Học tập đạo đức HCM

Điểm tin báo chí ngày 29 tháng 9 năm 2016

Thứ sáu - 30/09/2016 10:44
Trong ngày 29/9/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

1/Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:

Đồng hành với làng muối Hộ Độ trong “chặng nước rút” – Tác giả Kiều Minh: Cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân xã nhà thì sự đỡ đầu của LĐLĐ tỉnh đã góp phần quan trọng giúp Hộ Độ dần hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Bên cạnh hỗ trợ cơ sở vật chất, huy động ngày công, LĐLĐ còn cùng xã tham gia hướng dẫn, phát động, triển khai các phong trào thi đua trong tổ chức, đoàn thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Không quản ngày nghỉ, LĐLĐ đã huy động nhân lực cùng với nhân dân và người lao động xã Hộ Độ phát quang, phóng tuyến hàng ngàn mét đường liên thôn, ngõ xóm, chăm sóc cây xanh, giúp các gia đình khó khăn chỉnh trang vườn hộ. Đặc biệt, tại thôn Xuân Tây, hơn 400m đường điện chiếu sáng trị giá 20 triệu đồng đã được đoàn thanh niên LĐLĐ tiến hành lắp đặt; 50 triệu đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị hoàn thiện nhà văn hóa thôn. Để trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết của người dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, LĐLĐ đã quyên góp ủng hộ địa phương hơn 1.300 đầu sách, trang bị tủ sách cho nhà văn hóa các thôn trên địa bàn…Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh đã lên kế hoạch làm việc với xã mỗi tháng 1 lần để soát xét, nắm tình hình nhằm có giải pháp hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ kịp thời...

Lộc Hà có 26 kho đông lạnh tồn 1.826 tấn hải sản – Tác giả Hữu Trung: Sáng 29/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn có buổi làm việc với Đoàn công tác kiểm tra kê khai, đánh giá, thẩm định đối tượng, số lượng thiệt hại do sự cố môi trường trên địa bàn huyện Lộc Hà để nghe kết quả bước đầu, nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Thống kê cho thấy, Lộc Hà có 7 xã với 54 thôn bị ảnh hưởng ảnh hưởng nghiêm trọng do sự cố môi trường biển. Qua thẩm tra, toàn huyện có 450 tàu thuyền với 1.616 lao động; hơn 293 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; 10.122 m3thể tích nuôi cá lồng bề; 672 m2 diện tích bè nuôi hàu. Nghề muối thiệt hại với diện tích hơn 39 ha của 384 hộ dân. 26 kho đông lạnh với hơn 1.826 tấn hải sản đang tồn hàng. Tổng lao động bị thiệt hại trực tiếp 3.820 người; lao động thiệt hại gián tiếp 877 người. Tại buổi làm việc, đại diện một số thôn trưởng, lãnh đạo các xã cho rằng, trong quá trình kê khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương của huyện Lộc Hà trong việc kê khai, thẩm định thiệt hại do sự cố môi trường biển, đồng thời yêu cầu huyện tiếp tục đồng hành với chính quyền các xã, thôn trong rà soát, kiểm tra việc xác minh, kê khai nhưng phải chắc chắn về mặt quy trình.

2/Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:

Cá chết ở Nghi Sơn: Cá thiếu ô xy vì Amonia vượt ngưỡng vài chục lần – Tác giả Hồng Đức: Ngày 28.9, thông tin từ Sở NNPTNT Thanh Hóa, cho biết: Đơn vị này vừa có báo cáo tình hình thủy sản tự nhiên chết trên khu vực biển Tĩnh Hải và cá nuôi lồng chết trên Vụng Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Theo đó, kết quả về mẫu cá tự nhiên và cá lồng chết do Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm đều âm tính với vi rút gây bệnh hoại tử thần kinh ở cá biển; đếm vi khuẩn tổng số gây bệnh trên cá thì số lượng đều trong chỉ tiêu cho phép của nuôi trồng thủy sản. Mẫu nước biển tại vùng biển Tĩnh Hải (khu vực phát hiện cá tự nhiên chết), trong nhiều chỉ tiêu trong ngưỡng cho phép, chỉ tiêu COD (xét nghiệm 7 mẫu thì chỉ tiêu đo được) vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản từ 2,45 đến 5,29 lần; mẫu nước biển tại Vụng Nghi Sơn (xã đảo Nghi Sơn) có 2 mẫu là COD (lượng Oxy cần để Oxy hóa hết các chất vô cơ, hữu cơ có trong nước) vượt ngưỡng cho phép từ 3,05 lần đến 4,49 lần và chỉ tiêu Amonia (NH3) vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản từ 10,8 đến 32,8 lần….”. Đây là các chỉ tiêu môi trường gây thiếu Oxy và ảnh hưởng đến hô hấp của cá, động vật thủy sản.

