Học tập đạo đức HCM

Để thuốc Nam vươn tầm thế giới: Giải pháp giảm nhập khẩu thuốc

Thứ sáu - 19/05/2017 10:13
Không riêng gì người Việt, xu hướng chung trên thế giới cũng là đang quay về với lối chữa bệnh bằng dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên bởi nhiều ưu điểm: lành tính, dễ tìm. Thế nhưng thị trường thuốc Nam lại tồn tại nhiều bất cập khi các doanh nghiệp chưa đủ sức vươn ra biển lớn; nguồn nguyên liệu hạn chế; thuốc lậu, thuốc kém chất lượng tràn lan…

Kỹ sư của Traphaco Sapa hướng dẫn bà con chăm sóc cây actiso. 

Đầu tiên là nguyên liệu sạch   

Nhắc đến những đơn vị tiên phong trong việc sản xuất dược liệu sạch, để bào chế thuốc Nam đạt chất lượng cao, không thể không nói đến Traphaco.

Hiện, công ty đang quan tâm đầu tư hiện đại tất cả các khâu từ nghiên cứu, phát triển sản xuất đến thị trường. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Traphaco đã đầu tư sản xuất theo nguyên tắc “Thực hành tốt trồng trọt, thu hái cây thuốc” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO). Ngay từ khi thành lập, công ty đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, địa phương giàu tiềm năng cây dược liệu như: Hải Dương, Bình Lục (Hà Nam), Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai)... Từ thành công đó, năm 2001, Traphaco đã đề xuất với Chính phủ mô hình gắn kết “4 nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, trong đó doanh nghiệp phải là người đi tiên phong. Năm 2007, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí đảm bảo khai thác bền vững cây chè dây (chữa dạ dày).

Năm 2013, công ty đã công bố 4 vùng sản xuất dược liệu đạt GACP -WHO với trên 36.000ha. Trong đó 35.800ha đạt GACP- WHO (gần 100 loại dược liệu), 100% nguyên liệu đầu vào  đạt tiêu chuẩn chất lượng, nguồn dược liệu trong nước chiếm 91,3% tổng nhu cầu sử dụng. Giai đoạn từ 2011 -2013, công ty đầu tư gần 3 tỷ đồng để nghiên cứu và áp dụng GACP -WHO; năm 2014 -2016 đầu tư hơn 2 tỷ đồng/năm cho việc duy trì, phát triển vùng sản xuất dược liệu theo GACP -WHO.          

Được biết, vùng sản xuất dược liệu GACP -WHO của Traphaco gồm actiso ở Sa Pa (50ha), thu hút 107 hộ nông dân tham gia; bìm bìm ở Hòa Bình, Phú Thọ (4ha/28 hộ trồng); đinh lăng ở Nam Định (33ha/338 hộ trồng); rau đắng đất ở Phú Yên (800ha); chè dây Lào Cai (35.000ha). Công ty đã đầu tư, hợp tác đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các cơ sở làm giống, sơ chế tại những vùng sản xuất nguyên liệu GACP-WHO. Theo đó, trung tâm sản xuất giống đinh lăng công suất 1 triệu cây/năm; 2 nhà máy/2 dây chuyền chế biến actiso, tổng công suất lá tươi 500-600 tấn/tháng; 2 cơ sở sơ chế đinh lăng, công suất 2 tấn khô/năm. Đây là những địa chỉ đầu tư của công ty không những đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu mà còn đem lại công ăn việc làm ổn định, tiến tới làm giàu cho 500 hộ trồng, thu hái dược liệu. Hiện, đã có hàng ngàn hộ dân trồng, thu hái dược liệu được kiểm soát theo GACP- WHO đạt mức lợi nhuận 8,6 -16,6 triệu đồng/ha/tháng, cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Ông Phạm Duy Hùng, xã Tả Phìn (Sa Pa), cho biết, cây actiso có ở đây từ thời Pháp thuộc, song, bà con mới tham gia trồng cho Traphaco trên 10 năm nay. Hiện, Sa Pa có 150 hộ trồng actiso, hộ nhiều nhất 3ha, ít nhất 5.000m2, tất cả đều ký hợp đồng với công ty theo tiêu chuẩn GACP -WHO, từ khâu làm đất, khoảng cách trồng, đến khâu làm giống. Bình quân thu nhập từ trồng actiso đạt 200 -250 triệu đồng/ha/năm, trong khi trồng lúa chỉ đạt 20-40 triệu đồng/ha/năm. Riêng ông Hùng còn tự sơ chế bằng cách nấu cao, sấy khô lá, hoa, củ bán ra thị trường.

Đáng ghi nhận là, nhờ liên kết chặt chẽ với nông dân, Traphaco đã thực hiện được trên 150 đợt điều tra, khảo sát  tại 30 tỉnh thành của Việt Nam và tại Trung Quốc, Hàn Quốc để sẵn sàng đầu tư cho nghiên cứu phát triển dược liệu, đảm bảo nguồn cung chất lượng cao.

Thứ hai là phải đạt chuẩn

Nếu như Traphaco đặc biệt quan tâm vùng dược liệu thì Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam lại chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để chế biến và chiết xuất tất cả các loại dược liệu đảm bảo chất lượng thành phẩm, đưa viên thuốc Nam ngang tầm quốc tế.

