Theo đó, trong các năm qua, TP.Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn, số lượng dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tại Cần Thơ chủ yếu là nhà đầu tư trong nước với quy mô tương đối nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của Thành phố.

Từ khi Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực (ngày 10/2/2014) đến nay, TP.Cần Thơ mới hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện được 1 dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm và 4 dự án đầu tư cơ sở sấy lúa và chế biến, bảo quản nông sản với tổng vốn đầu tư là trên 418 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, việc áp dụng các quy định trong Nghị định 210 để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, điều 19, Nghị định 210, căn cứ vào sản phẩm đặc thù và nguồn lực hiện có tại địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, nhưng TP.Cần Thơ và nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong xác định sản phẩm đặc thù, đồng thời dự án cũng chưa được xác lập, tổng mức đầu tư do các doanh nghiệp tự đề xuất, khó xác định định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án. Do vậy, Trung ương cần sửa đổi, bổ sung quy định hỗ trợ cho sát thực tế và có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với quy định về sản phẩm đặc thù.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn TP.Cần Thơ, Nhà nước cần kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn. Đồng thời, có các hỗ trợ cần thiết cho nhà đầu tư, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, vốn, kết nối với nông dân và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), trong quá trình doanh nghiệp liên kết với nông dân để xây dựng các “cánh đồng lớn” sản xuất gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp ở Cần Thơ rất cần một nguồn vốn rất lớn để bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ nông dân mua vật tư nông nghiệp, cũng như đầu tư xây lò sấy và các dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại. Do vậy, doanh nghiệp rất mong nhà nước có các cơ chế chính sách ưu đãi hơn về vốn và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận các chính sách ưu đãi để mở rộng và phát triển bền vững các mô hình liên kết sản xuất với nông dân.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn TP.Cần Thơ. Trong đó, hình thức đầu tư liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã được nhiều địa phương thực hiện, vấn đề là cần tiếp tục có chính sách để hài hòa lợi ích các bên liên quan để cùng nhau phát triển bền vững. Đối với hình thức doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo kiểu tự tích tụ đất đai (doanh nghiệp thuê đất của nhà nước, thuê đất của nông dân...) là rất khả thi và triển vọng, tuy nhiên Nhà nước cũng cần xem xét để có những quy định chặt chẽ hơn nữa./..

 

NS

http://dangcongsan.vn