Cuối tuần này, Chính phủ sẽ bàn về “nợ thưởng” hơn 1.400 tỷ đồng – Tác giả Minh Huệ: Xung quanh chuyện mới đây tỉnh Long An phải làm văn bản “nhắc” Bộ NNPTNT về việc cấp 49 tỷ đồng tiền khen thưởng nông thôn mới (NTM), ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình xây dựng NTM cho biết, không riêng gì Long An mà T.Ư đang “nợ” thưởng 13 tỉnh, 57 huyện và 521 xã với số tiền 1.481 tỷ đồng. Do ngân sách gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ chưa bố trí được vốn để trả cho các địa phương; Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình MTQG xây dựng NTM đã kiến nghị lên Chính phủ xem xét vấn đề nợ tiền thưởng này và Chính phủ đã có chủ trương chi trả dần cho các địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích số nợ tiền thưởng NTM còn nhỏ hơn nhiều so với số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, các địa phương nợ xây dựng cơ bản đến 52/62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số tiền nợ đọng tính đến ngày 31.1.2016 là khoảng 15.212 tỷ đồng. Đó cũng là lý do các địa phương đang rất mong đợi khoản tiền thưởng của Chính phủ.

Làm nông “chui” trên đất quy hoạch – Tác giả Trần Đăng: Dưới sức ép đô thị hóa, công nghiệp hóa, một số xã nông thôn ở TP.HCM đã không còn đất sản xuất nông nghiệp, nông dân phải làm “chui” trên đất quy hoạch. Thấy đất quy hoạch từ lâu không sử dụng lại có lợi thế cặp sông Soài Rạp thuận lợi cho việc lấy nước nuôi tôm, một số ND xã Hiệp Phước đã đầu tư nuôi tôm, hiện nơi đây có 223ha nuôi tôm. Hay xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) do bị quy hoạch nên gần như không còn đất sản xuất nông nghiệp trong khi xã vẫn còn hơn 1.000 hội viên ND, nhiều hộ vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp nhưng chẳng biết khi nào sẽ bị thu hồi đất. Để hoàn thành tiêu chí thu nhập và lao động việc làm trong Chương trình xây dựng NTM, các địa phương tìm mọi cách nâng cao giá trị sản xuất cho ND cho dù đất đang canh tác trên vùng quy hoạch. Ví như, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố tìm cách phát triển HTX Hiệp Thành (xã Hiệp Phước) – một HTX mà các thành viên đang nuôi tôm trên đất quy hoạch, thành 1 trong 7 HTX tiên tiến của thành phố. Điều này đã đánh tan lo ngại của người dân. Trong khi đó, Trạm Khuyến nông Hóc Môn thực hiện mô hình “cơ giới hóa trong trồng rau” để mở rộng diện tích trồng rau.

Liên kết nông hộ - doanh nghiệp để làm ăn lớn – Tác giả SN: Để thoát cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc liên kết nông hộ với DN để hình thành những chuỗi sản xuất khép kín đã liên tục được nhắc đến trong thời gian qua, tuy nhiên đến nay mối quan hệ giữa nông dân – DN vẫn còn rất lỏng lẻo do thiếu sự chủ động từ cả 2 phía. Nửa đầu năm 2016, nông nghiệp Việt Nam lần đầu tăng trưởng âm sau hàng chục năm. Nửa cuối năm 2016, tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc… Trong nhiều năm qua vai trò của DN trong chuỗi liên kết chưa được chú trọng. Do vậy, sự trì trệ, lạc hậu của nền nông nghiệp ngày càng bộc lộ rõ. Các chuyên gia đều cho rằng, việc đề cao vai trò của DN trong mối liên kết với nông dân là cần thiết và là hướng đi đúng. Theo đó, việc liên kết giữa DN và nông hộ sẽ giúp hình thành cánh đồng sản xuất lớn, thuận lợi để đưa khoa học công nghệ vào gieo trồng, góp phần điều chỉnh 2 nhược điểm lớn của nền nông nghiệp Việt Nam: Phân tán, nhỏ lẻ và không đảm bảo ATTP; sản phẩm thiếu minh bạch, mất niềm tin của người tiêu dùng. Hiện nay một số DN lớn đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, bắt tay mạnh mẽ, mật thiết với bà con nông dân để hình thành chuỗi sản phẩm, điển hình như Tập đoàn Vingroup đã triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”, mục tiêu liên kết với 1.000 nông hộ, hợp tác xã, là “cầu nối” cho người sản xuất với thị trường. Ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): chính sách của Nhà nước trong thời gian tới phải tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi, đó là khuyến khích tích tụ ruộng đất, tháo bỏ rào cản mời gọi DN đầu tư vào nông nghiệp.

