Gần 60 năm trước, Hợp tác xã Đại Phong, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vang tiếng khắp nơi với thành tích lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.
Nhiều năm qua, trong bối cảnh các Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả phải giải thể thì Hợp tác xã Đại Phong vẫn là "con chim đầu đàn" về năng suất lúa ở tỉnh Quảng Bình; một Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới.
Về Đại Phong đúng vào dịp bà con nông dân đang tất bật thu hoạch lúa đông xuân. Những cánh đồng lúa trĩu hạt, mùa vàng bội thu. Tiếng máy gặt đập liên hợp hòa lẫn trong tiếng nói, tiếng cười của bà con vang khắp cánh đồng. Đi đến đâu cũng thấy mọi người cười vui nói chuyện “được mùa được giá”.
Ông Nguyễn Cao Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phong tự hào vì Đại Phong vẫn giữ được lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp gần 60 năm qua.
HTX Đại Phong nay đã bước sang cách làm mới, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được cơ giới hóa. Đến nay, HTX sở hữu 15 chiếc máy cày, 10 trạm bơm, 10 máy tuốt lúa đủ sức phục vụ sản xuất cho gần 400 héc ta ruộng lúa HTX.
Ông Nguyễn Cao Thành cho biết: "Trong những năm vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào gần như toàn bộ, từ khâu làm đất, thu hoạch, thay đổi một số giống mới có năng suất, có chất lượng, chống chịu sâu bệnh. Đưa cơ giới hóa vào thì giảm được công sức lao động của bà con, tăng năng suất sản lượng, giảm chi phí".
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Đặng Ngọc Đính, Chủ nhiệm HTX Đại Phong ngày ấy vẫn không thể nào quên thời điểm hợp nhất, sáp nhập 3 HTX quy mô nhỏ, manh mún thành mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu đầu tiên trên miền Bắc XHCN khi đất nước còn tạm chia cắt 2 miền.
Ngày đó, địa phương phát động phong trào, một người làm việc bằng hai, làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm, đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng, vỡ hoang đất, chăn nuôi trâu, bò.
Và sau 2 năm, sản lượng lương thực tăng từ 650 kg lên 880 kg/đầu người, rồi tăng dần những năm sau đó. Lúa gạo của Đại Phong đưa ra miền Bắc ngày càng nhiều.
Ông Đặng Ngọc Đính khẳng định, bài học thành công của HTX chính là biết phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con xã viên: "Có phong trào giúp đỡ nhau, giúp nhau giữa gia đình chính sách, gia đình có công, gia đình nghèo với nhau, nhờ thế họ có thêm nghị lực tiến lên, không chịu thua em kém chị, giữ cho được phong trào của Đại Phong. Đảng lắng nghe phản ánh của dân, những ý của lãnh đạo, của Nghị quyết Trung Ương đều được thông suốt. Nhờ cái thông suốt từ trong Đảng ra dân nên không có gì ách tắc".
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều HTX nông nghiệp phải giải thể. Giữa lúc gian khó ấy, HTX Đại Phong vẫn tìm được hướng đi cho riêng mình.
Ông Võ Quảng, Trưởng ban Ban kiểm soát HTX cho biết, HTX mở rộng cung cấp dịch vụ, tạo nguồn vốn. Đến nay, nguồn vốn của Hợp tác xã Đại Phong hơn 10 tỷ đồng.
Hợp tác đổi mới cơ chế quản lý vốn theo cách khoán vốn, giao trách nhiệm cho Ban Quản trị mức bảo toàn và tăng trưởng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Từ nguồn vốn này, HTX giúp xã viên vay vốn lãi suất thấp để mua vật tư, phân bón thuốc trừ sâu, giống. Mỗi năm, HTX dành khoảng 100 triệu đồng hỗ trợ xã viên nghèo. HTX cũng ký hợp đồng với công ty Giống cây trồng Quảng Bình để sản xuất 70 ha giống nguyên chủng, mỗi năm thu lợi hơn 300 triệu đồng.
Ông Võ Quảng cho biết: "Những năm mưa nhiều, úng nước thì rất vất vả, nhưng mà phát huy truyền thống “nghiêng đồng đổ nước ra sông” của thời kỳ trước, với 10 cái máy bơm điện công suất 33Kw thì đủ đảm bảo thời vụ kịp thời. Thời kỳ chống hạn, Hợp tác xã tự lực bằng cách dùng máy bơm, bơm nước sông vào tưới trực tiếp, có nhiều năm nắng hạn nhưng mà vẫn đủ phục vụ đảm bảo năng suất lúa tốt".
Phong trào “gió Đại phong” tiếp tục lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình. Về Đại Phong hôm nay, đường làng ngõ xóm trải nhựa phẳng lỳ, sạch đẹp, nhà cao tầng mọc san sát nhau, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, Hợp tác xã Đại Phong góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hộ giàu tăng lên, hiện nay hộ giàu chiếm 25%, hộ khá tăng 45%, hộ nghèo giảm còn dưới 4%. Hiện nay Hợp tác xã có nguồn vốn lớn nhất của huyện Lệ Thủy.
Gần 60 năm đón nhận lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp, Đại Phong đã đi vào thơ ca, sử sách, chói lọi tinh thần đoàn kết tập thể của người dân Quảng Bình. Bây giờ, sức sống Đại Phong như một dòng chảy liên tục, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác làm đẹp vùng nông thôn Quảng Bình./.
Theo Đình Thiệu - Thanh Tuấn/VOV-Miền Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã