Học tập đạo đức HCM

Chính phủ, doanh nghiệp cùng liêm chính

Chủ nhật - 29/01/2017 00:08

Chính phủ, doanh nghiệp cùng liêm chính

Chính phủ nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp đi bằng chính đôi chân của mình, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ...

chinh phu doanh nghiep cung liem chinh

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

2016 là một năm đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với nguồn cảm hứng từ hàng loạt thông điệp, chính sách và hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Chính phủ.

“Khi nỗ lực để xây dựng một Chính phủ liêm chính và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh liêm chính, đi bằng chính đôi chân của mình”, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ trước thềm xuân mới.

“Cởi trói” tối đa

Một điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2016 là sự phát triển bùng nổ về số lượng doanh nghiệp. Theo ông, điều gì tạo ra sự bùng nổ này?

Văn kiện Đại hội Đảng 12 lần đầu tiên chính thức xác định khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân của Đảng bao hàm trong đó có cả việc tiếp tục khẳng định quan điểm của các kỳ Đại hội trước.

Đồng thời, có những nội dung phát triển mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng, tạo những đột phá mới về môi trường đầu tư kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng.

Quốc hội cũng đã thông qua hàng loạt luật như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)... và những dự luật này bắt đầu tạo ra hiệu ứng tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ để vực dậy khu vực kinh tế này. Chính phủ xác định rất rõ quan điểm trong chỉ đạo, điều hành là phải quyết tâm ngay từ đầu mới có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng kinh tế 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng 12. Muốn vậy, một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chúng ta cũng biết là ít ngày sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập hội nghị doanh nghiệp, với sự tham gia của 4 phó thủ tướng, 17 bộ trưởng, trưởng ngành và đông đảo doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế.

Sau hội nghị này, lần đầu tiên Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng cho doanh nghiệp là Nghị quyết 35, tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ mang tính đột phá về cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh...

Đồng thời với Nghị quyết 35, Chính phủ tiếp tục bổ sung lần thứ hai nội dung Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với Chính phủ, 63/63 địa phương của cả nước đều tuyên bố cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, một số địa phương điển hình như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp... tạo được sự chuyển biến rất tích cực tới sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn.

Chuyển động đồng tốc

Chính phủ quyết tâm làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng quyết tâm này không thể từ một phía bởi có không ít doanh nghiệp sẵn sàng “đi đêm” để đổi lại là quyền lực, là lợi ích nhóm làm méo mó môi trường này, thưa ông?

Đúng là như vậy.

Tôi cũng đã phải nghe rất nhiều ý kiến từ chính doanh nghiệp than phiền về tình trạng một bộ phận doanh nghiệp thay vì làm ăn chân chính lại chạy theo quan hệ thân hữu để mưu cầu lợi ích, không chỉ làm môi trường kinh doanh kém trong sạch mà còn làm nản lòng những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vì vậy, khi nỗ lực để xây dựng một Chính phủ liêm chính và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh liêm chính, đi bằng chính đôi chân của mình.

Không chỉ các doanh nghiệp mà các bộ, ngành, địa phương cũng phải gắng sức chuyển động đồng tốc cùng Chính phủ?

Những quan điểm và giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong các nghị quyết 19 và 35 có thể ảnh hưởng tới quyền lợi và lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, nên nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nói chung.

Lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy ngại khó, ngại khổ.

Phải biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ để hướng tới liên kết chặt chẽ giữa các ngành, vùng hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ, chia cắt.

chinh phu doanh nghiep cung liem chinh

Ảnh minh họa

Để tiếp tục thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới danh mục các luật, pháp lệnh cần ban hành hoặc bổ sung sửa đổi để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Xử lý thua lỗ

Một điểm nhấn nữa rất đáng chú ý, là 2016 cũng là năm Chính phủ thể hiện thái độ cứng rắn nhất từ trước đến nay trong xử lý các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ... Thông điệp từ động thái này là gì, thưa ông?