Hội Nghề cá Việt Nam lên tiếng: Cá hồi nuôi tại Việt Nam đảm bảo an toàn thực phẩm – Tác giả Đình Thắng: Trước những thông tin trên một số tờ báo cho rằng cá hồi nuôi là thực phẩm độc hại, có thể gây ung thư, mới đây Hội Nghề cá Việt Nam đã có những phản hồi chính thức về vụ việc. Hội Nghề cá Việt Nam cho biết cá hồi có 2 loại:  Cá hồi nước mặn, sống ở biển, vào mùa sinh sản chúng bơi ngược dòng sông lên thượng nguồn, đẻ trứng và kết thúc vòng đời tại đó; cá hồi nước ngọt sinh sống và trưởng thành chủ yếu ở nước ngọt. Hiện cá hồi nuôi ở Việt Nam là cá hồi nước ngọt. Do loài cá này ưa môi trường nước sạch sẽ nên hầu như tất cả các cơ sở sản xuất cá hồi đều liền kề sông suối để dễ lấy nước vào ao nuôi. Nước trong ao nuôi cũng được định kỳ xử lý các chỉ tiêu môi trường đạt yêu cầu mới thải ra bên ngoài. Hiện Việt Nam chưa sản xuất thức ăn cho cá hồi mà hầu hết phải nhập khẩu từ những quốc gia có nghề nuôi cá hồi phát triển, chủ yếu từ châu Âu. Những quốc gia này đều có yêu cầu cao và kiểm soát nghiêm ngặt về ATTP. Chưa kể từng lô thức ăn trước khi nhập vào Việt Nam được Tổng cục Thủy sản lấy mẫu kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng và ATTP....

Doanh nghiệp phân bón chịu “1 cổ 2 tròng” – Tác giả Đình Thắng: Phân bón nước ngoài giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam, trong khi sản xuất phân bón trong nước đang dư thừa, cộng với tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành đang khiến các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”...  Đại diện cho các DN sản xuất phân bón, ông Bùi Minh Tiến kiến nghị Chính phủ thay đổi áp dụng thuế VAT để kịp thời bù đắp sự thiệt thòi của nông dân, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa hoạt động của DN và hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường các kênh phân phối hàng là các tổ chức HND, HTX, tổ hợp tác để người dân yên tâm mua phân bón chất lượng với giá cả hợp lý nhất”. Để “thanh lọc” thị trường phân bón, ông Đàm Thanh Thế  - Chánh Văn phòng BCĐ 389 quốc gia đề nghị các Bộ Công Thương, NNPTNT, Quốc phòng, Công an, Tài chính chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện bắt giữ, đánh trúng vào đường dây buôn lậu, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; xác định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chức năng - nơi để xảy ra sai phạm và xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng, bao che cho sản xuất phân bón giả, kém chất lượng”. Ông Lương Quốc Đoàn – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa đổi bổ sung Nghị định 202, Thông tư 41, Thông tư 29 về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó bổ sung một số nội dung như: Tổ chức quản lý phân bón cấp nhà nước chỉ cần để một bộ quản lý; kiện toàn và tổ chức lại hệ thống trung tâm kiểm nghiệm kiểm định; tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

3/Báo Nông nghiệp Việt Nm đăng các tin, bài: 

Nghệ An nợ gần 900 tỷ đồng vì xây dựng nông thôn mới – Tác giả Văn Dũng: Sau khi huy động nguồn lực thực hiện và về đích NTM, nhiều xã ở Nghệ An bỗng trở thành “chúa Chổm”. Đến cuối tháng 4/2016, nợ động xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM là 887 tỷ đồng, trong đó nợ đọng của các xã đạt chuẩn là 576 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến các địa phương ở Nghệ An lâm vào cảnh nợ nần khi về đích NTM một phần do có sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ của TW. Trước khi thực hiện chương trình các địa phương áp dụng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ 100% cho 7 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, y tế, giáo dục, giao thông trục chính, nhà văn hóa và trụ sở UBND xã. Các địa phương đã huy động các nguồn vốn tạm thời để triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên, chờ ngân sách TW hỗ trợ sẽ trả nợ sau. Thế nhưng, khi cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 được thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg, theo đó chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sau vùng xa, các xã còn lại chỉ hỗ trợ 3 nội dung, gồm; Quy hoạch, đào tạo, trụ sở UBND xã nên các địa phương đã lâm vào cảnh nợ nần.

