Quá mải mê với sắt, thép, ô tô, đóng tàu..đã khiến khu vực nông nghiệp không được quan tâm đúng mức trong giấc mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vài chục năm qua. Dù sự khẳng định về nông dân - nông nghiệp - nông thôn như một thế chân kiềng vững chắc cho phát triển bền vững đã xuất hiện từ những năm 2010, Luật Hợp tác xã đã có hiệu lực từ năm 2012, nhưng điệp khúc “được mùa mất giá”, “cùng trồng cùng chặt” vẫn dai dẳng mỗi mùa thu hoạch.
Đôi giày Nike và lát cắt quả chuối
Hồi giữa năm nay, câu hỏi Việt Nam hưởng lợi bao nhiêu từ đôi giày Nike đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quả thật, một đôi giày Nike có giá 100USD, Việt Nam nhận 22USD, đó là một phần giá trị không tồi khi công việc của chúng ta chủ yếu chỉ nằm ở khâu gia công.
Thực trạng phũ phàng hơn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ với nông sản Việt. Hẳn người ta vẫn còn nhớ những chiến dịch giải cứu ớt, giải cứu dưa hấu... trong đó, giá bán tại ruộng của nông dân thấp hơn đến hàng chục lần so với cái giá mà người tiêu dùng phải trả để thưởng thức các nông sản này. Rõ ràng, phần lợi nhuận chủ yếu đi vào các khâu trung gian, bán lẻ, còn nước mắt người nông dân vẫn nhỏ xuống mặn chát ruộng đồng.
Bất công trong phân phối lợi nhuận giữa người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và các khâu trung gian là thách đố với bất cứ nền kinh tế nào. Trao đổi với NCĐT, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, kể câu chuyện về lát cắt một quả chuối ở Hà Lan để minh họa. Lát cắt cuối cùng ở phần cuống của quả chuối nhỏ nhất là phần lợi nhuận của nhà sản xuất chuối, 3/4 ngon nhất là thuộc về các khâu trung gian và khâu bán lẻ.
“Muốn đảo ngược lại giá trị quả chuối thì phải làm như thế nào? Có thể áp dụng được không cách làm của mía đường Thái Lan khi nông dân được pháp luật bảo hộ nhận được trên 50% giá trị sản phẩm? Lẽ ra, nông dân phải được nhận lợi nhuận tốt nhất, vì đây là cái gốc để sản xuất của cải xã hội?”, ông Phú thẳng thắn cho biết. Vậy nông dân đang gặp khó khăn nhất ở điều gì? Theo vị chuyên gia này, ngoài vấn đề đất đai, vốn liếng..., hai vấn đề quan trọng là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt và phải đảm bảo được đầu ra. Hợp tác xã là mô hình tập thể để giải quyết vấn đề này.
Bài học từ kinh nghiệm xây dựng thành công hợp tác xã ở Nhật được xem là một hình mẫu mà Việt Nam có thể hướng tới. Có cơ cấu 3 cấp như mô hình hợp tác xã quy định theo Luật Hợp tác xã 2012 của Việt Nam, cấp xã huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương, tổ chức hoạt động, cũng như các cơ chế chính sách của hợp tác xã Nhật cũng tương tự. Điểm khác biệt tạo nên mức thu nhập khá giả của nông dân Nhật nằm ở cách thức mô hình này vận hành.
Cụ thể, việc canh tác được cơ giới hóa, trên diện tích đất lớn (do xã viên đóng góp). Chuyên viên hợp tác xã hướng dẫn xã viên từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực phẩm đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, cho đến thu hoạch, đưa sản phẩm về nhà máy. Mỗi hợp tác xã sản xuất đều được đầu tư nhà máy chế biến, bằng nguồn lực tự có hay sự hỗ trợ của nhà nước. Nông dân không phải lo đầu ra cho nông sản, đó là việc của ban điều hành hợp tác xã.
Ông Vũ Vinh Phú khuyến nghị: “Phải có cách thức vận dụng Luật Hợp tác xã kiểu mới tốt hơn trong thực tế. Phải xây dựng theo tiền đề là gốc ở sản xuất, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh để dần dần tiến tới xuất khẩu. Bàn tay Nhà nước phải can thiệp vào rất mạnh, phải áp dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với bán lẻ, tạo thành chuỗi phân phối hiệu quả. Có như vậy, hợp tác xã mới bền vững”.
Nông sản công nghệ cao
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Tiến Khai, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế, Đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích, nông nghiệp Việt Nam có 3 điểm yếu: sản xuất nhỏ, manh mún; không đảm bảo an toàn thực phẩm; kênh sản xuất - tiêu thụ không hình thành liên kết dọc hiện đại theo chuỗi giá trị. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có giải pháp đưa hộ nông dân gắn kết với kinh doanh nông sản; trong đó cần quan tâm đến những mô hình kinh doanh nông sản cho phép nông dân nhỏ vận hành trong thị trường và tham gia vào phát triển chuỗi giá trị thông qua các hoạt động tập thể; hình thành hợp tác xã nông nghiệp. Đây có thể là mô hình sản xuất cơ bản của nông nghiệp TP.HCM từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.
Một điểm sáng trong mục tiêu xây dựng hợp tác xã hiệu quả là việc nhiều hợp tác xã ở TP.HCM đang đề xuất mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm quy mô lớn. Vốn đã có kinh nghiệm với Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán TP.HCM - Saigon Co.op, đơn vị đang sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart, dư luận càng kỳ vọng TP.HCM sẽ lại thành công.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, có thể dự đoán, TP.HCM định hình thành kiểu hợp tác xã hai đầu, gắn sản xuất với tiêu thụ. Nếu đúng vậy, những khó khăn về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân sẽ được giải quyết. Các hợp tác xã này sẽ đảm bảo vừa quản lý chất lượng hàng hóa, vừa đưa khoa học vào ruộng đồng, vừa bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho nông dân. Đây sẽ là một mũi tên bắn trúng hai đích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, quan trọng là cơ chế vào hợp tác xã như thế nào, bắt buộc hay tự nguyện. Phải trả lời rõ ràng câu hỏi người dân nghèo vào hợp tác xã sẽ được hưởng lợi gì? Ngoài ra, phương thức hoạt động trong hợp tác xã thế nào? Nếu là dạng hợp tác xã cổ phần thì nguyên tắc góp đất, góp tiền như thế nào, chia lợi nhuận ra sao? Đưa khoa học công nghệ vào hợp tác xã như thế nào, vai trò của Nhà nước ra sao? Việc này đòi hỏi phải học hỏi, nghiên cứu mô hình ở các nước để vận dụng cho phù hợp.
“Theo tôi, nên làm thí điểm. Đừng làm đại trà rồi lại thất bại như mô hình hợp tác xã cũ, chỉ đánh trống ghi tên. Sau khi thí điểm thành công mới nhân rộng mô hình”, vị chuyên gia góp ý.
Để chốt lại những quan điểm của mình, ông Phú nhắc lại quan điểm đã từng đưa ra cách đây 10 năm, Việt Nam phải đi lên từ kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Nếu thật sự đặt trọng tâm như vậy, hoàn toàn có thể hy vọng, nông dân Việt có thể trở nên khá giả từ việc canh tác trên mảnh đất quê hương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã