Học tập đạo đức HCM

Dù “lên bờ xuống ruộng” tôi vẫn ở lại Việt Nam

Thứ hai - 03/09/2012 07:45
Nhiều nông dân ở Gành Hào (Cà Mau) vẫn nhớ "ông Tây" Mauro Cerisola người ý lăn lộn với sông nước, thuyền ghe, sống kham khổ ở vùng quê để xây dựng nhà xưởng làm thủy sản. Rồi cơ ngơi ấy mấy năm sau đó bị sạt lở đất, đổ nhào xuống sông, mất tất cả. Người doanh nhân ấy lại tự mình đứng dậy, bền bỉ gắn bó với Việt Nam đã hai mươi năm. Nay ông đang thử kinh doanh chuỗi nhà hàng Dolce Italia bánh ngọt gốc Ý tại TP.HCM.

Đọc E-paper

 

* Hoàn cảnh nào đưa ông từ một kiến trúc sư lại đi kinh doanh thủy sản ở Việt Nam?

 

- Gia đình tôi làm thủy sản từ năm 1945 tại Ý và một số nước châu Âu khác, sang cả các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia. Tôi tốt nghiệp ngành xây dựng lúc ở Ý ngành này rất phát triển, nhiều nhà cửa đồ sộ thi nhau mọc lên. Nhưng khi cha tôi mất, tôi phải theo nghề của gia đình, bắt đầu theo bạn bè, vừa làm vừa học hỏi.

* Vậy ông có giỏi nghề thủy sản không mà lại là người Ý đầu tiên đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?

- Tôi rất hiểu nghề. Tôi có thể sản xuất đủ loại sản phẩm khác nhau phù hợp dùng cho siêu thị và cho hộ gia đình. Thậm chí lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 1992, tôi phải tự làm thủ tục nhập hàng thủy sản, vì lúc đó Việt Nam chưa có quy trình cho việc này. Tôi cũng biết làm việc với rất nhiều phòng thí nghiệm, đưa ra nhiều loại sản phẩm.

* Làm thủy sản, vậy ông phải hiểu rõ sông biển Việt Nam lắm? 

- Tôi có nhiều bạn bè làm việc ở Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), họ giúp tôi các tài liệu tìm hiểu về sông nước, thủy thổ của Việt Nam. Những năm sống ở Gành Hào cho tôi cơ hội được làm quen với sông nước ở đây.

* Nhiều người nói rằng ông đã gặp không ít thất bại, “lên bờ xuống ruộng”.Ông có thể kể một số khó khăn đó được không?

- Tám năm đầu tiên tôi liên doanh với các xí nghiệp của Việt Nam nhưng không được phép nắm quá 50% cổ phần. Tôi không điều hành được xí nghiệp, cũng không thể kiểm soát được gì, từ tiền bạc cho đến sản phẩm. Những khó khăn đó khiến nhiều người ngạc nhiên khi nghe nói tôi đã kinh doanh ở đây tới hơn hai mươi năm. Một nhân viên người Việt cùng ông làm việc ở Gành Hào nói, cô ấy chỉ chịu đựng được điều kiện sống gian khổ ở đó một năm rồi phải bỏ về Sài Gòn, còn ông vẫn ở lại đó.

* Khổ cực vậy mà sao ông chịu được? Ông có thể kể một chút về “những ngày Gành Hào” đó không?

- Đây, mời chị xem những tấm hình này, nói không hết được. (Trong hình là cảnh ông Mauro Cerisola sống giữa những nhà xưởng còn đang xây cất dở dang. Ngồi trên ghe xuồng lặn lội sông nước. Cởi trần ngồi giữa chiếu dùng cơm với những nông dân. Đứng ở sân nền đất với chú trăn quấn cổ, xung quanh là lồng nhốt rắn. Phòng ở sơ sài, chăng tấm nylon ngoài cửa. Ngồi làm việc đêm trong căn phòng trống hoác…)

* Cơ ngơi nhà xưởng ở Gành Hào này bây giờ có còn kinh doanh nữa không, thưa ông?

- Tất cả đã mất hết, nhào xuống sông cả rồi.

Tôi chạy đi báo cáo, xin sự giúp đỡ và tư vấn khắp nơi, kể cả Chính phủ, nhưng không một ai quan tâm. Tính về tiền bạc thì vụ đó ông mất bao nhiêu? Hơn triệu USD vào thời điểm những năm 1990 là khá lớn. Đó là chưa kể các món nợ lẻ của nhiều nơi, thấy xí nghiệp tan tành như thế, họ cũng đều “xin lỗi” và không ai trả. 

* Rồi ông xoay xở ra sao? 

- Tôi cố gắng rất nhiều, để vượt qua khó khăn. Tôi tìm đến nhiều xí nghiệp khác, liên doanh với họ, tìm mọi cách để có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu. Thời điểm đó cực kỳ khó khăn, nhiều người còn cho là tôi điên. Nhưng tôi là người khi có mục đích thì sẽ không bao giờ dừng lại. Tôi nghĩ làm như vậy tốt cho tôi hơn. Gành Hào đã trở thành một cái gì đó thật đáng nhớ. Tôi chưa bao giờ gặp phải thất bại như thế.

* Vì thất bại nên ông bỏ ngành thủy sản để quay sang kinh doanh mở chuỗi nhà hàng bánh Ý?

- Không, tôi vẫn tiếp tục. Chúng tôi vẫn có Công ty TNHH "Sài Gòn thế hệ mới”, Gen Sai Co., ltd và Indo Fish tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, có Euro Brokers & co.srl tại Genova (Ý). Nhưng tôi vẫn nảy ra ý tưởng làm thêm mặt hàng các loại bánh gốc Ý.

* Vì sao là bánh mà không là thứ khác gần gũi với thủy sản?

- Lý do rất đơn giản. Tôi ở Việt Nam mà không ăn được bánh của Việt Nam cũng như bánh của nước ngoài bán tại đây. Nhìn rất đẹp, nhưng mua về, cắt ra thì không ăn được. Bởi bánh vẫn làm theo kiểu của châu Âu cách nay nửa thế kỷ rồi, giờ không ai làm nhiều chất phụ gia có hại cho sức khỏe như thế nữa và cũng không ai ăn những thứ bánh được làm theo kiểu này. Tôi mua bánh ở đây mời nhân viên nhưng họ cũng không ăn. Người làm thì cứ nói đó là kem Ý, bánh Ý... nhưng thực ra không phải như vậy.

* Thế sao người ta vẫn làm, vẫn bán với giá cao và người Việt vẫn cứ mua để ăn?

- Có thể vì họ chưa biết có loại bánh khác.

* Ông có thể cho biết khác như thế nào không?

- Bánh Ý truyền thống làm hoàn toàn từ những thứ tự nhiên. Kem chúng tôi tự đánh. Nói về bánh Ý truyền thống, có thể tóm gọn thế này: Không nhiều nước có thể nói các món ăn của mình trở thành một hiện tượng quốc tế. Vậy mà Ý có tới hai món ăn như thế: Pasta và tất nhiên là pizza. Ở Mỹ, pizza thường có hai loại: loại dày, có vị phô mai Chicago và loại mỏng, mang tính truyền thống hơn ở New York.

Ở Ý cũng có hai loại pizza khác nhau: Loại pizza Ý và loại của các nước khác trên thế giới. Dường như có một quan niệm rất sai về thành phần cơ bản của bánh, chỉ cần có mùi vị pizza là được rồi. Ở chỗ chúng tôi, bạn có thể cảm nhận thấy không có món ăn nào lại đơn giản và ngon đến như vậy.

* Do đầu bếp ở Việt Nam làm hay sao?

- Do một đầu bếp người Ý. Anh này như một họa sĩ sáng tạo ra vô số loại bánh. Anh được sinh ra và lớn lên trong lò bánh, vì có cha mẹ đều là thợ làm bánh tại Ý. Tôi chọn anh ngay, vì trong kinh doanh, tôi vẫn tin và dựa vào cảm giác, cảm xúc nữa chứ không chỉ vào lý trí. Anh ấy đơn giản, chỉ say mê làm bánh. 

Tôi không thích những người tỏ ra “hàn lâm”, khoe khoang. Người ta hỏi anh ấy về điều kiện và cả bệnh nghề nghiệp của người làm bánh, anh ấy trả lời rằng ngoài kiến thức ra thì “muốn làm” là rất quan trọng. Bệnh của người làm bánh là “không thể thưởng thức cuộc sống: Người ta đi chơi, tôi làm bánh, quên cả ngủ”.

Kế hoạch của chúng tôi là đưa vào thị trường Việt Nam bánh gốc Ý như loại bánh chúng tôi vẫn làm ở nhà. Căn nhà chúng ta đang ngồi trò chuyện là shop đầu tiên. Bước đầu, chúng tôi giới thiệu với người Việt Nam biết có loại bánh ngon. Họ phải được ăn chiếc bánh ngon đó. Sẽ có chuỗi cửa hàng bánh Ý ngon Dolce Italian đi liền với cà phê ngon. Theo tôi, sự liên kết giữa bánh ngon và cà phê ngon là sự kết hợp tuyệt vời. Tôi không phải người thích ăn bánh ngọt, nhưng thấy Sài Gòn đã có khá nhiều loại bánh trong cũng như ngoài nước.

* Ông chắc rằng mình đã nghiên cứu kỹ tình hình thị trường bánh ngọt ở đây?

- Có nhiều tiệm bánh lớn, bán cũng được. Nhiều tiệm sao chép lẫn nhau, không có nhiều cải tiến. Họ kinh doanh bánh mì nhiều.

Người nữ cộng tác với ông hồi ở Gành Hào nói rằng ông rất nóng tính. Người nóng tính mà đến kinh doanh, đụng đầu vào nền hành chính của Việt Nam thì không biết sẽ ra sao. Chị ấy nói đùa, nhờ thế mà rèn ông “nên người”, có đúng không thưa ông?

Quả là tôi đã thay đổi rất nhiều trong hai mươi năm qua. Tôi thay đổi vì muốn hiểu nhiều về đất nước này. Sống ở xứ người, phải hiểu biết rõ về họ.

* Vậy ông hiểu Việt Nam thế nào, có sâu sắc không? Đừng dừng ở chỗ nhận xét phong cảnh đẹp, người thân thiện và thức ăn ngon nhé!

- Tôi luôn nghĩ người Việt Nam thông minh, có thể làm được những gì họ muốn. Nhưng có nhiều khoảnh khắc họ lười suy nghĩ. Có một số điều tôi không thể hiểu nổi. Trong suốt hai mươi năm ở đây, tôi không tài nào tìm được bất kỳ một xí nghiệp lớn, vừa hay nhỏ nào lập được kế hoạch cho tương lai. Ý tưởng và cách làm ăn toàn cầu thì khi hợp tác phải có kế hoạch từng bước.

Vậy nhưng họ không có! Một điều nữa là những nơi chúng tôi từng hợp tác, theo thỏa thuận làm ăn, họ không nghĩ rằng đối tác của mình còn làm ăn lâu dài. Tôi gửi tiền, đặt hàng theo thỏa thuận rồi, nhưng hễ có ai khác trả hơn dù chỉ 10 xu, họ cũng sẽ tìm đủ lý do để không giao hàng cho chúng tôi nữa. Cái đó gọi là “kiếm tiền ngay”.

* Vâng, người Việt Nam gọi đó là lối chụp giựt, ăn xổi ở thì. Nhưng cũng có những điều gì đó níu chân ông ở đây chứ?

