Lan toả các mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Hơn 2 năm nay, mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Mạnh Thắng (thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thắng cho biết cuối năm 2016, ông quyết định chặt 1 ha keo và bắt tay vào lắp đặt lồng kính, thiết bị phun sương để đầu tư vào trồng rau CNC với tổng mức vốn 2 tỷ đồng. Hiện mô hình của ông đã trải rộng trên diện tích 20.000 m2 với các loại rau như: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo... Mỗi năm, ông Thắng cung ứng cho thị trường hơn 500 tấn rau các loại, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 300 triệu đồng.
Mô hình của ông Thắng thuộc một trong những vùng quy hoạch nông nghiệp CNC đầu tiên của TP. Đà Nẵng và được hỗ trợ 50% vốn để sản xuất. Đến nay, mô hình thực sự đã phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất, tạo thu nhập, công ăn việc làm ổn định cho người dân khu vực. Ông Thắng đã đứng ra thành lập Hợp tác xã rau, hoa, củ quả Hòa Vang và tạo việc làm cho người dân địa phương với mức thu nhập 5,2 triệu đồng người/tháng. Sắp tới, ông dự định sẽ đầu tư thêm cơ sở thứ 3.
Còn tại thôn Dương Sơn, xã Hoà Châu, anh Nguyễn Xuân Hùng nổi tiếng vì có nghề trồng hoa lan Moraka cắt cành mang lại thu nhập cao, được nhiều người từ khắp nơi tới tham quan học hỏi.
Năm 2011, anh Hùng đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để trồng 4.000 hoa Mokara trong khuôn viên 400 m2 tại vườn nhà. Theo anh Hùng, trồng lan Mokara cắt cành thì công đoạn đầu tư nhà lưới và chăm sóc khá công phu, hoa phải có giàn lưới che, thoáng mát và có hệ thống phun sương. Bên cạnh đó, các công đoạn chăm sóc lan đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ đúng các kỹ thuật chăm sóc. Ngay lứa hoa đầu tiên, anh đã thu lãi được 40 triệu đồng.
Huyện Hòa Vang đã nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ anh Hùng phát triển quy mô lớn hơn và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất hoa tươi. Năm 2015, anh Hùng đã xây dựng thêm một nhà sản xuất hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích hơn 1.000 m2 với hơn 6.000 gốc, tổng kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng, trong đó Thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng.
Hiện nay, với quy mô hơn 10.000 gốc lan, anh Hùng thu lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng. Hiện anh đang có kế hoạch mở rộng quy mô trồng lan lên 20.000 cây để cung cấp ra thị trường.
Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, trên địa bàn huyện đã hình thành hơn 20 mô hình nông nghiệp công nghệ cao về trồng hoa, rau sạch, chăn nuôi, trồng cây ăn quả và nấm. Chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao và tìm được chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
Hỗ trợ nhiều nguồn lực cho nông dân, doanh nghiệp ứng dụng CNC
TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương hỗ trợ nhiều nguồn lực giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, ngành nông nghiệp Thành phố đầu tư khoảng 300-500 triệu đồng, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết: “Đề án Đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tổng kinh phí đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 30 tỷ đồng và tạo ra những bước phát triển mới, chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội trên địa bàn của huyện Hòa Vang”.
Các đoàn đến tham quan mô hình trồng hoa lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng (xã Hoà Châu). Ảnh: VGP/Minh Trang |
Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp CNC tập trung hầu hết tại huyện. Dựa trên cơ sở vùng quy hoạch, huyện đã đầu tư 2 mô hình thí điểm chuyển giao nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa (xã Hoà Ninh, 1 ha) và thôn Đông Lâm (xã Hoà phú, 1 ha) tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2,8 tỷ đồng, dân đối ứng hơn 4,3 tỷ đồng và kết quả năng suất các loại rau đạt khá cao; đầu tư một mô hình trồng thủy canh tại nhà kính Hoà Ninh (1.000 m2), hỗ trợ giàn che, hệ thống tưới tiết kiệm tại các vùng Ninh An (Hoà Nhơn), Phú Sơn Nam (Hoà Khương) và Tuý Loan (Hoà Phong).
Bên cạnh đó, dựa trên thế mạnh của từng địa phương, huyện cũng khuyến khích duy trì và mở rộng những mô hình, sản phẩm đạt hiệu quả cao như: Hình thành và phát triển ổn định 22 ha diện tích trồng hoa tại 4 vùng chuyên canh; hơn 43 ha rau an toàn tại 5 vùng chuyên canh; 100 ha lúa tại 5 vùng trồng lúa hữu cơ; các sản phẩm chủ lực và các mô hình ứng dụng CNC như Ớt Bồ Bản, gà đồi, gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, nếp đắng Hoà Liên, cua Trường Định...
Cùng với đó, Đà Nẵng nói chung và huyện Hoà Vang nói riêng đang tiếp tục xúc tiến kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch với nhiều chính sách ưu đãi hình thành vùng chuyên canh rau, nông sản sạch… Đặc biệt, doanh nghiệp khi đầu tư sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu); hỗ trợ xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 50%; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất...
Ông Đặng Phú Hành cho biết với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 7 vùng nông nghiệp CNC, tính đến tháng 4/2018, huyện đã thu hút 5 doanh nghiệp, đó là: Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (dự án bò sữa diện tích 120 ha với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng), Công ty CP HAPRAS (dự án rau sạch, diện tích 20 ha với mức đầu tư 60 tỷ đồng), công ty CP Greentech (dự án rau sạch, diện tích 5 ha với mức đầu tư 52 tỷ đồng, Công ty CP Dược Danapha (dự án trồng cây dược liệu), Công ty CP nông nghiệp CNC afarm (dự án rau thuỷ canh, diện tích 2,5 ha).
Trong năm 2018, Hoà Vang tiếp tục dành nguồn lực 7 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, nâng nao an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, Hòa Vang sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài về đất đai; khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về việc tiếp cận đất đai để sớm triển khai dự án.
Minh Trang/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã