Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy kinh tế phát triển nên trong nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, phát huy nội lực, chú trọng đầu tư các công trình “điện, đường, trường, trạm” ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ đó tạo sự thuận tiện, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Gia đình bà Hoàng Thị Sâm, dân tộc Tày, ở thôn Lung Lù, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) nhiều năm nay đã phát triển nghề trồng mía đem lại thu nhập khá. Bà Sâm cho biết, nhờ tỉnh hỗ trợ xi măng để nhân dân làm đường bê tông rộng rãi, nông sản thu hoạch được chất lên xe chở thẳng đến nhà máy hoặc ra chợ bán, giá trị nông sản được nâng cao, tránh hỏng nát.
Không chỉ gia đình bà Sâm mà cả thôn, cả xã đều ủng hộ việc làm đường bê tông, nhiều hộ đã sẵn sàng hiến đất mở rộng đường. Hiện nay, phong trào làm đường bê tông nông thôn ở xã Bình Nhân vẫn tiếp tục được duy trì hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã cho biết, chủ trương của tỉnh rất hợp lòng dân, nhờ đó đã có nhiều tuyến đường hoàn thành, thúc đẩy kinh tế của xã phát triển, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 80% (năm 2011), hiện nay đã giảm xuống chỉ còn một nửa.
Bê tông hóa giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển tại xã Thượng Ấm huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: VTB
Xã vùng cao Sinh Long (Nà Hang) ngoài được đầu tư xây dựng đường bê tông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng… theo Chương trình 135, còn được hưởng lợi từ Dự án trồng chè đặc sản Shan Tuyết do tỉnh triển khai. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao nơi đây được hỗ trợ giống cây, phân bón và công chăm sóc.
Đến nay dự án đã kết thúc, song bà con tiếp tục phát triển mô hình trồng chè hiệu quả, xây dựng được thương hiệu chè ngày càng có tiếng trên thị trường. Anh Chúc Văn Sếnh, dân tộc Dao ở thôn Phiêng Ngàm cho biết, trước khi dự án triển khai người dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đặc sản, sau đó là cách chế biến và bảo quản. Bà con ai cũng vui vì nhà nước không cho “cá” nhưng lại cho chiếc “cần câu” giúp thoát nghèo bền vững.
Từ nhiều giải pháp khác nhau như: Hỗ trợ nhân dân làm đường bê tông nông thôn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho nguồn vốn vay ưu đãi thông qua tín chấp hội, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm ngoạn mục từ 34,83% xuống còn 9,31% (mỗi năm giảm trên 5%); toàn tỉnh đã làm được trên 2.750km đường giao thông nông thôn ở khắp các thôn bản, xây dựng trên 700 phòng học kiên cố, đầu tư hàng trăm km đường điện hạ thế kéo điện đến các thôn, bản xa… Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.
Đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian ngắn
Từ một tỉnh không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới theo 19 tiêu chí thì hiện nay Tuyên Quang đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Cách làm của tỉnh là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ mình là chủ thể, có tính quyết định trong xây dựng nông thôn mới, khai thác thế mạnh từng địa phương, phấn đấu hoàn thành những tiêu chí dễ trước, khó sau...
Mô hình nuôi dê lai của gia đình anh Lê Văn Hai ở xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm. Ảnh: VTB
Điển hình như xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) - trung tâm “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”, nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng gắn liền với vận mệnh dân tộc trong kháng chiến chống Pháp và thời kỳ tiền khởi nghĩa. Khai thác thế mạnh trên, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã đã khuyến khích người dân phát triển dịch vụ du lịch, buôn bán, nghỉ dưỡng.
Anh Hoàng Văn Nhiên - người dân tộc Tày ở thôn Tân Lập cho biết, có nhà sàn truyền thống nên gia đình anh đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Gia đình anh còn cung cấp thực phẩm do gia đình tự sản xuất nên chất lượng đảm bảo, được khách du lịch ưa chuộng. Từ phát triển mô hình du lịch, mỗi năm gia đình anh thu hàng trăm triệu đồng. Có kinh tế khá giả, anh Nhiên sẵn sàng đóng góp vào việc chung của thôn, xã và giúp các hộ khác cùng phát triển.
Nhờ những nhân tố điển hình như anh Nhiên đã giúp Tân Trào sớm “cập bến” xã nông thôn mới chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2012 Tân Trào được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến năm 2014 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Tân Trào - Trần Đức Hạnh cho biết, xã đã lựa chọn tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần chủ động của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng thuận từ các cấp chính quyền đến người dân.
Ở các xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới như Thượng Lâm (Lâm Bình), Bình Xa (Hàm Yên), Kim Bình (Chiêm Hóa)… tùy từng lợi thế địa phương mà tỉnh, huyện có những chỉ đạo sát sao, phù hợp. Trong đó, mấu chốt là xây dựng hệ thống hạ tầng, xác định nguyên nhân nghèo để bố trí biện pháp hỗ trợ hợp lý hay huy động các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp để xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2011 - 2015, số tiền làm đường giao thông nông thôn của toàn tỉnh là 1.400 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 52%. Mỗi năm đều có hàng trăm phòng học, nhà hộ nghèo được xây mới dưới sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng về mọi mặt. Đời sống của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng từng bước được xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ mới. Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là một trong ba khâu đột phá, tạo nền móng, động lực góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Xác định người dân là chủ thể
Triển khai xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ mình là chủ thể. Việc này có tính quyết định trong xây dựng nông thôn mới. Tuyên Quang đã khai thác thế mạnh từng địa phương, phấn đấu hoàn thành những tiêu chí dễ trước, khó sau...
Theo: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;