- Tôi thấy phụ nữ Việt Nam thật tốt. Còn đàn ông thì… chán quá. Các bạn mà không có những phụ nữ thế này thì… tiêu rồi.

* Đó là vì ông chưa biết những người đàn ông ưu tú, đặc biệt là trong việc bảo vệ Tổ quốc. Ông có nhiều cơ hội biết những người đàn ông tốt chưa?

- Có, tôi cũng đã có cơ hội biết những người đàn ông tốt, những người của ngày qua, họ nói tiếng Pháp tới ngày hôm nay, không nói tiếng Anh. Tôi thích đất nước này lắm, nếu không kinh doanh. Ở đây vẫn thoải mái hơn ở Ý. An toàn hơn và con người thì vui vẻ. Nhưng tình hình đang có nhiều diễn biến đáng lo, xảy ra nhiều vụ án dã man đang làm xã hội bức xúc.

* Có nhiều người… mơ nước ngoài lắm đó, ông có biết không?

- Cũng như rất nhiều người Ý mơ sang Việt Nam. Châu Âu bây giờ tệ lắm. Mỹ đỡ hơn một chút.

* Ông có thích món ăn Việt không?

- Thích tất cả. Chuột tôi cũng ăn, hồi ở Cà Mau. Việt Nam là nước hiếm hoi ở châu Á chịu ảnh hưởng khẩu vị của châu Âu. Không đâu giống đây, khẩu vị khá tương đồng. 

Tôi thích hết, đất nước, con người dễ thương. Đất nước các bạn còn có thể tốt hơn nữa, nhưng cần dựa vào nội lực chứ đừng quá trông đợi vào nước ngoài. Có một cái gì đó rất khó gọi tên, làm cho đất nước các bạn chậm phát triển. Cần một cú hích. Trường học phải được cải thiện 100%, vì thanh thiếu niên là tiềm năng của đất nước, nếu được sự trợ giúp, họ sẽ phát triển rất tốt. Đó là ý kiến riêng của tôi, một nhà kinh doanh thôi.

* Cái gì ông cũng thích, cũng khen, vậy khi sống cuộc sống gần gũi, dân dã nhất, chẳng lẽ ông không thấy người Việt Nam có rất nhiều bức xúc, như nạn tham nhũng, rồi ngập nước, kẹt xe hằng ngày chẳng hạn?

- Tôi cũng bức xúc chuyện kẹt xe. Chẳng ai muốn, ai cũng kêu, nhưng không ai muốn làm cải thiện tình hình cả, dù rất dễ làm.

* Dễ làm?

- Rất dễ. Bắt đầu từ giáo dục trường học và cải thiện đường sá. Một việc như để cảnh sát giao thông đứng đường phạt người vi phạm giao thông, thì ngay ở Trung Quốc họ cũng không làm vậy. Dùng camera theo dõi mà phạt “nguội”, Nhà nước vừa thu được nhiều tiền vừa tránh được tham nhũng. 

Rất dễ, sao không làm? Ai cũng phải chạy xe không quá tốc độ quy định. Vì sao? Cái camera ở trên kia kìa! Những phương tiện máy móc kỹ thuật như vậy, các bạn có nhiều hơn cả châu Âu đấy, đừng nói rằng không có phương tiện. Chỉ là có muốn làm hay không mà thôi, tôi thấy như vậy.

Hai việc cần làm trước tiên, là giáo dục thanh thiếu niên và gắn camera. Nếu không làm vậy thì ngay ở Ý cũng có người lái xe với tốc độ 200km/giờ. Tại sao ở Thụy Sĩ, quy định tốc độ 50km/ giờ là người ta chạy đúng 50km/giờ? Bởi vì nếu không chấp hành, máy “bíp” một cái là tiêu 100 euro. 

Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao các bạn không làm như vậy? Tôi mà phụ trách việc này, tôi sẽ làm trong một năm, giao thông sẽ chẳng kém gì châu Âu...

* Cũng phải có điều gì ông không thích ở đây chứ?

- Nói chung tôi không ghét một cá tính hay thói quen nào, chỉ là còn có nhiều phiền hà trong kinh doanh thôi. Con người vui vẻ, hiếm khi giận dữ. Tôi ghét thói vô trách nhiệm, tất nhiên không phải tất cả như thế. Sau nữa là cái thói tỏ ra biết tuốt, cái gì cũng biết. Cho xem một cái bàn tốt chẳng hạn, họ sẽ nói cái này biết rồi, bàn của họ còn tốt hơn thế nhiều!

* Ông định còn ở Việt Nam lâu không?

- Đến chết thôi. Tất nhiên.

Thường những người ngoại quốc ở đây do có vợ hoặc chồng người Việt. Hoặc chỉ kinh doanh có thời gian rồi về. Hai vợ chồng ông đều là người Ý. Đặc biệt là vợ ông, suốt nhiều năm ông kinh doanh ở đây, chỉ có ông về nước thăm nhà, chứ vợ ông chỉ mới gần đây mới sang Việt Nam vài ngày. Ông sống xa gia đình mãi sao? Vợ con ông không thắc mắc gì?

- Con gái tôi đang điều khiển một công ty tại Ý. Con đầu của tôi cũng 40 tuổi rồi. Con trai thì có xưởng sản xuất đồ dùng cho xe cấp cứu và người khuyết tật. Vợ tôi là một phụ nữ rất hiền lành, bây giờ chỉ ham mê con, cháu. Tôi già rồi, ở một mình cho thoải mái. Ở chung với người khác là tôi gặp rắc rối. Chúng tôi cưới nhau từ năm 1966, nay chẳng bao giờ nắm tay nhau ngoài đường.

Là do thói quen sau này, chứ thời trẻ phải có chứ.

Đúng rồi. Nhưng đó là tự nhiên. Bây giờ như thành anh em.

* Cuộc sống của ông ở Việt Nam thế nào?

- Thích ở nhà, ngủ hoặc làm việc trên máy. Ra ngoài ăn tối. Không bao giờ đi vào cà phê đèn mờ. Đã đi thăm những nơi nổi tiếng. Tôi là một người bình thản. Không nghiện ngập, không thuốc lá. Tôi ít đi chơi với mấy bạn Ý, mà có nhiều bạn tốt người Việt. Nhiều bạn bè nên khi vui, họ mời một chút rượu thì “OK”.

* Sau nhiều thăng trầm, gian khổ, bây giờ ông đã là người thành công chưa?

- Chưa. Tôi mong sẽ thành công với hướng kinh doanh bánh Ý này. Vị ngon, chất lượng tốt. Những người đã đến mua rồi đều trở lại và khen ngợi. Nhưng hiện nay mới khởi đầu, còn chưa thật nhiều người biết.

* Nếu nói một lời mời với người khách mua hàng Việt Nam về cả trăm loại bánh gốc Ý mà ông rất tâm huyết này, ông sẽ nói gì?

- Hãy thử đi. Hãy nếm và cảm nhận. Tôi không nói “mua đi”. Tôi muốn nói họ ăn các đồ kém từ lâu, không biết họ có sốc khi ăn bánh chất lượng cao hay không.

* Còn để tự giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, ông sẽ nói những gì về mình?

- Tôi sinh năm 1946, lúc quân Đồng minh rút hết khỏi Ý. Quê ở Genova, rất gần bờ biển. Nhà có vườn và cây ăn trái. Thời trẻ ba tôi gửi cho học ở những trường học danh tiếng, đa số là con nhà giàu có, danh giá, thành ra tôi là người nghèo nhất trường. Họ dạy rất tử tế, từ cách ăn uống, cách mặc đồng phục và sáng sớm đi nhà thờ.

* Xin cảm ơn và chúc “sự nghiệp bánh Ý” của ông thành công.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Theo vneconomy.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập325
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại836,425
  • Tổng lượt truy cập92,010,154
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây