Với nhiều "vai" trong chi bộ, xã đoàn, hội phụ nữ xã, hội nông dân xã, đảng viên Trần Kim Hương (xã An Phú, huyện Củ Chi) luôn gương mẫu tích cực tham gia phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên, thanh niên giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chị Hương đã mạnh dạn mở mô hình chăn nuôi kết hợp heo và bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó và nắm vững kỹ thuật, đến nay, chị đã có 20 heo nái, 200 heo thịt và 15 con bò. Mỗi năm, mô hình của chị đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí thì thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Ngoài làm lợi cho gia đình, chị Hương còn hỗ trợ hội viên nữ con giống, tư vấn kỹ thuật cho bà con nông dân, tham gia vận động nhân dân trong xã chăn nuôi theo tiêu chuẩn sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở sản xuất bánh tráng của chị Lê Thị Mỹ Nữ (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) xuất phát từ ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp từ năm 2016. Ðến nay sau hơn một năm hoạt động, cơ sở sản xuất của chị đã có diện tích sản xuất 6.000 m2. Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị chuyên phân phối sản phẩm tại chợ Hóc Môn và các tiểu thương bán lẻ. Hằng năm, chị đạt doanh thu khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận là 360 triệu đồng. Hay trường hợp chị Ðặng Thị Thanh Thủy (phường Long Bình, quận 9) đã thành công trên diện tích vườn lan khoảng 7.000 m2. Chị Thủy cho biết, với mức thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm và đã góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, tạo việc làm cho mười lao động nữ tại địa phương. "Ðây là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng, cố gắng vượt qua khó khăn. Khi cơ sở sản xuất gạch của gia đình phải ngừng hoạt động do vấn đề ô nhiễm môi trường, tôi đã quyết định chuyển đổi sang mô hình trồng hoa lan phù hợp hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Năm đầu vay vốn, tôi không đầu tư trồng ngay mà thử mua lan rồi mang đi bán, vậy mà thu được lợi nhuận 150 triệu đồng. Ðiều này đã tiếp thêm động lực để tôi mạnh dạn lập vườn, đầu tư trồng lan một cách bài bản", chị Thủy chia sẻ niềm vui. Và cũng không thể không nhắc đến chị Lê Thị Kim Yến (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) chỉ khởi nghiệp với năm con bò thịt từ nguồn vốn vay. Tích cóp để chăm sóc thuốc men, tận dụng đất trống để trồng cỏ cùng với niềm say mê lao động, đến nay đàn bò của chị đã tăng lên 19 con. Chị kể: "Trong năm đầu chăn nuôi, tôi đã thu lãi được 15 triệu đồng/con. Hiện nay, mỗi năm tôi bán được khoảng từ một đến hai con bò thịt tùy lứa, giá mỗi con bò bán ra là 25 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/con. Riêng bê cái, tôi để lại chăm sóc với mục đích nhân đàn". Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết, từ các nhân tố mới, nhất là các nữ nông dân tiêu biểu, Hội sẽ căn cứ vào "nguồn" đó để tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy Hội Nông dân các cấp, chuẩn bị cho công tác Ðại hội Hội Nông dân. Các nhân tố nữ này, ngoài góp phần vun bồi tình làng, nghĩa xóm ở các vùng nông thôn mà còn là hạt nhân trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
|
MINH HẠNH/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;