Cá lồng bè phát triển mạnh trên hồ Thác Bà, sản lượng 3.000 tấn/năm – Tác giả Thái Sinh: Hồ Thác Bà (Yên Bái) có diện tích 19.000ha mặt nước, mỗi năm cung cấp trên 5.500 tấn cá các loại, trong đó gần 3.000 tấn nuôi các lồng bè trị sản xuất thủy sản lên 22 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng so với năm 2015. Cá ở đây rất sạch do nuôi trong hồ nước trong xanh không ô nhiễm, đây là lợi thế để người dân phát triển cá lồng...Để khuyến khích người dân, tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đã hỗ trợ người dân nuôi cá lồng, trong 430 lồng cá thì có 303 lồng và 42ha nuôi cá quây lưới được hỗ trợ. Các lồng cá được đầu tư mới chủ yếu bằng lưới có độ bền 6-7 năm. Cá được nuôi chủ yếu là các giống trắm cỏ, nheo, lăng, tầm, chép, rô phi đơn tính... Mỗi lồng cá 20m3 sau 8 tháng nuôi sản lượng cá thịt trung bình từ 5-6 tạ cá/lồng, lồng có thể tích nước trên 100m3 sản lượng 2,5 tấn/ha, sản lượng 147 tấn, hiệu quả kinh tế từ 60-80 triệu đồng/ha/năm. Với lợi thế vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đặt chỉ tiêu đén năm 2020 có 500 lồng nuôi cá, trong đó 200 lồng nuôi các đặc sản, 400ha cá quây lưới. Sẽ xây dựng 2-3 cảng cá và chợ đầu mối tại một số xã, xây dựng cơ sở chế biến thủy sản để tiêu thụ cá cho người dân.

Liên kết chăn nuôi làm giàu – Mô hình liên kết ngang – Tác giả KN: Trong mô hình này, người san xuất và đơn vị kinh doanh liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển. Trong liên kết, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi; đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa bà con xã viên với DN giết mổ, chế biến, xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 10 nghìn HTX nông nghiệp và khoảng 140 nghìn tổ hợp tác với trê 2,3 triệu thành viên tham gia. Kinh tế hợp tác luôn được Đảng và Nhà nước xác định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhâp cho lao động nông thôn; Chính phủ đã ban hành luật HTX cùng nhiều quyết định, chính sách kịp thời hỗ trợ, khuyến khích các mô hình liên kết phát triển. Các hình thức liên kết, mô hình sản xuất mới ra đời đã mở ra hướng đi, tạo động lực mới trong sản xuất chăn nuôi. Khi mở rộng hình thức liên kết trong HTX, người chăn nuôi sẽ tránh được tình trạng sản xuất manh mún.

Nuôi chim trĩ đỏ ít tốn thức ăn, thu nhập khá – Tác giả Hoàng Hạnh: Dù mới nuôi chim trĩ đỏ nhưng anh Trương Thừa Vũ ở thôn 5, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã có thu nhập cao. Anh bắt đầu nuôi chim trĩ đỏ từ tháng 10/2014 với 35 con trong đó có 28 con mái 1,5 tháng tuổi với giá 400.000 đồng/con. Theo anh Vũ, chim trĩ dễ nuôi, ít mắc bệnh, ăn ít, thức ăn hàng ngày là các loại cám trộn với thóc và một số chất khác. 35 con trĩ giống lớn rất nhanh, đến tháng thứ 8 thì những con mái đồng loạt sinh sản; mỗi năm 2 đợt từ tháng 2-5 và từ tháng 6-9 hàng năm. Những lứa chim trĩ đầu tiên anh bán giống cho người địa phương, chim trĩ giống 1 tuần tuổi được bán với giá 70.000 đồng. Bình quân mỗi năm một con chim mái có thể đẻ từ 68-80 trứng. Sau 2 năm, anh Vũ đã nhân giống được 500 con, xuất bán cả trăm con chim trĩ giống và chim trĩ thịt thu lãi khá.

 
Tổng hợp: Minh Tâm
 
 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập741
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại769,939
  • Tổng lượt truy cập93,147,603
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây