Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh là đơn vị xâu nối giữa cán bộ kỹ thuật với người sản xuất. Tuy nhiên để phát huy được những lợi thế đó việc cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất là hết sức quan trọng. Vì vậy, việc đào tạo nâng cao năng lực một cách toàn diện cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân chủ chốt cần phải được tổ chức thường xuyên và liên tục trong cả hệ thống.
Công tác đào tạo luôn đặt mục tiêu lấy người học là trung tâm; sử dụng phương thức trao đổi hai chiều để người học cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, cách làm hay có hiệu quả; đào tạo kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông và cho nông dân. Song, muốn được nhiều học viên nhiệt tình hưởng ứng thì cần phải thay đổi và áp dụng nhiều phương pháp cùng các nội dung tập huấn khác nhau, mỗi một học viên phải tự làm mới mình thì sẽ đạt được hiệu quả cao. Duy trì và kéo dài một phương pháp tập huấn cũ nhất định sẽ khiến cho nông dân nhàm chán và dễ xa rời.
Có thể nói, năm 2017, việc thay đổi phương pháp tập huấn chúng tôi thấy là một cách làm hay trong công tác khuyến nông, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nông dân. Trong quá trình tổ chức tập huấn hướng dẫn các kỹ thuật đến đâu đều được gắn kết với tăng cường tập huấn hiện trường đến đó. Với đặc thù của cán bộ khuyến nông là “miệng nói, tay làm” lại được gần nông dân, gần ruộng đồng, chuồng trại nên cách tập huấn hiện trường được tổ chức thuận lợi và bước đầu gặt hái được những thành công lớn mang tính cộng đồng cao.
Với đặc thù khí hậu ở Hà Tĩnh khắc nghiệt, nắng nóng và mưa nhiều để tạo ra một sản phẩm tốt sạch theo hướng an toàn đòi hỏi mỗi cán bộ khuyến nông và bà con nông dân cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy, cách làm và mức độ đầu từ trong sản xuất.
Trong năm 2017 Trung tâm Khuyến nông đã đào tạo được 3 lớp ToT cho cộng tác viên khuyến nông và nông dân chủ chốt đi sâu vào từng nội dung: trồng cây ăn quả và rau theo hướng VietGAP, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng và thâm canh một số cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao.
Trung tâm cũng tổ chức 4 lớp cho cán bộ khuyến nông viên cơ sở, ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, xóm trưởng và một số hộ dân tiêu biểu về các nội dung: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của các đối tượng có trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đối với cây ăn quả đã thực hiện chuyển giao việc “Ứng dụng các TBKT nhằm phục hồi sinh trưởng vườn bưởi và tăng cường biện pháp kỹ thuật ra hoa đậu quả cho Phúc Trạch sau lũ” qua 65 lớp tại 16 xã, tương đương 3.400 lượt người; Chỉ đạo xây dựng được 215 tổ nhóm; Hướng dẫn kỹ thuật cho nông hộ tại 316 vườn về kỹ thuật phục hồi sinh trưởng, nhất là phục hồi bộ rễ và hướng dẫn kỹ thuật kích thích sự ra hoa đậu quả cho bưởi Phúc Trạch sau bão, lũ. Kết quả vườn cam, bưởi hồi phục nhanh, cây cho ra hoa, đậu quả nhiều, chất lượng quả to, đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng.
Về đào tạo cho nông dân kỹ thuật trồng cam, bưởi trở thành nghề sản xuất cây ăn quả theo hướng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ, Trung tâm đã triển khai được 80 lớp tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc. Điểm đặc biệt của các lớp đào tạo này là được tổ chức theo hướng đào tạo nghề, gắn các thời kỳ sinh trưởng quan trọng chính của cây trồng. Phương pháp hướng dẫn cầm tay chỉ việc tại vườn cây giúp bà con nắm chắc, nắm vững kỹ thuật áp dụng thành thạo trên vườn cây của chính mình. Chính vì vậy, các lớp đào tạo đã thu hút được đông đảo bà con tham gia học tập và tham gia với tinh thần học hỏi, có nhu cầu thiết yếu. Ngoài ra, Trung tâm đã làm cầu nối, gắn kết với các doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Đến với xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang trước đây nhiều gia đình gặp khó khăn, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Từ khi tham gia vào các chương trình tập huấn do Trung tâm khuyến nông tổ chức, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi số diện tích vườn tạp thành vườn cây ăn quả. Quá trình chuyển đổi đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn từ khi quy hoạch vườn trồng đến kỹ thuật trồng, chăm sóc… Đến nay nhiều hộ đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, điển hình như hộ anh Thân, anh Thành, anh Hoàng… xã Đức Lĩnh.
Thông qua các lớp tập huấn này họ sẽ là những cầu nối chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tới cho bà con nông dân để xây dựng các chương trình sản xuất tại địa phương một cách hợp lý và phù hợp với thổ nhưỡng địa hình.
Có thể khẳng định rằng để phát triển một nền nông nghiệp bền vững thì việc nâng cao kiến thức cho nông dân là rất quan trọng. Thời gian tới các học viên sẽ rất vững vàng, tự tin trong công tác chuyển giao và sẽ hoàn toàn chủ động công nghệ mới. Sau mỗi khóa học họ thực sự trở thành những cộng tác viên tích cực lan tỏa kiến thức được học cho những nông dân khác cùng làm theo để sản xuất phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với thị trường bền vững trong tương lai.
Nguyễn Thị Lý
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn: khuyennongvn.gov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã