Học tập đạo đức HCM

Nông thôn mới phải thật sự mới

Thứ sáu - 30/09/2016 10:42
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Một đất nước có gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn thì yêu cầu tập trung sức xây dựng nông thôn giàu đẹp càng trở nên khẩn thiết. Khi nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là nói đến việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp phải phấn đấu là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ. Đó là nông nghiệp còn vấn đề nông thôn, nông dân thì sao? Đó là mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại với nhau. Không thể xây dựng nông thôn mới khi sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Đời sống vật chất, tinh thần của nhà nông không thể khá giả khi hạ tầng kinh tế nông thôn thấp kém, khi ruộng đất manh mún, năng suất lao động thấp. Vì vậy, chủ trương xây dựng nông thôn mới đề cập toàn diện các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, thể hiện qua 19 tiêu chí.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới ngày 25-8, cả nước có 2.134 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 2.025 xã chính thức được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 22,7% tổng số xã trên cả nước; còn lại 300 xã mới chỉ đạt dưới năm tiêu chí, giảm 26 xã so với đầu năm nay. Ở cấp huyện, đã có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới.

Không thể xây dựng nông thôn mới khi sản xuất nông nghiệp lạc hậu.

Đáng lưu ý, một số xã được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình nông thôn mới, nhưng vẫn còn có những tiêu chí chưa hoàn thành, hoặc không đạt chuẩn. Hiện nay có 53/63 tỉnh, thành phố nợ đọng xây dựng cơ bản với số tiền gần 15.219 tỷ đồng. Chỉ tính riêng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đã có 1.147 xã nợ đọng, với tổng nợ đọng xây dựng cơ bản là 7.138 tỷ đồng (bình quân, mỗi xã nợ 6.238 triệu đồng).

Còn nếu đánh giá thực chất chất lượng các địa phương hoàn thành từ 17 đến 19 tiêu chí còn thấy nhiều băn khoăn. Ở không ít nơi có tình trạng chạy theo tiến độ, “về đích” bằng mọi giá, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều nơi đua nhau xây nhà văn hóa, xây chợ, xây cổng làng... rồi bỏ hoang. Có xã ven đô huy động sức dân đóng góp xây cổng làng lên đến hàng tỷ đồng, trong khi kinh tế nơi đây còn rất khó khăn, nhiều hộ dân sống chủ yếu bằng “nghề” buôn thúng bán bưng. Về nhiều xã nông thôn mới thấy nhà văn hóa được xây dựng tốn kém nhưng hầu như tê liệt. Nhà không có bàn ghế, loa đài, sách vở. Cả tháng chính quyền, đoàn thể họp đôi lần. Có nơi người ta biến nơi đây thành cái kho chứa, từ phân hóa học, thuốc trừ sâu đến cả kèn trống phục vụ tang lễ... Có nhà văn hóa huyện tổng mức đầu tư xây dựng lên tới hơn chín tỷ đồng. Mặc dù công trình được đưa vào sử dụng từ đã lâu nhưng vẫn chưa được... nghiệm thu. Chưa nghiệm thu nhưng công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, kẻ qua người lại đều thấy xót xa, giá như số tiền đó được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, hay xây dựng nhà tình thương cho người nghèo?

Một vấn đề tồn tại đã lâu, được nhắc nhiều lần, không còn là lời cảnh báo, mà cần kiên quyết sửa ngay. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên và ô nhiễm môi trường văn hóa. Môi trường tự nhiên thì đã rõ. Bao nhiêu xã được công nhận xã nông thôn mới rồi, sao về làng vẫn thấy những dòng sông chết, những cái ao chết đen ngòm, bốc mùi xú uế? Rồi rác thải chất đống từ ngõ ra đồng. Ở thành phố còn có công ty môi trường, ở nông thôn thì ai là người dọn rác? Có chăng mới là cách giải quyết tự phát, mỗi nơi một cách, chậm xây dựng một số mô hình xử lý rác thải ở khu vực nông thôn.

Ô nhiễm môi trường văn hóa thấy rõ trong việc sống lại các hủ tục. Cả nước một năm có tới hơn tám nghìn lễ hội. Vậy thì làng nào mỗi năm chả có vài lễ hội. Lễ hội lê thê từ tháng giêng qua tháng ba, từ tháng chín, mười qua tháng mười một, tháng chạp. Lễ hội từ xã lên huyện, lên tỉnh, rẽ lối sang tỉnh bạn. Nông thôn mới đi liền văn hóa mới, sao lại phục hồi nhiều thứ lễ lạt lạ kỳ? Tháng hai tháng ba nhằm tiết thanh minh, họ lớn họ bé trong làng cũng thì giỗ họ, rổn rảng, bung biêng, từ sớm đến khuya. Có người cắt nghĩa, bây giờ do tình trạng thiếu việc làm, do thời gian nông thôn nông nhàn nhiều, người thành phố thì ngày lễ ngày nghỉ quá dài nên mới nghĩ ra nhiều cách chơi. Chưa nói những biến tướng nguy hại của các lễ hội, trò chơi dân gian, dẫn tới sự lệch chuẩn thẩm mỹ, dẫn tới sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Những kết quả đạt được qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là đáng khích lệ. Điều đó chứng tỏ đây là một chủ trương lớn được lòng dân, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của dân. Về nông thôn hôm nay thấy nhiều làng xã xanh, sạch đẹp hơn, điện-đường-trường-trạm khang trang hơn; thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, cần phân tích sâu sắc nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tăng cao và các giải pháp xử lý ngay, vì theo kế hoạch, đến năm 2020, chúng ta phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chạy theo thành tích là một căn bệnh có nguồn gốc sâu xa là tư tưởng trọng danh hơn thực, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Bất cứ phong trào gì, có sơ kết, tổng kết, có khen thưởng là người ta nghĩ ngay đến việc “chạy” thành tích. Xây dựng nông thôn mới phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục việc đầu tư các dự án phân tán, dàn trải. Đó là công việc cấp thiết, nhưng cũng là công việc dài lâu. Vì thế cần phải chống khuynh hướng làm dối, làm ẩu, huy động sức dân quá mức, hoặc xây dựng các công trình tốn kém tiền tỷ nhưng hiệu quả không bao nhiêu. Những nơi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không được bằng lòng, chủ quan với những tiêu chuẩn đã đạt được. Phải thấy rõ những mặt chưa làm được, thậm chí là yếu kém, trì trệ để giải quyết, sửa chữa, khắc phục. Có như thế danh hiệu nông thôn mới mới thực chất, mới bền.

Xây dựng nông thôn mới phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục việc đầu tư các dự án phân tán, dàn trải.

Thanh niên tình nguyện tỉnh Quảng Ninh xây dựng đường nông thôn.

 

 

Theo TRẦN QUANG/nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập571
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại845,065
  • Tổng lượt truy cập92,018,794
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây