Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Kinh tế đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng với hàng loạt Hiệp định thương mại đã, đang và sẽ được ký kết. Điều này mở ra thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… để phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp; tiếp tục đồng hành với DN trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các DN cũng cần phát huy sáng tạo, chủ động tìm ra hướng đi để phát triển. T.N (ghi) |
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, thời gian qua đã có nhiều “đại gia” đầu tư thành công vào lĩnh vực nông nghiệp và hiện nhiều DN, tập đoàn lớn cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị về tăng cường đầu tư của DN vào nông nghiệp diễn ra hôm 28-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận: Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế. Tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, năm 2014 chỉ chiếm 1,01% trong tổng số DN của cả nước, đa phần là quy mô vốn nhỏ.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, qua tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các DN cho thấy, đến nay, đất đai vẫn là cản trở lớn nhất đối với các DN khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khi chưa có chính sách tạo quỹ đất.
Bên cạnh đó, tín dụng cũng là yếu tố khiến DN “đau đầu”. Đại diện một số DN cho biết, nhiều DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Các DN đề nghị hình thành Quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho DN đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép sử dụng chuồng trại chăn nuôi, nhà kính làm tài sản thế chấp khi vay vốn.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết: Năm 2015, Tập đoàn bắt đầu quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Lĩnh vực DN lựa chọn đầu tư là thức ăn chăn nuôi bởi hiện nay đây là “mảnh đất” màu mỡ chủ yếu rơi vào tay các DN FDI. Tuy nhiên, theo ông Dương hiện nhiều chính sách ưu đãi cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai đã thông suốt từ chủ trương của Chính phủ nhưng khi triển khai xuống các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương lại chưa rõ ràng. Các Nghị định, Thông tư áp dụng còn vướng mắc, thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho DN.
Ngoài đất đai, có khá nhiều vướng mắc tập trung ở vấn đề thuế GTGT hay công tác xúc tiến thương mại… Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang chia sẻ, DN đang rất muốn đẩy mạnh đầu tư, xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia, trước tiên thông qua việc bán gạo chất lượng tốt, bao gói đẹp, cạnh tranh với gạo Thái Lan ngay trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, DN đang chật vật do không cạnh tranh nổi với giá bán gạo của các thương lái buôn bán tự do. Đó là bởi, DN bán gạo phải nộp thuế GTGT 5% trong khi những người buôn bán nhỏ thì không. Ông Thòn đề xuất, nếu không thể áp dụng chính sách cùng thu thuế, Nhà nước cần xem xét đưa thuế suất GTGT trở về 0% để đảm bảo sự công bằng. Theo ông Thòn, ngoài vấn đề thuế GTGT, nếu muốn kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, nên giảm thuế Thu nhập DN bằng một nửa DN đầu tư vào các lĩnh vực khác bởi đầu tư nông nghiệp chu kỳ dài, nhiều rủi ro.
Chính sách cần ổn định lâu dài
Theo đại diện của một số DN, các chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên để thực sự hút được DN tham gia, nhất là DN nước ngoài, điều quan trọng nhất là các chính sách phải ổn định. “Chính sách cần được cập nhật thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới nhưng không nên đảo lộn vì đầu tư nông nghiệp yêu cầu lâu dài, thậm chí tới 20 năm. DN sợ nhất là sự thay đổi chính sách bởi điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay”, ông Thòn nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam: Muốn DN mặn mà hơn với nông nghiệp, trong khâu tổ chức sản xuất, kinh doanh, DN phải được giữ vai trò nòng cốt, Nhà nước lùi dần ra. Ngoài ra, hiện nay, trong nhiều chương trình khuyến nông, hỗ trợ khoa học công nghệ, thị trường nhằm hình thành chuỗi giá trị, phát triển các ngành hàng nông nghiệp…, các Sở, ban, ngành địa phương cần chi mọi nguồn vốn, triển khai hoạt động hỗ trợ thông qua các Hiệp hội, DN thay vì các tổ chức của nông dân. Bởi, không ai hiểu sâu vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp hơn các DN.
Liên quan đến những khó khăn trong tiếp cận tín dụng mà DN phản ánh, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lý giải: Thời gian qua, có những DN không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, chủ yếu bởi tình hình tài chính của DN yếu kém, không thuyết trình được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ… Do đó, để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, DN cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với ý tưởng kinh doanh khả thi, nâng cao khả năng quản trị dòng tiền…
Về kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép DN sử dụng chuồng trại chăn nuôi, nhà kính để làm tài sản đảm bảo khoản vay, bà Hồng cho biết, hiện nay theo quy định, mọi tài sản của người dân, DN đều được đem ra đảm bảo làm tài sản thế chấp để vay vốn nhưng yêu cầu là tài sản sở hữu của người dân, DN phải gắn trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay chưa có quy định nào rõ ràng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu với tài sản trên đất như chuồng trại chăn nuôi, nhà kính… Do đó, bà Hồng cũng đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận này, tạo thuận lợi cho cả DN và ngân hàng trong quá trình vay vốn.
theo baohaiquan