện hợp đồng tập trung xuất khẩu gạo

Phải xóa độc quyền 

Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, Ts. Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho rằng trước mắt, VFA nên giới hạn tên gọi trong phạm vi DN XK nên đổi tên là “Hiệp hội XK gạo Việt Nam” thay vì tên gọi chung cho ngành lương thực. 

Theo đó, hiệp hội cần xác định rõ vai trò hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của hội viên chủ yếu trên thị trường quốc tế; dẫn dắt/định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo đúng mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Đồng thời cung cấp các dịch vụ công xuất phát từ nhu cầu của khối DN XK, ví dụ như nhu cầu lớn nhất hiện nay là thông tin thị trường và cảnh báo sớm các rủi ro cung – cầu, giá cả. 

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, VFA cần thẳng thắn nhìn nhận những thất bại trong vận hành thực tế và xác định rõ các thách thức tạo ra bởi bối cảnh mới, cán cân quyền lực mới về chủ quan lẫn khách quan, qua đó “phá băng”, khôi phục từng bước niềm tin, xóa bỏ tâm lý bè phái trong nội bộ VFA. 

Để hiệu quả, cải tổ VFA, cần học tập mô hình từ Campuchia và Thái Lan. Ông Thành cho biết: ở Campuchia, Liên đoàn Gạo (CRF) đặt ra tầm nhìn là đưa mặt hàng gạo Campuchia trở thành một mặt hàng XK có chất lượng cạnh tranh nhất trên thế giới. 

Nhiệm vụ của CRF là nỗ lực để cải thiện sản lượng và kỹ thuật xay xát gạo, giảm các chi phí trong quá trình XK, giám sát nền sản xuất gạo trong các khung giá trị về chuẩn mực đạo đức, uy tín, chất lượng và sự bền vững của thương hiệu gạo Campuchia. 

Theo đó, thời gian gần đây, XK gạo Campuchia đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Hàng năm, ngành gạo Campuchia tổ chức hội nghị với sự tham gia đông đảo của tất cả các tác nhân trong ngành gạo, là một sự kiện có tính lan tỏa mạnh trong toàn ngành. 

Hay học tập kinh nghiệm từ Thái Lan, Bộ Công Thương Việt Nam nên đảm nhiệm vai trò tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi: đàm phán các vấn đề mang tầm quốc tế như các thỏa thuận kinh tế chính phủ song phương, đa phương; hài hòa hóa và thuận lợi hóa các thủ tục hải quan, giao nhận và thanh toán cho DN XK; tổ chức các hoạt động ở tầm quốc gia về chiến lược xúc tiến – phát triển thị trường nội.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế triệt để Nghị định 109, qua đó xóa bỏ các đặc quyền mà VFA đang được trao theo Nghị định 109 bao gồm: vấn đề hợp đồng tập trung, giá sàn và đăng ký hợp đồng XK. Trong đó, Chính phủ cần mạnh tay xóa bỏ cơ chế giá sàn và cơ chế đăng ký hợp đồng XK. 

Chính phủ chỉ cân nhắc tham gia trực tiếp vào thị trường tập trung khi có yêu cầu từ phía đối tác. Chấm dứt “luật bất thành văn” về chỉ định Vinafood I và Vinafood II làm đầu mối thực hiện hợp đồng tập trung; đồng thời, xử lý nghiêm khắc các trường hợp ghi nhận Vinafood II chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thương nhân đầu mối. 

Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội. Phân vai rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội, đảm bảo nguyên tắc Chính phủ chủ động thiết kế thể chế tốt, không làm thay thị trường và siết chặt kỷ cương. 

Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn 

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Việc cải tổ VFA ở đây phải xem lại hiệp hội này có còn độc quyền không? Giờ VFA không còn cơ hội phân quota nữa, vì thế VFA chỉ còn độc quyền phân quota trong trường hợp XK gạo vào các thị trường tập trung và trên cơ sở hiệp định giữa Việt Nam với các nước nhập khẩu. Mặc dù vậy, việc cải tổ VFA vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp. 


Ông Nguyễn Đình Bích - Chuyên gia nông nghiệp

Trong giai đoạn hiện nay, các trang trại phải chinh phục bàn ăn, tức là người nông dân và DN phải sản xuất mặt hàng thị trường đòi hỏi, chứ không phải là “trồng gì bán nấy”. Chính vì vậy, cải tổ VFA sẽ phải đi kèm cải tổ hàng loạt cách thức hoạt động, quy chế, quy định, mục đích, tiêu chí… đi kèm. 

Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR 

Quy định các DN phải có dấu đỏ của VFA trước khi XK gạo cần phải được bỏ. Nếu không, VFA sẽ trở thành một cơ quan hành chính nhà nước thực sự bởi nếu không có dấu đỏ của VFA, dù DN có đáp ứng đủ những điều kiện về hải quan hay Bộ Công Thương thì cũng không thể XK được. Chính sách này trước đây được đưa ra là do VFA vận động để đưa vào vai trò của mình, tạo ra một điều kiện kinh doanh và cũng rất phiền hà cho các DN. 
 

 

 Tags: việt nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập723
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại742,688
  • Tổng lượt truy cập93,120,352
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây