Học tập đạo đức HCM

Đào tạo nghề nông thôn gắn với nhu cầu

Thứ ba - 11/08/2015 07:42
Chương trình đào tạo nghề nông thôn theo đề án 1956, giai đoạn 2010-2014, chưa đạt kết quả như mong đợi, do nhiều địa phương chỉ chạy theo số lượng, ít chú trọng tới chất lượng đầu ra của đào tạo nghề. Để khắc phục tồn tại, Quyết định 971 mới đây đã có những sửa đổi với yêu cầu gắn đào tạo với giải quyết việc làm, mục tiêu chuyển từ “lượng sang chất”.

Học xong không có nơi hành nghề

Anh Nguyễn Văn Nam, quê Kim Bôi (Hòa Bình) đang làm nghề xây dựng tại Hà Nội cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi có tham gia lớp đào tạo nghề sửa xe máy theo chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT). Học có 3 tháng, ít được thực hành, nên “chữ thầy trả thầy”. Sau đó tôi lại theo học một lớp về chăn nuôi thú y LĐNT nhưng cũng không áp dụng được, do không có vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Gần năm nay, tôi theo người quen xuống Hà Nội làm nghề thợ xây”.

Lớp đào tạo nghề mây tre đan theo chương trình đào tạo nghề LĐNT tại xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Nội).


Anh Nguyễn Văn Nam là một trong rất nhiều trường hợp học nghề theo chương trình đào tạo nghề LĐNT, nhưng không có việc làm và phải tự tìm công việc khác. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc đào tạo nghề cho LĐNT được giao khoán chỉ tiêu về các địa phương, rồi từ đây lại giao chỉ tiêu về các trung tâm đào tạo nghề. Thời gian giao chỉ tiêu muộn nên có lúc các cơ sở đào tạo phải chạy theo số lượng để đủ chỉ tiêu, trong khi chất lượng đào tạo còn bỏ ngỏ. Do đó, nhiều lao động học nghề phi nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hoặc khó tìm được việc làm đúng theo ngành nghề được đào tạo. Bên cạnh đó, cơ cấu dạy nghề cho LĐNT chưa phù hợp với thực tế tại địa phương, nên chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Một nét mới của QĐ 971/QĐ-TTg là việc thu hút các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho LĐNT không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tham gia đào tạo nghề LĐNT.

Đơn cử như tại Bắc Ninh, giai đoạn 2011-2014, gần 39.000 người được hỗ trợ đào tạo nghề LĐNT theo Đề án 1956 với tổng kinh phí là hơn 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, dẫn đến việc không ít LĐNT học xong không thể áp dụng trong thực tiễn hoặc không thể tồn tại lâu với nghề. Với nghề phi nông nghiệp như nghề thêu tranh nghệ thuật đòi hỏi tỉ mẩn, nhưng với thời gian học nghề chỉ có 3 tháng, phần lớn lao động sau học nghề mới chỉ sản xuất được những mặt hàng đơn giản. Còn một số nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản… thực tế chỉ hệ thống lại kiến thức trên nền tảng kinh nghiệm sẵn có; còn để đầu tư theo đúng quy chuẩn thì không được vay vốn ưu đãi. Điều này khiến không ít hộ nông dân sau khi học nghề đành phải bỏ ngang, hoặc làm không tới nơi tới chốn.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, khi giám sát tại một số địa phương, hiện tượng cả làng đi học một nghề, một người học 2-3 nghề trong năm là có thật. Học không gắn với thực tế địa phương và tạo việc làm sau học, khiến hiệu quả đào tạo nghề LĐNT chưa cao. Do đó, địa phương phải hạn chế đào tạo dàn trải, chuyển sang đào tạo gắn với doanh nghiệp với cam kết sử dụng lao động.

Đào tạo phải thực chất

Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vừa tham gia lớp học nghề may tre đan của Trung tâm dạy nghề tư nhân Phú Vinh với nhiều học viên từ các xã trong vùng. “Trung tâm dạy nghề Phú Vinh liên kết doanh nghiệp xuất khẩu mây tre đan cam kết sau học nghề sẽ tạo việc làm thông qua bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi yên tâm theo học nghề”, chị Hoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trung, giám đốc Trung tâm dạy nghề tư nhân Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ) cho biết: “Năm 2015 chúng tôi sẽ mở 28 lớp dạy nghề, trong đó có 8 lớp theo chương trình đào tạo nghề LĐNT. Sau khi học xong, học viên sẽ được giao sản phẩm về nhà làm và chính doanh nghiệp liên kết với trường sẽ thu mua lại sản phẩm. Do đào tạo nghề LĐNT mới học 3 tháng nên học viên mới chỉ làm những mặt hàng đơn giản. Nếu học viên nào tiếp tục gắn bó với nghề sẽ được đào tạo nâng cao. Chúng tôi xác định đào tạo nhân lực sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển doanh nghiệp làng nghề. Việc đào tạo nghề LĐNT hiện gắn theo nhu cầu học viên. Trước đây, lớp đào tạo nghề LĐNT theo đơn vị xã nhưng nay phải 2-3 xã mới được 1 lớp”.

Từ đầu năm đến nay, xã Phú Nghĩa đã mở được 2 lớp dạy nghề may công nghiệp và 1lớp nghề hàn, 1 lớp nghề may tre đan theo chương trình đào tạo nghề LĐNT. Ông Trần Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Trên địa bàn có Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã lấy đi 40% diện tích nông nghiệp. Trong KCN này có một số doanh nghiệp may mặc, da giày, xây dựng sử dụng nhiều lao động. Chính vì vậy, từ khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, việc đào tạo nghề LĐNT gắn với việc cung cấp lao động cho KCN này. Việc liên kết giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - địa phương trong đào tạo nghề LĐNT nên 100% số người sau đào tạo có việc làm.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH) cho biết: Việc làm sau đào tạo là tiêu chí đánh giá hiệu quả đào tạo nghề LĐNT. Do đó, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và dự kiến được mức thu nhập sau học nghề. Cơ chế này đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải có hợp đồng ký với doanh nghiệp về việc cam kết tuyển dụng số lượng lao động cụ thể hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm và dự kiến mức thu nhập đối với nghề đào tạo.

Người LĐNT căn cứ thông tin về nghề đào tạo, khả năng theo nghề để lựa chọn đăng ký học nghề. Đối với nghề học để tự tạo việc làm, người lao động tự cam kết trong đơn đăng ký học nghề. “Chính quyền địa phương căn cứ vào hợp đồng cam kết tuyển dụng lao động hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm và đơn đăng ký học nghề của LĐNT để đặt hàng đào tạo nghề cho cơ sở đào tạo với nghề. Đây cũng là căn cứ giám sát, kiểm tra”, ông Đào Văn Tiến cho biết.
Xuân Minh- Đức Mạnh
Theo baotintuc.vn
 Tags: đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập270
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm267
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại192,223
  • Tổng lượt truy cập90,255,616
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây