Vườn rau sạch của chị Xứng
Chị Xứng quê ở Hải Dương, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị đã phải rời quê hương vào miền Nam mưu sinh từ năm 1997. Ở đất miền Nam hai mươi năm, chị Xứng đã trải qua nhiều nghề, nhiều việc để mưu sinh. Trải qua hơn mười năm làm nhân viên tư vấn ở công ty bảo hiểm, đến năm 2013 chị nghỉ việc ở đây và xin làm nhân viên tiếp thị cho một công ty phân bón.
Trong thời gian làm việc ở công ty phân bón, chị Xứng được theo học những lớp huấn luyện về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do công ty tổ chức. Nhờ được trang bị kiến thức từ các lớp học và trải qua quá trình thực tiễn trong công việc tiếp thị phân bón, chị nhận thấy đa số bà con nông dân không có kiến thức. Tình trạng sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trong trồng trọt một cách bừa bãi dẫn đến nguồn đất bị ô nhiễm, chất lượng sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế không cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trước thực trạng như vậy, chị Xứng đã cố gắng tìm hiểu cách trồng rau sạch để cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường.
Từ ý tưởng chị đã quyết tâm biến thành hiện thực. Năm 2016, chị xin thôi việc ở công ty phân bón và mướn 2000m2 đất ở khu phố Tân Phú 1, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, để trồng rau sạch.
Vườn rau của chị Xứng kiên quyết tuân thủ các các loại “không”: không dùng phân hoá học, không chất bảo quản, không biến đổi gen, không thuốc diệt cỏ, không thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các công đoạn như bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân gia súc… đều dùng phương pháp thủ công. Chị trực tiếp làm và mướn thêm nhân công phụ giúp. Số tiền tiết kiệm trong quá trình làm việc nhiều năm cộng với vay mượn thêm, chị đã sử dụng để mướn đất, xây nhà kính, hệ thống tưới nước tự động…
Chị cho biết, lúc mới khởi nghiệp trồng rau, khó khăn nhất là do chưa có quen biết mối lái nên không có đầu ra tiêu thụ như các cơ sở sản xuất rau lâu năm. Nhưng trong cái khó lại có cái may là vào thời điểm giữa năm 2016 do thời tiết mưa nhiều làm cho các vườn rau trồng tự nhiên ngoài trời bị hư hại nặng, vườn rau của chị Xứng do trồng trong nhà kính nên vẫn tươi tốt, vì vậy các mối lái đã tìm đến để mua. Sản phẩm của chị bắt đầu được đưa ra thị trường đều đặn hơn.
Rau được trồng trong nhà lưới, tránh bị sâu bọ, thời tiết làm thiệt hại
Hiện tại nhiều lúc chị không đủ rau để cung cấp cho bạn hàng. Rau chị Xứng được người tiêu dùng ưa chuộng vì có mùi vị thơm, ngon do không sử dụng phân bón hóa học. Thậm chí, nhà bếp của một số bệnh viện, trường học, quán ăn đặt mua hàng ngày.
Hiện tại diện tích vườn rau của chị đã lên đến 4.500m2. Chị cho biết mỗi ngày cung cấp khoảng 200kg rau, giá ổn định là 20.000 đồng/kg, như vậy một ngày thu nhập 4 triệu đồng, một tháng doanh thu là 120 triệu đồng, trừ chi phí mướn nhân công chăm sóc, phân bón, điện nước… lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.Vốn đầu tư ban đầu là 1,2 tỷ đồng. Chị cho biết, với đà thuận lợi như thế này thì chỉ sau 2 năm, đến 2018, chị sẽ thu hồi vốn.
Chị Lưu Thị Xứng cho biết việc trồng rau sạch có kết quả tốt đòi hỏi người trồng phải có kiến thức, có tâm huyết và quan tâm đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Mô hình trồng rau sạch của chị được nhiều bà con trong địa phương noi theo và hiện giờ đã dần dần hình thành một “trung tâm trồng rau sạch” ở Dĩ An, Bình Dương.
Theo: Văn Thức/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;