Tổng giám đốc Công ty CP Dược liệu Việt Nam, ông Trần Bình Duyên, cho biết: “Hiện, công ty đã sản xuất được 250 loại sản phẩm để bào chế thuốc y học cổ truyền (YHCT), đủ cung cấp cho tất cả các nhà máy sản xuất thuốc Đông dược trên cả nước. Riêng khoản đầu tư cho dây chuyền chiết xuất đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Sản phẩm của công ty tung ra thị trường là tất cả các loại bột dược liệu đã chiết xuất, sau đó được cô đặc, sấy chân không, cuối cùng sấy phun sương theo công nghệ sạch, khép kín; đảm bảo chiết xuất được tối đa hoạt chất trong dược liệu. Dự kiến, năm 2017, công ty sẽ đóng vỉ (viên nang) để thuận tiện cho người tiêu dùng.”

Ông Duyên còn cho biết thêm, công ty cũng đã trồng được 200ha cây dược liệu quý hiếm trên cả 3 miền đất nước (Lâm Đồng 50ha, Quảng Trị 12ha, Thanh Hóa 10ha, Lào Cai 50ha, Sơn La 20ha); đồng thời đang gấp rút triển khai ở Hà Tĩnh, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Nội và  hình thành một số vùng trồng cây dược liệu quý hiếm ở Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai). Đặc biệt, công ty đã dành nhiều ưu ái cho Phú Thọ, vì đây là vùng dược liệu trọng điểm của đơn vị (gần100ha). Dự kiến, công ty sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn nông dân trong cả nước, khi diện tích vùng nguyên liệu nâng lên trên 1.000ha.  

Xiết chặt đường biên

Tuy nhiên, sẽ khó thành công nếu chỉ nói đến vấn đề chăm lo sản xuất đầu vào, đầu ra tốt, mà quên mất việc xiết chặt đường biên giới Việt -Trung. Bởi, nguyên liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu sản xuất, còn lại 75% đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Có 2 vấn đề mâu thuẫn khó giải quyết ở đây là dược liệu nhập theo đường chính quy, chất lượng tốt, nhưng giá cao, khó đến được tay người tiêu dùng. Nhập theo đường tiểu ngạch giá rẻ, nhưng không kiểm soát được chất lượng do buôn bán trôi nổi trên thị trường.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), 6 tháng đầu năm 2016, đã bắt được 3 vụ buôn bán dược liệu không rõ nguồn gốc. Theo đó, Hà Nội thu được 19.088kg dược liệu do nước ngoài sản xuất không có nhãn mác hàng hóa theo quy định. Lạng Sơn 1.272kg hạt ý dĩ, 125kg táo tàu, 348kg thục địa, 43kg con chuột (tỳ giải dùng làm nguyên liệu thuốc Bắc),...

Điều đáng nói ở đây là, thủ đoạn hoạt động của bọn buôn lậu ngày càng phức tạp, tinh vi, chủ yếu được đưa qua đường mòn, lối mở, kênh rạch, sông, suối biên giới. Các đầu nậu thuê mướn, gắn trách nhiệm vật chất với đối tượng vận chuyển. Nhiều trường hợp khi bị bắt chúng tổ chức cướp hàng, giải vây cho đồng bọn, khiến tình hình thêm phức tạp.

Đặc biệt, bọn buôn lậu còn mua nguyên liệu giá rẻ, chưa được gọi là thuốc hay dược liệu, dán bao bì, nhãn mác thương hiệu nổi tiếng sau đó đóng gói thủ công, trà trộn vào hàng thật, đưa vào cơ sở y tế thông qua đấu thầu giá rẻ... Đây cũng là nguyên nhân gây cản trở việc người dân được dùng bảo hiểm y tế bằng thuốc Nam, do khi đấu thầu, thuốc Nam chính hãng luôn bị “đánh trượt” vì giá cao .

Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần sự vào cuộc tích cực của Nhà nước và các bộ ngành liên quan. Đồng thời, phải có chính sách quản lý dược liệu, thuốc cổ truyền bị cố ý sử dụng không đúng loài, không đúng bộ phận, bị trộn lẫn, hoặc bị thay thế bởi các thành phần khác; dược liệu mạo danh nguồn gốc xuất xứ cần chế tài xử lý thích đáng. Nghiêm cấm sản xuất, pha chế, buôn bán thuốc cổ truyền có kết hợp hoạt chất hóa dược khi chưa được phép của cơ quan quản lý. Ngăn chặn tình trạng “lang băm” núp bóng các bài thuốc Đông y, gia truyền trộn tân dược vào bán cho người dân không được cơ quan thẩm quyền cho phép. Mặt khác, cấm xuất khẩu dược liệu thuộc các loài, chủng quý hiếm.

Hiện, số lượng và số loài dược liệu lưu hành trên thị trường nhiều, song trang thiết bị, năng lực của hệ thống kiểm nghiệm trong nước chưa đáp ứng đủ. Thiếu các dược liệu chuẩn, các chất chuẩn dược liệu dùng để kiểm tra chất lượng dược liệu. Cơ sở dữ liệu về dược liệu chuẩn đối chiếu, các chất chiết xuất được từ dược liệu dùng để làm chất đánh dấu chuẩn, phục vụ công tác quản lý, tra cứu, thẩm định và kiểm nghiệm dược liệu, thuốc dược liệu còn hạn chế...Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xác định dược liệu và chất lượng dược liệu còn khó khăn. 

Hy vọng, với nỗ lực của ngành y, sự vào cuộc của nhà nước, các bộ ngành có liên quan, cây thuốc Nam và ngành YHCT của dân tộc sớm có chỗ đứng trong nước và trên trường quốc tế, để người Nam yên tâm dùng thuốc Nam.

Theo: Dương An  Như/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập593
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại737,350
  • Tổng lượt truy cập93,115,014
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây