Vậy chuẩn nghèo đa chiều tác động thế nào tới các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Ông có thể đánh giá khái quát về vai trò của NHCSXH cũng như hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi những năm gần đây?
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Đảng và Nhà nước đã đề ra 2 nhóm giải pháp cơ bản: Nhóm giải pháp về các chính sách và Nhóm giải pháp về các chương trình giảm nghèo.
Trong các giải pháp giảm nghèo có rất nhiều các chính sách liên quan đến tăng khả năng tiếp cận của người nghèo, có thể nêu lên các chính sách cơ bản như: y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ sinh kế cũng như đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ thêm tài chính cho hộ nghèo, trong đó có NHCSXH cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.
Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện các chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 có đánh giá các chính sách tín dụng đối với người nghèo là chính sách hiệu quả nhất và góp phần tạo sự thay đổi rõ nét của hộ nghèo; thông qua vay vốn người nghèo có điều kiện được hỗ trợ sản xuất tốt hơn và nó tạo ra thu nhập và thoát khỏi tình trạng nghèo.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách tăng sự gắn kết được các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Việc tổ chức cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể cũng tạo thêm hoạt động cho các tổ chức này và gắn kết hơn hội viên với tổ chức đoàn thể.
Để tạo sự công bằng hơn trong hoàn thiện chính sách và hướng tới thoát nghèo bền vững, Chính phủ cũng đã từng bước điều chỉnh các chương trình tín dụng phù hợp hơn. Ví dụ, ngoài chính sách cho vay hộ nghèo, Chính phủ ban hành chính sách cho vay hộ cận nghèo và vừa rồi có chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo.
Rõ ràng đây là các chính sách hết sức phù hợp được người dân đón nhận rất tích cực và phấn khởi. Ngoài ra, hiệu quả của tín dụng ưu đãi còn được thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn của hệ thống NHCSXH ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,33% trên tổng dư nợ. Điều này thể hiện nguồn vốn bỏ ra cho vay là thu hồi được.
Việc bóc tách đối tượng nghèo sẽ hiệu quả hơn khi NHCSXH cho vay |
Như vậy, có thể thấy các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai rất hiệu quả. Vừa qua, một số ĐBQH cho rằng nên chuyển dần những chính sách cấp phát cho không sang cho vay, quan điểm của ông về vấn đề này?
Vấn đề này Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo là chuyển dần các chính sách cho không, không gắn điều kiện sang chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện có hoàn trả. Ví dụ, cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo giai đoạn 2, trước đây chương trình này triển khai thì Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng, vay NHCSXH 8 triệu đồng.
Nhưng theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (Quyết định 33) về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) NHCSXH cho vay ưu đãi 25 triệu đồng, ngoài đóng góp của xã hội, gia đình phải thêm nguồn vốn đối ứng nữa để làm nhà.
Các chính sách sau này như hỗ trợ sản xuất sẽ thiết kế theo hướng: Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần về chuyển giao kỹ thuật, đầu tư hạ tầng còn vấn đề áp dụng về mô hình sản xuất thì phải thông qua cho vay lãi suất thấp mới tạo sự công bằng; nếu không chỉ có một đối tượng được hỗ trợ những đối tượng khác không được hỗ trợ và sẽ tạo ý thức ỷ lại, không vươn lên thoát nghèo.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 (Quyết định 59) về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Chính sách này tác động thế nào đối với tỷ lệ hộ nghèo và tín dụng chính sách, thưa ông?
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Có 2 nhóm tiêu chí xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhóm thứ nhất, các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: tiếp cận dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Nhóm thứ hai: Các chỉ số đo lường: gồm 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế…
Như vậy thì xét về nghèo đa chiều thì số hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ tăng lên.
Khi chuẩn nghèo tiếp cận theo đường đa chiều thì có lợi thế phân loại đối tượng rất rõ, rất cụ thể theo mức độ thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các chỉ tiêu cơ bản, và lúc đó, không phải tất cả hộ nghèo đều có nhu cầu hỗ trợ như nhau. Trong chỉ đạo của Chính phủ cũng yêu cầu địa phương phải bóc tách đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội.
Với đối tượng đã hết tuổi lao động, chưa đến tuổi lao động, đối tượng là người tàn tật... thì những đối tượng đó vẫn xác định là hộ nghèo nhưng sẽ lồng chính sách riêng để thực hiện chính sách hỗ trợ xã hội. Còn lại những đối tượng nghèo khác có khả năng lao động thì mới áp dụng chính sách hỗ trợ tạo sinh kế ngoài chính sách an sinh. Ví dụ, như đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, vay vốn tín dụng chính sách để tạo việc làm, tạo ra thu nhập thì mới thoát nghèo được.
Việc bóc tách đối tượng sẽ rất tốt cho NHCSXH trong việc xác định rõ đối tượng nào có khả năng lao động, có đủ điều kiện tham gia sản xuất có thể vay vốn thì ngân hàng thực hiện cho vay.
Cũng có ý kiến ở địa phương cho rằng nên chăng phân chia mức vay theo vùng. Ví dụ, khu vực đồng bằng sông Hồng mức vay khác với khu vực miền núi phía Bắc. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Trước khi bàn đến đề xuất này, chúng ta phải xác định các chương trình cho vay của NHCSXH là tín dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, chứ không phải tín dụng thương mại. Khi tôi đi một số địa phương, điều quan trọng các chương trình tín dụng mà NHCSXH đang thực hiện được các cấp địa phương và hộ vay vốn đánh giá ưu đãi từ phía ngân hàng dành cho họ không chỉ là vấn đề ưu đãi lãi suất mà là tạo khả năng tiếp cận vốn đối với người dân.
Do đó, nếu ở những khu vực như đồng bằng sông Hồng, khả năng sử dụng vốn cao hơn, mong muốn vay nhiều hơn để phục vụ nhu cầu SXKD lớn thì người dân có tiếp cận kênh vay vốn của NHTM.
Trong tổ chức thực hiện, khi triển khai tín dụng ưu đãi tôi chỉ lưu ý tới việc hỗ trợ, phối hợp của các ngành khác, chẳng hạn không nên để tín dụng đi một đằng, chuyển giao kỹ thuật đi một nẻo thì hiệu quả sẽ không cao. Đây là vấn đề mà Chính phủ cũng đang nghĩ, chắc chắn trong thời gian tới khi mà tổ chức thực hiện tín dụng chính sách thì cần phải có một sự gắn kết hơn nữa, có thể thông qua dự án SXKD.
Ví dụ, có Dự án phát triển sản xuất cho một nhóm hộ thì liên quan đến dự án này là phải chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, gắn với cả vốn vay và những hỗ trợ khác tạo ra được hiệu quả. Điều này chắc chắn sau này Bộ LĐTB&XH cũng có những hướng dẫn và sẽ thực hiện theo hướng đó.
Phải xây dựng dự án và chúng ta sẽ phải dồn các nguồn vốn vào chung dự án: có một phần vốn ngân sách, một phần vốn vay và một phần vốn đối ứng để gắn trách nhiệm của hộ vay, có như vậy mới phát huy được hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, công tác giảm nghèo thực sự là bền vững và ý nghĩa.
Xin cảm ơn ông!
Quang Lương
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;