Sau Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI, Thành ủy tiếp tục triển khai sâu rộng Chương trình 02 trong nhiệm kỳ 2016-2020. Trong đó, tập trung nhân rộng những "điểm sáng" trong xây dựng NTM ở nhiều vùng ngoại thành và tháo gỡ khó khăn để chương trình có bước đi vững chắc.
Sản xuất rau an toàn tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Thái Hiền
"Điểm sáng"... ngoài kế hoạch
Sau 5 năm triển khai Chương trình 02, trên địa bàn thành phố đã có 201/386 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài huyện Đan Phượng đã được công nhận huyện NTM, Hà Nội còn có 4 huyện đang làm hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận huyện NTM, gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ. Trong đó, đã xuất hiện nhiều "điểm sáng" về xây dựng NTM. Một trong những điểm sáng ấy là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ.
Theo Chủ tịch UBND xã Hát Môn Nguyễn Đăng Mạc, chủ trương xây dựng NTM của Hát Môn được huyện phê duyệt trong giai đoạn 2015-2020, nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, từ năm 2011 xã đã bắt tay mạnh mẽ vào công tác quy hoạch, xây dựng NTM. Từ khởi điểm thu nhập bình quân đầu người toàn xã chỉ đạt 14,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 5,5%, đến năm 2014 xã đã đạt chuẩn NTM với thu nhập bình quân đạt 29,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3%. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,5%.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, dù xuất phát điểm là một trong ba địa phương khó khăn nhất thành nphố, nhưng đến nay toàn huyện đã có 17/22 xã đạt chuẩn NTM, đủ điều kiện xét đề nghị công nhận huyện NTM. Đây cũng là cơ sở để kinh tế của huyện có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 10%/năm trong năm 2015 và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, hết năm 2014, huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, là một trong 6 huyện dẫn đầu thành phố về xây dựng NTM, mở đường cho việc đưa cơ giới hóa, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác. Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung sản xuất rau an toàn, hoa, rau chịu nhiệt, măng tây, sản xuất lúa hàng hóa, chăn nuôi bò BBB, thịt lợn sạch…
Nguồn lực còn hạn chế
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, song quá trình triển khai Chương trình 02 trên địa bàn còn không ít khó khăn. Đối với sản xuất nông nghiệp, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm do thành phố vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, chủ trang trại vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay, thủ tục vay phức tạp. Tiến độ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn quá chậm, khiến nông dân không thể lấy đất làm tài sản thế chấp vay vốn đầu tư. Việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản còn khó khăn...
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng dẫn chứng: "Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, các tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa là nhóm các tiêu chí đạt ở mức thấp. Nguyên nhân do liên quan đến giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư rất lớn, nguồn lực của địa phương hạn chế, nguồn thu từ đấu giá đất chậm và giá đất thấp". Trong khi đó, ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn lại đưa ra dẫn chứng nhiều chính sách hỗ trợ của thành phố chưa đi vào cuộc sống "Một số chính sách hỗ trợ của thành phố theo Quyết định 16 như chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, nông sản; khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ... ở quy mô lớn nên người dân khó tiếp cận" - ông Cương nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Nhiệm kỳ 2016-2020, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là một trong 8 chương trình công tác trọng tâm của thành phố. Phó Bí thư Thường trực yêu cầu các địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn để đạt thành tích cao trong xây dựng NTM. Trước mắt, cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân sau dồn điền, đổi thửa ngay trong năm 2016. Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phân cấp cho huyện một số nội dung để huyện chủ động hơn trong triển khai xây dựng NTM.
Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Phúc Thọ mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Hà Nội cần nhân rộng những "điểm sáng" về xây dựng NTM để phong trào lan rộng. Dù có đạt chuẩn NTM nhưng các địa phương vẫn cần tiếp tục quan tâm đến sản xuất và phải phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sạch, phải có doanh nghiệp thu mua sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, phổ biến cách làm tốt, hay, dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân...
Theo Nguyễn Mai/hanoimoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;