Chính phủ quyết tâm xử lý dứt điểm các tồn tại trong doanh nghiệp Nhà nước để việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đạt được hiệu quả thực chất. Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước phải được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác.

Hiện, Thủ tướng đã quyết định thành lập ban chỉ đạo của Chính phủ giúp Chính phủ, Thủ tướng xử lý những yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành công thương. Tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này.

Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng đã nêu rất rõ: “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.

Còn để chậm trễ trong xử lý là còn chưa thực thi tốt trách nhiệm với việc sử dụng hiệu quả tiền thuế của nhân dân, sự phát triển của đất nước.

Cùng “nằm gai nếm mật”

Năm 2017 dự báo thiên tai sẽ vẫn diễn biến phức tạp, thêm vào đó nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn chế, tình hình quốc tế khó lường…, Chính phủ sẽ làm thế nào để dẫn dắt nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu quan trọng cũng như duy trì được sức phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Tôi có niềm tin rằng, khi Chính phủ và các địa phương nỗ lực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế, thì thách thức nào cũng có thể vượt qua.

Như trong năm 2016, tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ phải chịu những tháng ngày khốc liệt vì hạn hán và xâm nhập mặn sâu, nhưng kinh tế ở các địa phương này vẫn phát triển sôi động với liên tục các nhà máy được khởi công, đi vào hoạt động và có hiệu quả khi lãnh đạo các địa phương đều xác định trách nhiệm của mình là phải “nằm gai nếm mật” cùng doanh nghiệp.

Chỉ đạo, nghị quyết của Chính phủ dù hay đến đâu cũng chỉ là trên giấy, nếu lãnh đạo địa phương không tích cực vào cuộc.

Năm 2017, các cấp, ngành phải thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 19 và 35 ngay từ những ngày đầu năm mới. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, quán triệt đến cấp quận, huyện, phường, xã, chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả.

Lực cản là từ nhận thức

Vẫn câu chuyện thiên tai, đây cũng đang là mối đe dọa lớn chưa từng có trong nhiều năm qua. Vì thế, đã có nhiều chuyên gia cho rằng nhiệm kỳ này, GDP rồi cũng sẽ tiếp tục hụt đích như nhiệm kỳ trước. Xin cho biết ý kiến của ông?

Như tôi vừa nói, Chính phủ luôn có một quyết tâm là đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm theo mục tiêu đã đề ra dù dư địa giúp chúng ta đạt được mục tiêu này là rất ngặt nghèo.

Với bản lĩnh mới, cách làm mới, tư duy mới, Chính phủ chắc chắn sẽ vững vàng vượt qua thách thức, củng cố được niềm tin cho người dân về một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Gần hai thập kỷ trước, vào thời kỳ những năm 1997-1998, Việt Nam cũng trải qua đợt El Nino mạnh kỷ lục gây ra hạn hán nghiêm trọng. Thời kỳ 1997-1998 còn là thời kỳ khủng hoảng kinh tế bao trùm châu Á và cả Việt Nam.

Trong bối cảnh phải chịu thách thức kép như vậy, GDP cả giai đoạn 1996-2000 vẫn đạt được mức tăng bình quân 7,6%/năm. Vì vậy, những thách thức đến từ thiên tai hiện nay, không phải là lực cản quá lớn đối với đất nước.

Vậy đâu mới thực sự là lực cản, thưa ông?

Khi chúng ta theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước, thì lực cản chính là từ nhận thức của chúng ta đối với việc vận dụng thành công thể chế kinh tế thị trường vào nền kinh tế đất nước.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ở 5 lĩnh vực trọng tâm (cơ cấu lại khối doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại, cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với đảm bảo bền vững nợ công và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập - PV) là quá trình phức tạp, đầy khó khăn nhưng cấp bách và phải được triển khai quyết liệt.

Từ các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế cho thấy, chỉ có thực hiện quyết liệt mới đảm bảo việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 như đã đề ra.

Theo VnEconomy

 


 
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập135
  • Hôm nay11,489
  • Tháng hiện tại420,981
  • Tổng lượt truy cập90,484,374
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây