Thông tin về chất tạo nạc vừa lắng xuống thì người chăn nuôi tại Đồng Nai lại đối mặt với dịch lợn tai xanh. Giá lợn hơi vì thế có lúc rớt xuống chỉ còn 33.000 đồng/kg, người nuôi “treo chuồng,” nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay bởi trung bình mỗi con lợn bán ra, người chủ lỗ tới 500.000 đồng. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo, một số hộ nuôi lợn tại Đồng Nai đã tìm được một con đường sáng.
Chị Phạm Thị Thanh Tuyến (ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) một hộ nuôi gần 400 con lợn nái và lợn thịt, cho biết: "Thông tin chất tạo nạc xuất hiện từ đầu năm, giá lợn xuống thấp quá nên gia đình tôi đã tính chuyện bỏ nghề. Nhưng cách đây 5 tháng, gia đình được tham gia vào chương trình liên kết ba nhà, từ đó chúng tôi được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, được mua thức ăn trực tiếp từ công ty sản xuất."
Theo chị Tuyến, khi tham gia việc liên kết, gia đình chị được công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng. Có sự giúp đỡ của công ty nên chỉ trong 4 ngày, nhà chị đã được vay vốn (bình thường phải mất hơn 1 tuần, thậm chí 1 tháng). Không những rút ngắn thời gian vay vốn, gia đình chị còn tiết kiệm được những khoản lót tay vô hình cho “cò.” Ngoài ra, mỗi bao thức ăn vì mua trực tiếp tại nhà sản xuất nên có giá rẻ hơn ngoài thị trường 12.000 đồng.
Chị Tuyến phấn khởi: "Tham gia liên kết như thế này, với nông dân chúng tôi thật sự có lợi, giảm được chi phí đầu tư. Với giá lợn ở mức 38.000 đồng/kg như hiện nay, người ta lỗ mỗi con hơn 300.000 đồng, riêng gia đình tôi vẫn có lãi hơn 200.000 đồng/con."
Theo lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), một doanh nghiệp tham gia chương trình này cho biết khi tham gia liên kết, người chăn nuôi vì không phải mua thức ăn qua đại lý nên giá cám sẽ rẻ hơn 5% so với thị trường. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ thủ tục để người dân vay vốn ngân hàng.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc công ty chia sẻ: "Các hộ dân, sau khi mua thức ăn tại Công ty, họ không phải trả tiền ngay mà mang hóa đơn đến ngân hang, căn cứ vào hóa đơn, ngân hàng sẽ chuyển thẳng tiền cho công ty chúng tôi. Với cách vay vốn này, người chăn nuôi luôn sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả và khả năng sinh lợi của đồng vốn vì thế mà cao hơn rất nhiều so với cách làm thông thường. Ngoài ra, nông dân không phải trả nợ ngân hàng một lần, mà có thể trả theo từng đợt với số tiền không bị hạn chế."
Trong lúc chăn nuôi đang thua lỗ, về phía ngân hàng, việc giải ngân cho những hộ nuôi lợn vay cũng đặt ra nhiều rủi ro trong việc thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Đồng Nai nhận định việc cho vay như thế này, nhờ vào những cam kết của phía công ty nên chúng tôi an tâm đồng vốn của mình giải ngân chắc chắn được sử dụng đúng mục đích và sẽ được thu hồi. Nếu không liên kết thì khác, nông dân vay vốn, dù nói là để chăn nuôi, nhưng khi có vốn trong tay, ai đảm bảo họ sẽ không sử dụng vào những việc khác.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – người khởi xướng mô hình liên kết 3 nhà nhấn mạnh ở Việt Nam, chi phí thức ăn chiếm tới hơn 70% giá thành mỗi con lợn. Bên cạnh đó, để thịt lợn ra được thị trường cũng phải qua rất nhiều khâu trung gian, điều này tạo nên sự chênh lệch rất lớn về giá giữa lợn xuất chuồng và thịt đến tay người tiêu dùng. Liên kết 3 nhà là ý tưởng với mong muốn giải cứu ngành chăn nuôi.
Ông Công cũng cho biết quan khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện đa số các trang trại nuôi lợn tại Đồng Nai đã cạn vốn, không còn tiền mua cám, họ không thể tiếp tục vay ngân hàng vì không còn tài sản thế chấp. Ban đầu Hiệp hội kiến nghị với ngân hàng là người chăn nuôi dùng chính đàn lợn của mình để làm tài sản thế chấp, tuy nhiên phương án này đã không triển khai được. Sau đó, nhờ sự bảo lãnh của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên phía ngân hàng cũng đồng ý cho vay vốn.
Hiện nay, Hiệp hội đang làm việc với các đại lý cám cấp 1, nếu họ tham gia liên kết thì người chăn nuôi sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thức ăn giá rẻ.
Ông Công khẳng định: "Chúng tôi đang xây dựng một sự liên kết không chỉ 3 nhà mà là 5 nhà (thêm Nhà nước và cơ sở giết mổ) và chu trình khép kín. Để làm được điều này, phía Hiệp hội đã làm việc với các cơ sở giết mổ có uy tín và tiểu thương ở chợ. Nếu việc liên kết thành công, người nuôi lợn sẽ bán trực tiếp sản phẩm của mình cho các điểm giết mổ, nguồn thịt từ đây cũng sẽ đi thẳng ra chợ mà không cần qua những khâu trung gian.
Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi vì mua được thịt giá rẻ và có nguồn gốc xuất xứ. Chúng tôi mong muốn, Nhà nước sẽ tham gia vào liên kết bằng cách hỗ trợ nông dân về vốn, chính sách, cơ chế. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới có thể đi vào ổn định và phát triển bền vững"./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã