Học tập đạo đức HCM

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Yên Bái Bài 1: Động lực phát triển kinh tế

Thứ tư - 16/08/2017 11:41
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhiều việc làm mới với thu nhập ổn định được tạo ra. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, thoát nghèo và làm giàu từ sản xuất nông nghiệp…
 

 Với phương châm lựa chọn các sản phẩm chủ lực của từng vùng, khai thác tốt thế mạnh từng địa phương, sau hơn 1 năm thực hiện, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Yên Bái đã thu được kết quả bước đầu: Sản xuất nông nghiệp đã có những thay đổi đáng kể, nhất là phương thức sản xuất của người dân; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản cũng đang được chú trọng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Đánh thức tiềm năng từng vùng 

Trên con thuyền nhỏ lướt sóng hồ Thác Bà, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, Yên Bình). Xung quanh nhà bè là hơn chục chiếc lồng sắt, nuôi đủ các loại cá như nheo, chép, trắm cỏ, rô phi... Chị Hoa hồ hởi cho biết, năm 2016, chị xuất bán được hơn 3,5 tấn cá, trừ chi phí lãi hơn 80 triệu đồng. Trước đây, chị là một trong những hộ nghèo của Ao Khoai, tháng ngày chỉ mong kiếm đủ miếng ăn. Nhà gần hồ, gia đình có nuôi cá trong lồng tre, nứa nhưng chỉ đủ cá ăn và bán được đôi đồng. Từ khi có chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng sắt, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư 12 lồng sắt để nuôi cá trên hồ Thác Bà. Kinh tế khá giả, của ăn của để cũng có từ nuôi cá.

Giống như chị Hoa, nhiều gia đình sinh sống xung quanh lòng hồ Thác Bà đã làm giàu từ nghề nuôi cá lồng. Đến nay, toàn huyện Yên Bình có trên 460 lồng nuôi cá, 130ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà. Trung bình, sản lượng cá thịt đạt 4 - 5 tạ cá/lồng, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/lồng. Toàn tỉnh Yên Bái hiện có gần 200 mô hình nuôi cá lồng; 45 cơ sở nuôi cá eo ngách. Nhờ nuôi cá, nhiều hộ dân đã có thu nhập, thoát nghèo đồng thời có thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nguồn vốn hỗ trợ mà chị Hoa và các hộ dân nuôi cá lồng nhận được thuộc Đề án Nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi của UBND tỉnh Yên Bái. Đây là một trong những đề án thành phần trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Giống như Đề án nuôi trồng thủy sản ở Yên Bình, các đề án, chính sách thành phần trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Yên Bái xây dựng đều gắn với lợi thế của từng vùng để mang hiệu quả thực chất. Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Mai Mộng Tuân cho biết: Trước khi bắt tay vào triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã rà soát lại các lợi thế, tiềm năng của từng vùng miền và nhu cầu của thị trường. Từ đó, xác định sản phẩm chủ lực và các chính sách hỗ trợ phát triển cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, nhiều đề án nhỏ đã được triển khai như: Phát triển chăn nuôi tại huyện Văn Yên và Văn Chấn; nuôi trồng thủy sản tập trung tại huyện Yên Bình; phát triển cây ăn quả có múi; phát triển cây quế, măng tre bát độ, cây sơn tra tại Mù Cang Chải và Trạm Tấu; phát triển cây chè Shan vùng cao và canh tác ngô vụ đông trên đất trồng 2 vụ lúa.

Khai thác lợi thế vùng, đặc biệt là lợi thế tự nhiên, từ đó mạnh dạn thí điểm cây, con phù hợp với phương thức canh tác mới là hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp ở Yên Bái. Tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, trước đây, người dân chủ yếu trồng cây thông, có chức năng phòng hộ nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp. Sau khi tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng, tỉnh quyết định quy hoạch thay thế cây thông bằng cây sơn tra, vừa có tính năng phòng hộ, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, được sự hỗ trợ của tỉnh về vốn và kỹ thuật chăm sóc, nhân dân huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã mạnh dạn chuyển đổi trồng gần 1.100ha cây sơn tra, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.


Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình chè của gia đình anh Nguyễn Quý Thu, thôn Làng Ngòi, xã Yên Bình, huyện Yên Bình 
Ảnh: Trọng Hiếu

Đổi mới từ tư duy đến cách làm

Không những nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Yên Bái đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, xóa bỏ được tư tưởng lạc hậu về sản xuất thâm canh nhỏ lẻ, manh mún. Đây cũng là động lực để các hộ gia đình phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai Đề án, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng đầu tư. Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Đỗ Thị Hoài (thôn 3 Khe Li, xã An Bình, huyện Văn Yên) càng thấy rõ hơn sự chuyển biến tích cực từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đem lại. Chị Hoài chia sẻ: “Đất vườn nhiều nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, không có kỹ thuật chăm sóc nên gia đình tôi chỉ nuôi vài con bò, trồng ít ngô. Được chính quyền hỗ trợ 30 triệu đồng và được hướng dẫn tận tình các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia đình có thêm động lực mở rộng quy mô. Năm 2016, đàn trâu bò của gia đình đã tăng lên 30 con, diện tích đất còn lại được tận dụng trồng cỏ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lê Minh Đức cho biết, việc triển khai các đề án, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện phát triển từng bước theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, tạo diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc. “Đặc biệt là việc đổi mới tư duy, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của người dân trong việc tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vươn lên thoát nghèo” - ông Đức nhấn mạnh.

 Việc triển khai Đề án Tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp không những đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của địa phương mà còn có lượng dư thừa để bán đi các địa phương khác. Tin rằng, thời gian tới với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng của người dân, nền nông nghiệp Yên Bái sẽ có những khởi sắc.

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Mai Mộng Tuân


Theo Trọng Hiếu/daibieunhandan.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập277
  • Hôm nay37,182
  • Tháng hiện tại812,460
  • Tổng lượt truy cập91,986,189
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây